Kinh tế toàn cầu trước những thay đổi chính sách tại Mỹ

Theo Xuân Thanh/thoibaonganhang.vn

Ngày 14/12/2016 vừa qua, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25% lên 0,5-0,75%, đây là đợt tăng lãi suất lần thứ hai sau hơn 8 năm hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục trong lịch sử nhằm đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Theo báo cáo nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dưới tiêu đề “Thay đổi chính sách tại Mỹ: Lợi ích và rủi ro toàn cầu” ngày 20/12/2016, quyết định tăng lãi suất được đưa ra trong bối cảnh kinh tế Mỹ tiếp tục xu hướng phục hồi bền vững và nằm trong dự đoán của thị trường, nhưng vẫn gây ngạc nhiên cho giới quan sát.

Cụ thể, lãi suất dài hạn tại Mỹ và USD đã tăng mạnh, khi các kỳ vọng về lạm phát dưới thời Tổng thống Donald Trump tới đây sẽ tăng cao, cuộc bầu cử đã đánh dấu sự chuyển dịch chính sách của Mỹ với tác động không nhỏ đến giá cả và hoạt động kinh tế tại Mỹ và trên toàn cầu.

Từ đầu năm cho đến ngày bầu cử tổng thống, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đứng ở mức rất thấp. Nguyên nhân là do tăng trưởng thấp và áp lực giảm phát trên toàn cầu, cho dù hầu hết các nước đã tung ra các gói kích thích tài chính khổng lồ với mức lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trước những kỳ vọng về xu hướng lãi suất chính sách của Fed, lãi suất dài hạn bị tác động mạnh. Đến lượt nó, lãi suất này sẽ phản ánh áp lực lạm phát tại Mỹ và sức mạnh của nền kinh tế.

Báo cáo nhận định, kết quả bầu cử tổng thống với phần thắng thuộc về Donald Trump và Đảng Cộng hòa của ông chiếm đa số số ghế tại cả hai nghị viện sẽ chấm dứt tình trạng chia rẽ trong chính phủ Mỹ. Từ lâu, các thành viên Đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ vẫn ủng hộ nỗ lực giảm thuế doanh nghiệp và cá nhân. Không chỉ giảm mạnh các mức thuế, quan điểm chính sách của Donald Trump còn hướng vào các biện pháp tăng chi tiêu công, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng và quốc phòng - an ninh, dẫn đến xu hướng mở rộng chi tiêu và hạ lãi suất.

Nhìn chung, tổng cầu tăng sẽ góp phần tăng sản lượng, khi nhiều người có việc làm, năng lực sản xuất được sử dụng nhiều hơn, và áp lực lạm phát sẽ tăng lên. Điều này sẽ ảnh hưởng đến dự báo của Fed, và lộ trình tăng lãi suất có thể được rút ngắn hơn so với kỳ vọng.

Lãi suất tăng nhanh cũng phát tín hiệu về sự tăng giá USD. Trong đó, mức thuế thấp có thể sẽ khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ chuyển khoảng 2.500 tỷ USD từ nước ngoài về nước, tiếp sức cho USD tăng giá. Nhu cầu trong nước tăng nhanh sẽ dẫn đến hệ quả là thâm hụt vãng lai tăng lên, khi nhu cầu này được trang trải bằng nguồn vốn vay từ bên ngoài, lặp lại thực tế đã từng xảy ra trước khủng hoảng vừa qua.

Trong đó, một phần khoản vay này sẽ tài trợ cho thâm hụt tài khóa liên bang, tùy thuộc vào đặc điểm của gói kích thích tài khóa, mức bù đắp thâm hụt nguồn thuế, lãi suất trái phiếu chính phủ và kết quả đối với tăng trưởng kinh tế. Với mức lạm phát thấp, kinh tế Mỹ sẽ tăng nhanh, nếu chi tiêu hạ tầng có tác dụng thúc đẩy sản lượng tiềm năng, trong khi mức thuế thấp sẽ khuyến khích đầu tư và sự tham gia của người lao động. 

Với vai trò trung tâm trong nền kinh tế toàn cầu, những thay đổi lớn về chính sách của Mỹ sẽ gây tác động đến tình hình kinh tế và tài chính thế giới. Những nước phát triển có đồng bản tệ mất giá so với USD sẽ hưởng lợi từ tăng trưởng cao tại Mỹ và tỷ giá cạnh tranh hơn, trong khi phần lớn các nước phát triển khác mong muốn thúc đẩy lạm phát do đang gặp khó khăn trong điều kiện lạm phát thấp.

Đối với những nước có mức nợ nần cao, áp lực lãi suất sẽ tăng cao, làm tăng thách thức tài khóa, nhưng không hưởng lợi lan truyền từ nhu cầu tăng cao tại Mỹ do lãi suất trong nước cũng sẽ tăng dần.

