Kinh tế Trung Quốc giảm tốc, cơ hội hay thách thức với Việt Nam?

Theo bizlive.vn

(Tài chính) Có mối quan hệ giao thương chặt chẽ với Trung Quốc, kinh tế Việt Nam liệu có hứng chịu tác động domino từ đà tăng trưởng giảm sút của kinh tế Đại lục?

Kinh tế Việt Nam liệu có hứng chịu tác động domino? Nguồn: internet
Kinh tế Việt Nam liệu có hứng chịu tác động domino? Nguồn: internet

"Khi người khổng lồ hắt xì hơi"

Với những tín hiệu không mấy tích cực phát ra trong thời gian gần đây, có vẻ kinh tế Trung Quốc đã bước qua giai đoạn “phát triển thần kỳ” với đà tăng trưởng nóng hai con số để đặt chân vào một giai đoạn suy thoái đầy rẫy bất ổn. 

Trong tháng Hai, ngân hàng HSBC công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI của Trung Quốc ở mốc 49,6 thấy hoạt động sản xuất đang bị thu hẹp.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê nước này, kinh tế Trung Quốc quý I tăng trưởng ở mốc 7,4% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất trong vòng 6 quý trở lại đây.

Chính phủ đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP chính thức cả năm tại ngưỡng 7,5%, trong khi các nhà kinh tế dự báo tăng trưởng cả năm sẽ giảm xuống còn 7,3%, thấp hơn hẳn so với mức tăng trưởng trung bình 7,7% trong hai năm qua và 9,3% trong năm 2011, 10,5% trong năm 2010. 

Sản lượng công nghiệp tăng 8,6% trong hai tháng đầu năm 2014 so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn kém xa so với mức kỳ vọng 9,5% của thị trường và là sản lượng tệ nhất tính từ tháng 4/2009.

Các phân khúc khác của nền kinh tế cũng gặp khó khăn. Tăng trưởng doanh số bất động sản chững lại ở tốc độ chậm nhất trong vòng 3 năm, nhích 11,8% trong hai tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, gây thất vọng đối với giới đầu tư khi chưa chạm mốc ước đoán 13,5%.

Đây là hệ quả của cả một thập kỷ đầu tư quá mức, khi Đại lục rót tiền vào xây hàng loạt nhà máy, đường cao tốc và chung cư, khiến giá trị tài sản cố định của Trung Quốc đi lên, nhưng tốc độ gia tăng hiệu quả của các dự án này lại không theo kịp.

Giờ đây, để kích thích nhu cầu tiêu dùng nguội lạnh trong nước và nỗ lực giảm sự phục thuộc của nền kinh tế vào hoạt động vay nợ, chính phủ Bắc Kinh buộc phải bằng lòng với một đà tăng trưởng kinh tế chậm hơn để phục vụ tái cơ cấu kinh tế.

Tuy nhiên, những chính sách cải cách này không chỉ tác động tới nội tại nền kinh tế, mà hiệu ứng lan tỏa của chúng sẽ vươn ra ngoài phạm vi Đại lục, trong đó có nước láng giềng gần kề - Việt Nam.  

Cơ hội hay thách thức cho nước láng giềng?

Chịu tác động đầu tiên từ đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc sẽ là khu vực xuất khẩu của Việt Nam. Tính đến cuối năm 2013, giá trị hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vượt mốc 13 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tới 10% tổng giá trị xuất khẩu cả nước, chủ yếu là các mặt hàng thủy hải sản, dệt kim, nguyên vật liệu…

Trước đây, khi Trung Quốc rót tiền vào ào ạt xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng sản xuất, nước này tiêu thụ một lượng khổng lồ các nguyên vật liệu nhập khẩu, trong đó phần nhiều là nguyên liệu thô.

Giờ đây, khi chính phủ nước này thắt chặt dòng vốn đầu đầu tư vào tài sản cố định, tăng trưởng nhu cầu giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới kim ngạch nhập khẩu của nước này, kéo theo tác động tiêu cực lên các mặt hàng nguyên liệu của Việt Nam có tỷ trọng xuất khẩu lớn sang Trung Quốc như cao su và than đá.

