Kinh tế toàn cầu sẽ suy yếu vào năm 2024?
Nếu có thể tóm tắt những gì sắp xảy ra đối với nền kinh tế thế giới trong năm 2024 bằng 1 từ thì đó sẽ là từ “biến động”. Theo các nhà kinh tế trưởng được khảo sát trong báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra sự biến động này là địa chính trị. Nhưng tình hình cũng có thể thay đổi tích cực hơn, bao gồm lạm phát giảm và tốc độ tăng lãi suất chậm lại.
Theo 61% các nhà kinh tế trưởng được khảo sát trong báo cáo, nền kinh tế toàn cầu sẽ suy yếu trong năm 2024, trong đó, sự không chắc chắn là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này như ấn bản tháng 5/2023 từng đề cập đến.
Những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu đang giảm bớt, nhưng mối lo ngại gia tăng khi nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát.
Các vấn đề về chính trị nội địa và địa chính trị cũng là những yếu tố đáng lo ngại khác. 9/10 nhà kinh tế được khảo sát tin rằng, địa chính trị sẽ tạo ra biến động kinh tế trong năm tới.
Theo 79% số người được hỏi, chính trị trong nước cũng có thể gây ra biến động kinh tế với chu kỳ bầu cử sắp tới của Mỹ có thể là nguyên nhân dẫn đến tâm lý này.
Triển vọng kinh tế khu vực
Các nhà kinh tế trưởng Outlook cho biết: “Có sự khác biệt ngày càng tăng về triển vọng tăng trưởng trên toàn thế giới”.
Châu Á được coi là có triển vọng tăng trưởng mạnh nhất - đặc biệt là Nam Á, nơi 92% người được hỏi kỳ vọng mức tăng trưởng vừa phải hoặc mạnh mẽ trong năm nay.
Hơn một nửa số người được hỏi mong đợi sự tăng trưởng mạnh mẽ, so với mức 36% trong ấn bản báo cáo tháng 5.
Tuy nhiên, kỳ vọng tăng trưởng ở Trung Quốc đã giảm xuống. Chỉ 54% dự đoán mức tăng trưởng vừa phải hoặc mạnh ở quốc gia này trong thời gian còn lại của năm 2023, giảm từ mức 97% trong ấn bản tháng 5 và có rất ít dự đoán về sự thay đổi này vào năm 2024.
Báo cáo cho biết: “Bên cạnh sự phục hồi chậm hơn dự kiến của tiêu dùng nội địa vào đầu năm nay, triển vọng kinh tế của Trung Quốc đã bị che mờ bởi áp lực giảm phát và dấu hiệu mong manh của thị trường bất động sản”.
Tính đến tháng 7/2023, khối lượng thương mại cũng sụt giảm, với nhập khẩu giảm 12,4% và xuất khẩu giảm 14,5%.
Triển vọng của kinh tế Mỹ đã được cải thiện rõ rệt kể từ tháng 5/2023, với khoảng 80% số người được khảo sát kỳ vọng mức tăng trưởng mạnh hoặc vừa phải trong năm nay và năm tới, tăng từ khoảng 50% trong tháng 5.
Theo 77% số người được khảo sát, châu Âu đang phải đối mặt với mức tăng trưởng yếu hoặc rất yếu trong năm nay. Nhưng bức tranh này có thể thay đổi đáng kể vào năm 2024, khi chỉ 41% người được hỏi kỳ vọng mức tăng trưởng yếu.
Đối với Trung Đông và Bắc Phi, 79% kỳ vọng mức tăng trưởng vừa phải hoặc mạnh vào năm 2023 và 2024, tăng 15 điểm phần trăm so với tháng 5.
Áp lực lạm phát và lãi suất giảm bớt
Sự lạc quan xuất hiện khi nói đến triển vọng lạm phát, với 86% các nhà kinh tế trưởng tin rằng điều tồi tệ nhất của đợt lạm phát toàn cầu gia tăng sẽ giảm bớt sau một năm nữa.
Những kỳ vọng xung quanh chính sách tiền tệ cũng cùng chiều với lạm phát, với 93% số người được hỏi kỳ vọng tốc độ tăng lãi suất sẽ chậm lại ở các nền kinh tế đang có lạm phát cao.
4/5 các nhà kinh tế trưởng cho biết cũng có khả năng có ít sự đồng bộ trong chính sách tiền tệ giữa các ngân hàng trung ương.
Báo cáo cho biết thêm, chính sách tiền tệ có thể sẽ được điều chỉnh cẩn trọng trong những tháng tới, khi các ngân hàng trung ương điều chỉnh các điều kiện kinh tế trong nước và toàn cầu còn đang mong manh, bao gồm biến đổi khí hậu, thay đổi nhân khẩu học, rạn nứt địa chính trị và kinh tế ngày càng sâu sắc.
Kỳ vọng về lạm phát ở Mỹ đã được cải thiện, với 54% các nhà kinh tế trưởng được khảo sát hiện kỳ vọng lạm phát ở mức vừa phải hoặc thấp hơn, tăng từ mức 32% trong tháng 5.
Nhưng châu Âu vẫn được coi là đang hướng tới lạm phát cao hoặc rất cao trong năm nay, theo 70% số người được hỏi.
Trung Quốc phải đối mặt với một vấn đề khác, với các dấu hiệu về áp lực giảm phát được phản ánh trong kết quả: 81% các nhà kinh tế trưởng dự đoán lạm phát sẽ ở mức thấp hoặc rất thấp trong năm nay, tăng từ mức 48% dự. báo trong tháng 5.
Cú sốc kinh tế tác động đến sự phát triển toàn cầu
Hy vọng đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên hợp quốc trước thời hạn 2030 đang bị nghi ngờ bởi những trở ngại mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt.
Gần 3/4 số người được hỏi cho rằng, căng thẳng địa chính trị sẽ cản trở tiến trình hướng tới các mục tiêu phát triển toàn cầu trong 3 năm tới, trong khi 59% cho rằng các điều kiện tài chính thắt chặt hơn cũng có tác động tương tự.
Báo cáo Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc trình bày một bức tranh tương tự, nhận thấy đã có “xu hướng xấu đi” đối với nhiều SDG kể từ năm 2020, bao gồm xóa đói giảm nghèo cùng cực và giảm tình trạng mất an ninh lương thực.
Hội nghị Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc cho biết, khoản đầu tư hàng năm thấp hơn 4 nghìn tỷ USD so với mức cần thiết để đáp ứng SDG, so với mức thiếu hụt 2,5 nghìn tỷ USD khi SDG được thông qua vào năm 2015.
Theo các nhà kinh tế trưởng, tìm cách huy động tài chính có thể giúp xoay chuyển tình thế.
Vốn tư nhân có thể tạo ra tác động lớn nhất trong các nỗ lực chuyển đổi số, năng lượng, lương thực và khí hậu của các nước đang phát triển với những lợi ích dây chuyền trên khắp các lĩnh vực phát triển.