Các nước mới nổi cũng hưởng lợi do đồng bản tệ mất giá sẽ hỗ trợ xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, nhất là khi nhu cầu tại Mỹ tăng lên. Mặc dù nhiều nước mới nổi đã nới lỏng các biện pháp chính sách, giảm chênh lệch tỷ giá, và cải thiện khung khổ giám sát tài chính, nhưng vẫn gặp khó khăn, nhất là tại những nước đang gặp khó khăn về kinh tế và chính trị.

Trong lịch sử, các mức lãi suất tại Mỹ là một trong số tác nhân hàng đầu đóng vai trò dẫn dắt các dòng vốn vào các nước mới nổi. Trong đó, tỷ giá linh hoạt đã góp phần đáng kể vào việc ngăn chặn làn sóng đào thoát nguồn vốn, do các danh mục đầu tư quốc tế sẽ cân bằng trở lại nhờ tỷ giá thay đổi hơn là nhờ thất thoát dự trữ ngoại hối.

Tuy nhiên, lãi suất USD tăng và đồng bản tệ mất giá có thể dẫn đến tình trạng suy giảm thanh khoản hay làm trầm trọng thêm bảng cân đối tài sản, tùy theo mức độ vay mượn USD của người cư trú và các doanh nghiệp không cư trú tại quốc gia đó. Ngoài ra, đồng bản tệ mất giá có thể đẩy lạm phát tăng cao. Vì thế, các nước mới nổi cần linh hoạt và có phản ứng thích hợp.

Những thay đổi về chính sách của Mỹ có thể khiến tỷ giá hối đoái tại nhiều nước thay đổi mạnh và bất ổn toàn cầu gia tăng, chủ nghĩa bảo hộ sẽ trở thành rủi ro tiềm tàng. Trong những thập kỷ gần đây, các nước phát triển mong muốn duy trì sản xuất, trong khi các nước mới nổi đã mở rộng xuất khẩu, buộc các nước phát triển phải tăng cường các rào cản thương mại.

Việc Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001 đã mở ra một thời kỳ tăng mạnh về các hoạt động đầu tư khi nhiều công ty đa quốc gia chuyển cơ sở sản xuất vào Trung Quốc đại lục, tái định hình chuỗi sản xuất toàn cầu. Sự kiện này đã thúc đẩy tăng trưởng thương mại toàn cầu khi các nhà máy tại Trung Quốc nhập khẩu khối lượng lớn linh kiện, phụ tùng và sau đó xuất khẩu thành phẩm sang Mỹ và những thị trường khác, đồng thời giảm dần sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nhập khẩu linh kiện và nguyên vật liệu từ bên ngoài.

Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhiều công ty đã tranh thủ nguồn tín dụng giá rẻ để đầu tư mở rộng sản xuất, và hiện nay phải đối mặt với tình trạng dư thừa công suất và chật vật tìm kiếm người mua. Tình hình này có vẻ đang diễn biến theo chiều hướng ngày càng xấu đi do tăng trưởng kinh tế tại Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đều yếu ớt, trong khi kinh tế Trung Quốc tiếp tục xu hướng tăng chậm lại.

Theo báo cáo gần đây về triển vọng kinh tế toàn cầu do IMF công bố vào ngày 27/9/2016, sau khi chao đảo mạnh và phục hồi nhanh chóng sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, hoạt động thương mại và dịch vụ toàn cầu từ năm 2012 đến nay chỉ tăng trên 3%/năm, không bằng ½ tốc độ tăng trưởng trung bình trong ba thập kỷ trước.

Hoạt động thương mại còn giảm mạnh hơn, khi đánh giá mối quan hệ giữa tăng trưởng thương mại với hoạt động kinh tế toàn cầu trong quá khứ. Trong giai đoạn 1985-2007, hoạt động thương mại tăng gấp trên hai lần so với tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Trong năm 2015, giá trị trao đổi hàng hóa và dịch vụ giảm tới 10,5% do giá dầu giảm mạnh và USD tăng giá, mức độ suy giảm này đã chậm lại trong những tháng gần đây. Khối lượng trao đổi hàng hóa và dịch vụ trong giai đoạn này vẫn tăng, mặc dù chỉ tăng khoảng 3%/năm và chưa có dấu hiệu tăng tốc, một thực tế chưa từng xảy ra trong lịch sử kinh tế thế giới trong 5 thập kỷ qua.

IMF đưa ra cảnh báo, các xu hướng gia tăng các rào cản thương mại, nhất là thuế quan, có thể gây thiệt hại lâu dài cho nền kinh tế thế giới. Một số chuyên gia cũng lo ngại, diễn biến này sẽ xói mòn lợi nhuận doanh nghiệp. Trong bối cảnh kết nối các chuỗi thương mại toàn cầu tại các nước phát triển, xu hướng gia tăng bảo hộ sẽ trở nên phản tác dụng, điều này đặt ra yêu cầu và tầm quan trọng của các quy định về thương mại toàn cầu.

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu tăng thấp, các rào cản thương mại ngày càng tăng, gây ra những trở ngại thực sự và lâu dài đối với triển vọng kinh tế toàn cầu. Việc áp dụng các rào cản thương mại như áp thuế cao hơn, sẽ làm tăng lạm phát và kìm hãm tăng trưởng kinh tế.