Kinh tế tư nhân: Khơi thông cơ chế, phát huy nội lực
Mặc dù bức tranh chung của nền kinh tế là tích cực, nhưng điểm nghẽn đáng quan ngại nhất của phát triển lại là khu vực giữ vai trò động lực - khu vực tư nhân trong nước. Vì vậy, việc hỗ trợ để khu vực này phát triển là một trong những yêu cầu cấp bách hiện nay.
Hỗ trợ đẩy mạnh làn sóng khởi nghiệp
Trong quãng thời gian gần 30 năm qua, khu vực tư nhân đã vươn lên trở thành một động lực chính của nền kinh tế. Hiện tại, hơn 500.000 DN tư nhân đang đóng góp hơn 30% ngân sách và 40% GDP của cả nước. Ngoài ra, khu vực kinh tế tư nhân cũng đang tạo ra khoảng 90% số việc làm cho toàn xã hội.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, hiện nay chỉ có 528.000 DN đang hoạt động. Mục tiêu trong vòng 4 năm nữa nâng lên thành 1 triệu DN hoạt động. Do đó, việc tập trung chăm lo DN hiện có và hỗ trợ để đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp quốc gia, hỗ trợ trực tiếp cho DN khởi nghiệp, xây dựng DN phát triển nhanh và bền vững, cùng với các thành phần kinh tế khác là rất quan trọng.
Khuyến nghị cơ quan chức năng, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FPT mong muốn Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các mô hình doanh nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp; tăng cường xúc tiến, kêu gọi các quỹ đầu tư mạo hiểm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có sự tham gia của Nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế. “Các công ty startup sẽ góp phần đưa Việt Nam thành quốc gia khởi nghiệp để thay đổi vị thế và tăng trưởng của Việt Nam trên toàn thế giới”, Chủ tịch FPT khẳng định.
Cải thiện thể chế cho DN phát triển
Về môi trường kinh doanh, Chính phủ cam kết sẽ liên tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng bình đẳng, minh bạch, tháo gỡ gánh nặng cho DN khỏi những chi phí không chính thức, hoạt động thanh tra, kiểm tra gây phiền nhiễu, không hình sự hóa các quan hệ dân sự, tạo điều kiện để mọi DN, đặc biệt là các DN tư nhân, DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp có điều kiện phát triển thuận lợi nhất.
Nghị quyết 19 của Chính phủ trong các năm 2014, 2015, 2016 đã thể hiện rõ điều này, trong đó đặt ra yêu cầu cải thiện triệt để thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Và mới đây nhất là Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, với nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, tạo mọi điều kiện để DN phát triển.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ, thể chế cần liên tục cải cách với thước đo cụ thể như nâng thứ hạng năng lực cạnh tranh trên bản đồ thế giới, nâng cao chỉ số đào tạo và giáo dục quốc gia, thứ hạng môi trường kinh doanh hấp dẫn, đặt mục tiêu mỗi năm tăng dần trong bảng xếp hạng chung của toàn cầu.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục những đổi mới mạnh mẽ theo định hướng mà Đại hội lần thứ XII của Đảng đã đề ra. Tuy nhiên, Chính phủ chỉ hỗ trợ những DN có tiềm năng, tự đứng vững trên đôi chân của mình, phát triển nhờ năng lực sáng tạo. Nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ là kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, DN và nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh; ngược lại, các DN cần phải tận dụng được những lợi thế này.
Cùng với cải thiện môi trường kinh doanh, giải quyết bài toán về vốn cũng là động lực quan trọng để doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển. Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) Johan Nyvene cho rằng, cộng đồng DN tư nhân đang đối mặt với hàng loạt khó khăn, trong đó việc tiếp cận nguồn huy động vốn có ảnh hưởng đến sự sống còn cũng như phát triển dài hạn của DN. Sau gần 20 năm phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước phát triển tương đối nhưng khả năng huy động vốn của các DN trên thị trường này vẫn còn nhiều hạn chế.
Ông Johan Nyvene mong muốn cơ quan hữu quan với tư cách là nhà hoạch định chính sách, sớm có quy định và cơ chế hỗ trợ khơi thông dòng vốn vào thị trường chứng khoán, cân bằng lại thị trường. Song song với đó, ông cũng lưu ý các DN phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, không chỉ thông qua kế hoạch kinh doanh tốt và chứng minh được năng lực sử dụng vốn mà còn thực hành tốt hoạt động quản lý rủi ro và minh bạch thông tin. Các DN cần bắt đầu với việc sử dụng kiểm toán độc lập cho các báo cáo tài chính của mình.
Việc phát triển thị trường tài chính cân bằng là nhiệm vụ Chính phủ đặc biệt quan tâm, giúp đa dạng hóa các kênh huy động vốn của DN. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tập trung nguồn vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, hiện nay tỷ trọng tín dụng cho DN nhà nước chỉ còn 15 - 17%, tín dụng khu vực tư nhân được tăng nhiều thời gian qua.
Theo Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Bùi Văn Quân, mặc dù còn non trẻ nhưng khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện nay đang sở hữu ba thế mạnh chính. Thứ nhất, là lòng yêu nước, nhiệt huyết và nghị lực đối mặt với thách thức và rủi ro để vươn lên làm giàu chính đáng cho bản thân và đất nước. Thế mạnh thứ hai là có trí sáng tạo và năng lực cạnh tranh mạnh mẽ. Thế hệ doanh nhân trẻ được du học và làm việc ở nước ngoài mang về kiến thức, kinh nghiệm, các ứng dụng khoa học công nghệ và khoa học quản trị tiên tiến để giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất kinh doanh là thế mạnh thứ ba.