Kinh tế vĩ mô nhìn từ 10 tháng
Thời gian qua nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực, thể hiện rõ nét qua các điểm sáng của nền kinh tế vĩ mô, có thể nhận diện các quan hệ kinh tế vĩ mô chủ yếu như sản xuất, sử dụng GDP; quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát; quan hệ giữa vốn đầu tư và tăng trưởng kinh tế; quan hệ giữa tăng trưởng tín dụng với tăng trưởng GDP; quan hệ xuất và nhập khẩu; quan hệ giữa thu và chi ngân sách...
Quan hệ giữa sản xuất và sử dụng GDP
Tăng trưởng sản xuất GDP cao lên so với cùng kỳ năm trước, nhưng tốc độ tăng tích lũy và tiêu dùng cuối cùng (nội dung chủ yếu của tổng cầu, của sử dụng GDP) cũng cao lên và đã cao hơn tốc độ tăng của sản xuất.
Cụ thể, tốc độ tăng của tích lũy - tiền đề của đầu tư - cao hơn tốc độ tăng GDP (8,08% so với 6,5%) và đóng góp 2,62 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Tốc độ tăng của tiêu dùng cuối cùng cũng cao hơn tốc độ tăng của sản xuất, cao hơn tốc độ tăng của tích lũy, đóng góp tới 7,31 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Cộng mức độ đóng góp của 2 khoản trên đã lên đến 9,93 điểm phần trăm, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng của sản xuất (6,5%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng - bộ phận lớn nhất của tiêu dùng cuối cùng (đã trừ giá) tăng gần 9,1%, còn cao hơn tốc độ tăng của tiêu dùng cuối cùng, chứng tỏ tính tự cấp, tự túc giảm, việc mua bán trên thị trường tăng lên, cũng chứng tỏ tính thị trường của nền kinh tế tăng lên.
Quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát
Mối quan hệ này nay đã khác với thông lệ. Theo thông lệ trong nhiều năm, khi tăng trưởng cao lên thì lạm phát cũng cao lên, khi lạm phát thấp xuống thì tăng trưởng kinh tế cũng bị chậm lại. Nhưng từ năm 2013 đến 10 tháng đầu năm 2015, trong khi tăng trưởng kinh tế cao lên (so với năm trước hoặc cùng kỳ năm trước), thì lạm phát lại thấp xuống.
Đó được coi là kết quả kép; hơn nữa cả năm tăng trưởng còn được dự đoán sẽ vượt mục tiêu, lạm phát sẽ thấp xa so với mục tiêu, thậm chí có thể chỉ bằng 1/2 năm trước. Tất nhiên, lạm phát thấp xuống có một nguyên nhân quan trọng do giá thế giới giảm, giá xăng dầu giảm mạnh, giá lương thực giảm, trong khi tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán cao lên so với cùng kỳ.
Quan hệ giữa vốn đầu tư và tăng trưởng kinh tế
Quan hệ này có sự cải thiện nhất định. Tỷ lệ vốn đầu tư/GDP 9 tháng 2015 đạt 31,9%, đã cao hơn một chút so với năm 2013 (30,5%), 2014 (30,7%), nhưng bình quân thời kỳ 2012-2014 vẫn còn thấp hơn nhiều so với thời kỳ 2006-2011 (30,9% so với 37,6%).
Tỷ lệ vốn đầu tư là 31,9%, tốc độ tăng GDP 6,5% của 9 tháng sẽ là tín hiệu khả quan để cả năm 2015 tăng hiệu quả đầu tư (giảm hệ số ICOR về dưới 5 lần). Hiệu quả đầu tư tăng lên cùng với tốc độ tăng năng suất lao động cao là những yếu tố làm tăng chất lượng tăng trưởng kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, từ số lượng sang chất lượng.
Tuy nhiên, với mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững, thì cần khai thác tốt hơn nữa nguồn vốn còn tồn đọng trong dân (dưới dạng vàng, ngoại tệ...), vốn FDI, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư hơn nữa (thời kỳ 1996-2000 ICOR đã ở mức 4,7 lần, còn của nhiều nước ở mức dưới 3-4 lần). Điều đáng nói là nợ công tăng lên.
Quan hệ giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP
Năm nay, tăng trưởng tín dụng mang dấu dương ngay từ đầu năm và tính chung 9 tháng đã tăng 10,78%, cao gấp đôi cùng kỳ, trong khi huy động vốn tăng thấp hơn (8,9%), tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán tăng thấp hơn (8,08%). Đây là một trong những yếu tố góp phần làm tăng trưởng GDP cao lên, nhưng không gây ra lạm phát. Đây cũng là tín hiệu để tăng tốc độ tăng tín dụng cả năm cao hơn định hướng trước đây (có khả năng đạt 17%).
Quan hệ giữa xuất, nhập khẩu
Tăng trưởng của tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng cao hơn sản xuất, tăng trưởng của nhập khẩu cao hơn của xuất khẩu, nên trong quan hệ buôn bán hàng hóa với nước ngoài, Việt Nam đã chuyển vị thế từ xuất siêu sang nhập siêu 4,030 triệu USD trong 10 tháng năm 2015. Tỷ lệ nhập siêu hàng hoá/xuất khẩu là 3% - thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch đề ra cho cả năm (5%).
Đáng lưu ý, trong khi xuất siêu của khu vực FDI giảm xuống (từ 14,3 tỷ USD xuống còn 12,9 tỷ USD), thì nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước lại tăng lên (từ 11,5 tỷ USD lên 17 tỷ USD); tỷ lệ nhập siêu hàng hoá/GDP trong 9 tháng khoảng 3,3%.