Kinh tế Trung Quốc mạnh hơn người ta tưởng?

Theo cafef.vn

(Tài chính) Hãy hi vọng rằng với những đặc điểm không giống ai, Trung Quốc sẽ vượt qua được thử thách và có một tương lai tươi sáng không giống như những gì người ta đang lo ngại.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Tháng 3 vừa qua, Trung Quốc ghi nhận vụ vỡ nợ trái phiếu nội địa đầu tiên trong lịch sử. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) đo lường sức khỏe của hoạt động sản xuất suy giảm tháng thứ 5 liên tiếp. Các quan chức ở một tỉnh phía Tây phải lên tiếng trấn an sau khi người gửi tiền lo lắng đổ xô đi rút tiền từ hai ngân hàng nhỏ. Có vẻ như một cơn giông bão sắp ập đến, đe dọa để lại hậu quả khôn lường cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tỏ ra khá vững vàng. Nước này vẫn còn nhiều “room” để tăng trưởng. Mặc dù quy mô nền kinh tế là rất lớn (GDP đạt 9.000 tỷ USD – lớn hơn tổng GDP của 154 nền kinh tế khác), Trung Quốc không hẳn là một quốc gia giàu có. GDP bình quân đầu người chỉ bằng 13% của Mỹ và đứng thứ 81 thế giới. 

GDP lớn thứ 2 nhưng thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 81

Bởi vì Trung Quốc đã ở vị trí lớn thứ hai thế giới, nước này thu hút sự chú ý mà các nền kinh tế nhỏ hơn không gặp phải khi họ đang ở mức độ phát triển tương tự. Giới quan sát hi vọng Trung Quốc sẽ đạt được những chỉ tiêu kinh tế mà các quốc gia khác không thể vượt qua kể cả khi đã phát triển hơn.
Hãy lấy vụ vỡ nợ trái phiếu của công ty năng lượng Chaori làm ví dụ. Đây là một bước “đau đớn” nhưng cần thiết để thị trường vốn Trung Quốc trưởng thành. Tuy nhiên, Nhật Bản không phải chứng kiến vụ vỡ nợ trái phiếu nào cho tới cuối những năm 1990, khi thu nhập bình quân đầu người bằng 3,7 lần mức hiện nay của Trung Quốc. Khi Hàn Quốc có GDP bình quân đầu người bằng Trung Quốc hiện nay, chỉ số PMI của nước này cũng không được theo dõi sát sao đến vậy. 

Sức ép từ GDP đè nặng lên mức GDP bình quân đầu người khiêm tốn là đặc điểm chỉ xuất hiện ở nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, đó không phải là điểm duy nhất. Một ví dụ khác là mức độ kiểm soát đối với thị trường tài chính. Mặc dù NHTW Trung Quốc đặt ra mức trần lãi suất tiền gửi và áp thuế đối với tiền tiết kiệm, điều này không khiến người Trung Quốc giảm tiết kiệm. 

Tình trạng này được duy trì ổn định một cách đáng ngạc nhiên, mặc dù những người gửi tiền có thể tìm đến những sản phẩm mang lại lợi suất cao hơn như các quỹ ảo hoặc các sản phẩm quản lý tài sản. Năm 2012, Trung Quốc có tỷ lệ tiết kiệm lên đến hơn 50% GDP – cao hơn mức có thể đầu tư trong nước và do đó buộc phải mang một phần tiết kiệm (khoảng 2 – 3% GDP) ra nước ngoài đầu tư. 
Tuy nhiên, Trung Quốc không chỉ tiết kiệm quá nhiều mà cũng đi vay rất nhiều. Dư nợ tín dụng tăng từ mức 100% của 5 năm trước lên tới 135% ngày nay. 

Tiết kiệm nhiều, đi vay cũng nhiều!

Làm cách nào mà một nền kinh tế có thể vừa tiết kiệm quá nhiều vừa đi vay quá nhiều? Có thể dễ dàng tìm thấy câu trả lời trong sách giáo khoa về kinh tế. Hãy coi nền kinh tế là một trang trại với GDP là 100 bắp ngô. Người chủ trang trại  trả cho người làm thuê một nửa số ngô (coi như tiền công) và giữ lại một nửa. Người làm thuê ăn một nửa số lương và cho chủ trang trại vay 25 bắp ngô. Có 75 bắp ngô, người chủ trang trại ăn 25 bắp, lấy 48 bắp làm hạt giống cho vụ tới và cho trang trại bên cạnh vay 2 bắp. 

Đối với các nhà kinh tế học, tiết kiệm không phải là tiêu dùng. Do đó, nền kinh tế giống như Trung Quốc có tỷ lệ tiết kiệm quá lớn. Tuy nhiên, tỷ lệ tiết kiệm cao cũng đi kèm với vay mượn nội địa: người chủ trang trại đã tạo thêm 25% GDP dưới dạng nợ. Nếu người chủ trang trại không vay ngô mà người làm thuê ăn chúng, tỷ lệ tiết kiệm giảm xuống và tỷ lệ đi vay cũng giảm xuống. 

