Chứng khoán và bất động sản vẫn thu hút đầu tư trong năm 2022

Tho Diễm Ngọc/diendandoanhnghiep.vn

Năm 2022, chứng khoán và bất động sản được xem là hai kênh đầu tư không có dấu hiệu hạ nhiệt, dù gửi tiết kiệm, đầu tư ngoại tệ hay vàng vẫn là những kênh quen thuộc, nhưng không quá cuốn hút.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Từ biến động năm 2021

Khái quát về tác động của đại dịch COVID-19 lên các kênh đầu tư như vàng, chứng khoán, tiền gửi, bất động sản,... trong năm 2021, PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính đánh giá, Ngân hàng Nhà nước đã khuyến khích và yêu cầu các ngân hàng thương mại cố gắng tiết giảm chi phí, lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế. Nhưng muốn như vậy, thì lãi suất tiền gửi cũng phải thấp đi, vì thế kênh tiết kiệm không còn thu hút các nhà đầu tư.

Về thị trường vàng, do giá vàng thế giới tăng, nên giá vàng trong nước cũng tăng, còn khi giảm thì giá vàng trong nước lại giảm chậm hơn. Đặc biệt là khoảng cách của giá vàng Việt Nam với giá vàng thế giới rất lớn, có những thời điểm chênh lệch tới 12 triệu VND, nên đây đã trở thành kênh đầu tư tương đối rủi ro.

Riêng với kênh chứng khoán, đà tăng tiếp tục kéo dài từ mức tăng của năm 2020, do một phần vốn tiết kiệm được rút ra để đổ vào thị trường, với hàng triệu nhà đầu tư mới làm thị trường này nóng lên, đạt mức tăng trưởng 36%, trở thành một trong 10 nền kinh tế có tăng trưởng chứng khoán mạnh nhất thế giới. Đến cuối năm, có những xáo trộn nhất định, đặc biệt là việc mua bán chui, cũng như lái giá khiến thị trường chứng khoán có nhiều biến động rõ rệt.

Đối với kênh đầu tư bất động sản, đây cũng là kênh tương đối đặc biệt. Giá bất động sản trong năm 2021 ở Việt Nam tăng đâu đó khoảng từ 4-7%, ở tùy từng địa phương và tùy từng phân khúc. Đây cũng là nơi dòng tiền vào từ nguồn tiền tiết kiệm, hay nguồn tiền thu được lợi nhuận từ thị trường chứng khoán. Nhưng do các vấn đề liên quan đến việc đấu giá đất, làm cho giá cả thị trường bất động sản có xáo trộn thời điểm cuối năm, dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Vì thế, thị trường bất động sản của chúng ta trong những ngày cuối năm 2021, đầu 2022 có những biến động nhất định, do một số ngưng trệ trong hoạt động của thị trường, cũng như có sự đóng băng trong hoạt động thanh khoản.

Đến đà tăng năm 2022

“Trong năm 2022, một số nhà kinh tế cho rằng, lãi suất tiền gửi sẽ tăng lên, dù chúng ta mong muốn hệ thống ngân hàng vẫn cho vay lãi suất thấp bằng việc tiết kiệm chi phí, cũng như hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng chúng tôi cho rằng, chủ yếu đến từ hỗ trợ, còn nếu ngân hàng thương mại muốn huy động được vốn tiết kiệm, thì họ sẽ dần dần phải nâng lãi suất tiền gửi và đây sẽ là kênh quay trở lại thu hút tiền gửi của người dân cũng như của các nhà đầu tư”, PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định.

Cũng theo vị chuyên gia, giá vàng trong năm nay sẽ có những diễn biến tùy thuộc vào thị trường, nhưng do nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại, thêm nữa, lạm phát cũng đã có mức độ tăng cao trong năm 2021 và năm 2022, các nền kinh tế thế giới sẽ áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt; vì thế, đồng tiền của các quốc gia có nền kinh tế lớn có thể lại tăng giá, sẽ dẫn đến có những giai đoạn vàng giảm giá.

Nhiều chuyên gia dự báo, giá vàng có thể tiếp tục tăng cao lên đến 2.000 USD/ounce, nếu có biến động lớn hơn trong nền kinh tế, đặc biệt là có những khó khăn do giá dầu mỏ tăng cao, hay nền kinh tế chịu tác động lớn từ biến chủng Omicron. Như vậy, đối với việc gửi tiền tiết kiệm, đầu tư vào USD, hay vàng, thì vẫn là những kênh đầu tư quen thuộc, nhưng không quá cuốn hút đối với nhà đầu tư.