Trong những năm qua, Đại lục vẫn là thị trường chi phối hai mặt hàng xuất khẩu trên của Việt Nam, với khối lượng tiêu thụ 47% cao su Việt Nam xuất khẩu, con số này đối với than đá cán mốc 77% năm 2013.

Vào những năm 2007 – 2008, khi những nguồn năng lượng thân thiện với môi trường như năng lượng mặt trời, gió,… còn chưa phổ biến tại Trung Quốc, than vẫn là nguồn nguyên liệu chính được sử dụng trong các lò nhiệt điện tạo năng lượng phục vụ hoạt động công nghiệp của các nhà máy cũng như tiêu dùng của người dân.

Theo thống kê của trang web Climate Central, chỉ tính riêng trong năm 2007, Trung Quốc đốt hơn 4 tỷ tấn than để tạo nhiệt, nhiều gấp 4 lần Mỹ và gấp 7 lần toàn bộ lượng tiêu thụ của Liên minh châu Âu. Đây cũng là năm Trung Quốc nhập than từ Việt Nam nhiều nhất trong vòng 6 năm trở lại đây khi Tổng cục Hải quan bắt đầu thống kê số liệu.

Hiện nay, bên cạnh nhu cầu sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu bị kìm hãm, vấn đề ô nhiễm không khí tại Trung Quốc cũng đang khiến chính phủ phải hứng nhiều chỉ trích.

Vào đầu tháng Hai, tình trạng ô nhiễm không khí tại thủ đô Bắc Kinh lần đầu tiên được xếp vào nhóm báo động vàng, mức độ cao thứ hai trong hệ thống cảnh báo ô nhiễm 4 bậc.

Theo dữ liệu của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, nồng độ hạt bụi phân tử PM 2.5 trong không khí ở mức 300 sẽ được coi là rất nguy hiểm. Trong khi đó, nồng độ PM 2.5 được ghi nhận ở đây đã chạm ngưỡng 500.

Đối mặt với làn sóng phẫn nộ của người dân và truyền thông, chính phủ Bắc Kinh sẽ buộc phải mạnh tay trong việc thắt chặt quản lý tiêu thụ các nguyên liệu tạo nhiều khói bụi và CO2 như than đá, từ đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới thị trường xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.

Trên thực tế, lượng than đá xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2013 đã tụt xuống chưa đầy phân nửa so với năm 2006, đà trượt dốc này có nguy cơ trở nên trầm trọng hơn trong tương lai gần. 
LƯỢNG THAN ĐÁ TRUNG QUỐC NHẬP KHẨU TỪ VIỆT NAM
(đơn vị: triệu tấn)

Kinh tế Trung Quốc giảm tốc, cơ hội hay thách thức với Việt Nam? - Ảnh 1
Nguồn: Tổng cục Hải quan

Theo phản ánh của Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản Việt Nam Vinacomin, lượng xuất khẩu than của tập đoàn này sang thị trường Trung Quốc trong những năm gần đây liên tục giảm sút, từ đỉnh điểm 24 triệu tấn giai đoạn 2007 – 2008, giảm xuống một nửa còn 12 triệu tấn năm 2013 và dự kiến con số này trong năm 2014 sẽ còn 8 triệu tấn.

Không chỉ lượng xuất khẩu bị co hẹp, doanh thu chảy vào doanh nghiệp Việt từ xuất khẩu vật liệu thô cũng sẽ giảm tốc khi giá cả tuột dốc – hệ  quả tất yếu của quy luật cung cầu: Nhu cầu giảm, nguồn cung không đổi sẽ khiến giá cả giảm.

Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Phan Minh Ngọc, điều đáng lo ngại hơn là nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc tăng chậm lại trong khi nguồn cung tiếp tục gia tăng tại các nước xuất khẩu như Việt Nam vì đã “chót” đầu tư mở rộng công suất khai thác trong thời kỳ thịnh vượng trước đó, sẽ làm giá cả của các loại nguyên liệu này chịu thêm nhiều tầng áp lực.

Có một điều nghịch lý vẫn tồn tại là để giảm lỗ và có tiền trả nợ, các nhà cung cấp buộc phải tiếp tục mở rộng sản xuất, tăng sản lượng, càng làm trầm trọng thêm vòng luẩn quẩn cầu giảm- giá giảm-cung tăng.