Năm ngoái, Trung Quốc có tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ ở mức 9.000 tỷ USD. Gần một nửa trong số đó là cơ sở hạ tầng, nhà ở, nhà máy và máy móc thiết bị. Mặc dù tỷ lệ đầu tư gần như cao nhất từ trước đến nay, không ít khoản đầu tư bị lãng phí, tạo nên những thành phố ma hay cây cầu không có điểm đến. Điều này giống như người chủ trang trại giữ lại ngô nhưng lại gieo chúng ở mảnh đất khô cằn và chúng không thể nảy mầm. 

Những khoản đầu tư vô nghĩa là điều đáng tiếc đối với Trung Quốc, nhưng điều này chưa đủ mạnh để phá hủy tương lai của kinh tế Trung Quốc. Như nhiều ý kiến chỉ trích, Trung Quốc nên tiêu dùng các nguồn lực này một cách thông minh. Nếu Trung Quốc làm như vậy, người dân Trung Quốc sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, cần phải nhận ra rằng tiêu dùng không tạo ra của cải trong tương lai. Nếu người làm thuê ăn hết số ngô không nảy mầm, anh ta cảm thấy no hơn nhưng mùa vụ tiếp theo sẽ chẳng khá hơn. 

Điểm đặc biệt tiếp theo là tại sao tăng trưởng tín dụng quá nóng không khiến tỷ lệ lạm phát tăng lên. Đầu tư giúp tăng năng suất và cuối cùng sẽ khiến giá cả giảm xuống. Tuy nhiên, để tăng năng suất, trước tiên các doanh nghiệp phải thuê thêm nhân công và mua thêm nguyên liệu, kéo theo lương tăng và giá cả tăng, tạo nên lạm phát. 

Trung Quốc thoát khỏi kịch bản này một phần là do tín dụng được đầu tư vào tài sản đã tồn tại như đất đai và bất động sản. Bởi vì những tài sản này vốn đã tồn tại, đầu tư không làm tăng năng suất, GDP cũng như tiền lương và giá cả hàng hóa. 

Tuy nhiên, giá tài sản sẽ tăng lên. Điều này lại hối thúc người dân đi vay. Trong trường hợp Trung Quốc, tín dụng và giá tài sản cứ thế tăng lên.

Làm xẹp bong bóng tín dụng là nhiệm vụ khó khăn nhất của Trung Quốc hiện nay. Nhiều chuyên gia cảnh báo Trung Quốc sẽ đối mặt với kịch bản Lehman Brothers, nhưng đây là giai đoạn thứ hai trong bi kịch tài chính của nước Mỹ. Đầu tiên, giá nhà lao dốc mạnh. Tiếp theo, hệ thống tài chính vỡ vụn sau khi Lehman sụp đổ bởi các định chế tài chính mất niềm tin vào nhau. Cuối cùng, tiêu dùng sụt giảm. 

Trung Quốc không có Lehman Brothers?

Trung Quốc sẽ trải qua giai đoạn đầu tiên. Người dân Trung Quốc phát hiện ra rằng họ không giàu có như họ tưởng. Tuy nhiên, nước này có thể tránh được giai đoạn thứ hai và thứ ba. Thay vì để các ngân hàng sụp đổ, NHTW Trung Quốc can thiệp và dọn sạch nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Tín dụng ngừng tăng trưởng. Tuy nhiên, bởi vì tín dụng quá mức chỉ đóng góp rất ít vào GDP, dỡ bỏ chúng không khiến GDP giảm quá mạnh. Hơn nữa, NHTW có thể buộc các ngân hàng giải ngân cho các doanh nghiệp nhà nước. 

Trung Quốc không cần phải chi tiêu ít hơn mà phải chi tiêu theo cách khác. Mỗi ngành suy giảm (thép, năng lượng mặt trời…) cần được thay thế bởi một ngành tăng trưởng (y tế, logistics…) nếu Trung Quốc không muốn rơi vào kịch bản nền kinh tế hoạt động dưới mức tiềm năng.

Tất nhiên, đây không phải là điều dễ dàng. Thế nhưng, đây không phải là thách thức với riêng Trung Quốc hay với riêng giai đoạn này. Giống như tất cả các nền kinh tế khác, cơ cấu nền kinh tế Trung Quốc luôn thay đổi. Trong vòng 6 năm qua, xuất khẩu đã giảm từ mức 38% GDP xuống còn 25%, trong khi ngành dịch vụ tăng từ 42% lên 46%. 

Tỷ lệ vốn/nhân công của Trung Quốc mới chỉ bằng 1/4 của Hàn Quốc. Khi nền kinh tế tăng trưởng, các vấn đề lớn có xu hướng thu nhỏ lại. Năm 1998, tỷ lệ nợ xấu của Trung Quốc là 40%. Dọn sạch chúng sẽ tiêu tốn 5.000 tỷ nhân dân tệ, tương đương 58% GDP. Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng như vũ bão. Giờ đây 5.000 tỷ nhân dân tệ chiếm chưa đến 9% GDP. 

Hãy hi vọng rằng với những đặc điểm không giống ai, Trung Quốc sẽ vượt qua được thử thách và có một tương lai tươi sáng không giống như những gì người ta đang lo ngại.