Câu chuyện sốt đất, sốt chung cư, đấu giá đất,... được xem là những dấu ấn của thị trường bất động sản năm 2021, cùng với lượng lớn các nhà đầu tư đổ tiền vào. Về vấn đề này, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh phân tích, trong thời gian trước mắt, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản nói riêng cũng như của các hoạt động liên quan đến thị trường bất động sản đang có rất nhiều biến động, thậm chí là đang đi xuống. Tuy nhiên với đà hồi phục của nền kinh tế Việt Nam, cũng như lượng vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đổ vào rất mạnh mẽ, kể cả trong thời gian chúng ta hứng chịu đại dịch lớn như năm 2021, thì vẫn thu được hơn 31,2 tỷ đô la Mỹ vốn FDI. Từ đó, thị trường bất động sản vẫn có nhiều cơ hội tăng trưởng và sẽ tiếp tục thu hút vốn đầu tư.

“Trong đó, bất động sản công nghiệp sẽ là phân khúc thu hút lượng vốn đầu tư lớn nhất ở trong năm 2022 này, sau đó là phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Do cả một thời gian dài, chúng ta không triển khai các hoạt động phát triển kinh tế du lịch, cho đến những tháng đầu năm 2022 này mới dần dần mở cửa trở lại việc phát triển dịch vụ du lịch cũng như vận tải. Như vậy, bất động sản du lịch sẽ trở thành một phân khúc nóng trong thị trường, còn phân khúc chung cư, nhà ở ở mức giá trung bình, cũng là một trong những phân khúc sẽ nóng lên, vì nhu cầu thực tế của xã hội đang có và chúng ta phải đáp ứng nhu cầu đó”, vị PGS nói.

Đến nay, có nhiều dự báo rằng, trên thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index sẽ vượt ngưỡng 1.500 điểm và tiến xa hơn nữa, mà các ngành kỳ vọng hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế sẽ bao gồm bất động, sản xây dựng...

Vị chuyên gia đưa ra quan điểm rằng, nếu nhìn vào tổng thể những chỉ số của nền kinh tế Việt Nam trong quý IV/2021, có rất nhiều chỉ tiêu đang làm chúng ta kỳ vọng năm 2022 sẽ là một năm hồi phục và phát triển mạnh mẽ và kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục tăng trưởng. Trong đó, những doanh nghiệp liên quan đến công nghiệp chế biến, chế tạo; xuất nhập khẩu sẽ có sức hút mạnh nhất trên thị trường chứng khoán. Sau đó là bất động sản với sự hồi phục trở lại của vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào mạnh mẽ, các nhà đầu tư Việt Nam tiếp tục thành lập doanh nghiệp mới nhiều hơn, đồng thời những doanh nghiệp cũ quay trở lại hoạt động tích cực, thì lĩnh vực bất động sản công nghiệp cũng sẽ tăng trưởng.

Cùng với đó, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và các hoạt động trong nền kinh tế dần dần hồi phục sẽ trở thành một nơi thu hút vốn để kích thích chỉ số VN-Index tăng cao. Tuy nhiên, trong năm 2022 này, thị trường chứng khoán sẽ xen kẽ giữa những đợt điều chỉnh giá của một số loại chứng khoán, để vừa có mức tăng theo xu hướng chung, nhưng cũng đồng thời có đợt điều chỉnh dừng lại; và đó là cơ hội tốt để thị trường chứng khoán có thể củng cố sự phát triển bền vững, phù hợp với sự tăng trưởng của nền kinh tế, cũng như phù hợp với các hoạt động khác trong xã hội.

“Ngoài ra, trong năm 2022, có những hoạt động đầu tư khác có thể đem lại hiệu quả, đặc biệt trong quá trình khởi nghiệp và phát triển kinh tế số, đây là những lĩnh vực sẽ được thực hiện mạnh mẽ. Hiện nay, chúng ta đang tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, từ đó sẽ cần thu hút rất nhiều vốn đầu tư. Tuy nhiên, để khởi nghiệp ở những lĩnh vực này cũng rất kén chọn nhà đầu tư, kén chọn dòng vốn. Vì thế, để nói về những kênh đầu tư chính thống và công khai, thì đây cũng là một kênh mà các nhà đầu tư có thể quan tâm”, chuyên gia tài chính khuyến nghị.