Trước mắt, những ngành xuất khẩu ở Việt Nam có khả năng “giơ đầu chịu báng” đầu tiên phải kể đến là than đá, quặng (bauxite, thép)… khi phải đối mặt với nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc có thể không tăng, thậm chí sụt giảm trong khi giá cả nói chung có xu hướng đi xuống.

Với những doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng này tại Việt Nam, lực cầu và doanh thu giảm sút có thể khiến nhiều công ty phải thu hẹp mô hình sản xuất, dẫn đến cắt giảm nhân công, đẩy nhiều người rơi vào tình cảnh thất nghiệp.

Úc là một quốc gia điển hình phải chịu ảnh hưởng từ nhu cầu nguội lạnh dần tại Trung Quốc. Nước này từng hưởng lợi lớn từ việc xuất khẩu kim loại vào Đại lục trong giai đoạn 2008-2009 khi giá đồng tăng vọt cán mốc 200USD/tấn, hàng nghìn công nhân đã được điều động vào các hầm mỏ để khai thác quặng kim loại phục vụ xuất khẩu.

Nhưng đến năm 2011, khi giá đồng giảm quá nửa dưới 90USD/tấn khiến lợi nhuận cận biên từ hoạt động xuất khẩu tiêu biến, chính phủ Úc đã phải sa thải hơn 11.000 công nhân mỏ, tương ứng 0,1% lực lượng lao động toàn quốc, góp phần đẩy tỷ lệ thất nghiệp của nước này lên 6% tính đến cuối năm 2013, đỉnh cao nhất trong một thập kỷ, với các vùng có nhiều mỏ khai khoáng có tỷ lệ thất nghiệp tăng hơn 1%.
TS. Minh Ngọc nhận định có thể sẽ có một vài doanh nghiệp Việt Nam được hưởng lợi khi Trung Quốc tập trung tăng trưởng “xanh” và bền vững, hướng vào thị trường nội địa, nhờ đó cơ hội xuất khẩu vào thị trường nội địa nước này gia tăng. 

Nhưng ông cũng cho rằng các doanh nghiệp không nên hy vọng nhiều từ những cơ hội này vì các nhà tư bản, nhà sản xuất Trung Quốc cũng sẽ dễ dàng hơn đối tác Việt Nam trong việc phát hiện những cơ hội mới ấy.

Khi đó, với tiềm lực sản xuất, độ am hiểu thị trường và mạng lưới tiếp thị sẵn có, họ sẽ có nhiều lợi thế hơn doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc đua.

Ngoài việc nhu cầu tiêu thụ nội tại Trung Quốc bị teo tóp, TS. Minh Ngọc đã chỉ ra thêm một động thái khác của nước này có thể tiếp tục đẩy giá hàng hóa đi xuống, đó là biên độ giao dịch của đồng nhân dân tệ với USD được mở giãn trong tháng Hai, tiến tới tự do hóa đồng nội tệ.

Trước đây, khoảng giãn lãi suất lớn giữa đồng nhân dân tệ và USD đã thu hút những tay đầu cơ vay USD với lãi suất thấp, sau đó đem USD vừa vay được đổi sang nhân dân tệ, đem cho vay để hưởng lãi suất cao hơn, từ đó ăn chênh lệch lãi suất ngắn hạn.

Nhưng khi tỷ lệ nợ/GDP gia tăng chạm mức báo động (bằng 215% GDP chỉ trong năm năm), cộng với bong bóng tài chính phình to do đầu tư quá mức, Trung Quốc phải triển khai những biện pháp quản lý ngoại hối nhằm kiểm soát việc vay mượn và kinh doanh ngoại tệ.

Để luồn lách luật, giới đầu cơ đã dùng tới các giao dịch tài trợ thông qua hàng hóa cơ bản như đồng, nhôm và các kim loại quý như vàng, bạc,…

Càng có nhiều nhà đầu cơ tham gia vào thị trường này, nhu cầu “ảo” đối với những mặt hàng trên càng tăng, đẩy giá cả đi lên khi nguồn cung không đổi.

Nhưng một khi nhu cầu vật chất giảm sút kéo giá hàng hóa đi xuống, các nhà đầu cơ sẽ lập tức bán tháo hàng để chốt lãi tiền mặt, giải phóng một lượng lớn hàng hóa cơ bản ra thị trường, càng tạo sức ép lên giá cả các những mặt hàng này.