Đỏ da nhưng không thắm thịt

Theo laodong.com.vn

(Tài chính) Năm 2013 đi qua được nhiều người đánh giá là năm khá thành công của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, nhìn lại vào những kết quả cũng như diễn biến thị trường, có thể thấy khó khăn vẫn còn chồng chất đối với không chỉ các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành chứng khoán, mà cả các công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác như tài chính, xây dựng, bất động sản.

 Đỏ da nhưng không thắm thịt
Năm 2013 đi qua được nhiều người đánh giá là năm khá thành công của thị trường chứng khoán. Nguồn: internet
Lọt vào top 10 thị trường hồi phục mạnh nhất

Bắt đầu năm 2013, nhiều đánh giá cho rằng thị trường chứng khoán gặp rất nhiều khó khăn do tình hình kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định, tăng trưởng và lạm phát còn bấp bênh. Thậm chí, kết thúc quý I tăng trưởng GDP chỉ đạt 4,89% khiến không ít nhà đầu tư lo ngại. Tuy nhiên, sau một loạt các giải pháp chính sách được áp dụng kinh tế vĩ mô đã có dấu hiệu hồi phục. Tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước và cả năm đạt 5,42%, gần chỉ tiêu 5,5% do Quốc hội đề ra, lạm phát được kiềm chế ở mức thấp nhất 10 năm.

Với điều kiện kinh tế vĩ mô như vậy, thị trường chứng khoán cũng đạt được kết quả tốt hơn mong đợi của nhiều người. Tính đến tháng 12, chỉ số VN-Index đã tăng 22%, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành 1 trong 10 thị trường có mức hồi phục mạnh nhất. Giá trị giao dịch của thị trường cũng tăng mạnh, hơn 30% so với năm 2012. Giá trị vốn hóa thị trường đạt 31% GDP.

Thị trường trái phiếu thậm chí còn được các tổ chức nước ngoài như ADB, tạp chí Euromoney xếp vào hàng tăng trưởng cao nhất Châu Á. Riêng kênh huy động trái phiếu chính phủ đã huy động hơn 180.000 tỉ đồng với lãi suất, kỳ hạn linh hoạt.

Doanh nghiệp hủy niêm yết, công ty chứng khoán ngừng hoạt động

Trong khi thị trường được đánh giá tích cực, tăng trưởng tốt thì các công ty chứng khoán, doanh nghiệp niêm yết báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh rất khó khăn. Trước hết là những doanh nghiệp hoạt động trong ngành kinh doanh chứng khoán.

Tính đến hết năm 2013, dựa trên cơ sở báo cáo tỉ lệ vốn khả dụng của các công ty chứng khoán, Ủy ban chứng khoán đã phân thành 4 nhóm gồm nhóm I là các công ty hoạt động lành mạnh có 79 công ty chứng khoán; hoạt động bình thường có 8 công ty; bị kiểm soát gồm 5 công ty và nhóm IV là nhóm các công ty bị kiểm soát đặc biệt có 9 công ty. Hơn nữa, trong 94 công ty chứng khoán còn hoạt động thì có tới 59 công ty lỗ lũy kế trong năm 2013.

Hoạt động khó khăn buộc các công ty chứng khoán phải cắt giảm chi phí. Nếu như năm 2012 chi phí hoạt động của các công ty chứng khoán là 8.342 tỉ đồng, giảm 46% so với năm 2011, thì sau 9 tháng chi phí của các công ty chứng khoán còn 3.792 tỉ đồng, giảm 54,55% so với cùng kỳ năm 2012.

Ngoài ra, Ủy ban chứng khoán cũng  chấp thuận rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán của 6 công ty chứng khoán; nghiệp vụ tự doanh của 2 công ty chứng khoán; nghiệp vụ bảo lãnh phát hành của 4 công ty chứng khoán; rút nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán của 1 công ty chứng khoán; hợp nhất đối với 2 công ty chứng khoán, tiến hành thủ tục giải thể đối với 3 công ty chứng khoán; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán của 2 công ty chứng khoán. Như vậy trên thực tế đã có 15 công ty chứng khoán không còn hoạt động.  

Cùng với hoạt động tái cấu trúc nền kinh tế, thì thị trường chứng khoán cũng được cơ quan quản lý đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu, trong đó có hoạt động tạo hàng hóa chất lượng cho thị trường thông qua việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, niêm yết cổ phiếu doanh nghiệp tốt. Tuy được chú trọng đẩy mạnh ngay từ đầu năm nhưng đến hết năm 2013 chỉ có 32 doanh nghiệp nhà nước được đấu giá trên thị trường, với tổng giá trị đấu giá là 1.236 tỉ đồng, thấp hơn nhiều so với các năm trước.

Doanh nghiệp niêm yết mới trên sàn cũng rất thấp, chỉ có 15 doanh nghiệp niêm yết mới trên cả 2 sàn trong đó 4 doanh nghiệp trên HSX và 11 doanh nghiệp trên HNX, trong đó FLC là doanh nghiệp chuyển từ HNX sang HSX, nên thực tế chỉ có 14 doanh nghiệp mới đăng ký niêm yết cổ phiếu.

Trong khi doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa chậm lại, doanh nghiệp mới niêm yết ít đi thì số doanh nghiệp phải hủy niêm yết tăng lên. Năm 2013, có tới 37 doanh nghiệp phải hủy niêm yết với nhiều lý do, trong đó chủ yếu là do lỗ lũy kế lớn hơn vốn điều lệ, lỗ 3 năm liên tiếp, hay hủy niêm yết để tiến hành sáp nhập tái cơ cấu với nhiều tên tuổi của ngành tài chính ngân hàng, bất động sản, xây dựng như Tổng công ty cổ phần Tài chính dầu khí Việt Nam – PVF; Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn Thương tín – SBS; Công ty cổ phần Sông Đà-Thăng Long- STL; Công ty cổ phần  Bêtông và xây dựng Vinaconex Xuân Mai - XMC... So với năm 2012, số lượng doanh nghiệp hủy niêm yết tăng 68,2% (năm 2012 chỉ có 22 doanh nghiệp hủy niêm yết).

Có thể thấy, thị trường chứng khoán có nhiều khởi sắc trong năm 2013, nhưng thực tế nội tại của thị trường cũng như nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, rủi ro. Sự hồng hào lên của chỉ số mới chỉ phản ánh kỳ vọng thị trường vào những giải pháp và chính sách điều hành của Chính phủ. Còn liệu những giải pháp đó có đem lại kết quả như mong muốn hay không thì câu trả lời sẽ có trong năm 2014.

Nếu như các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ không giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp niêm yết nói riêng thì có lẽ cuối năm nay sẽ còn nhiều công ty chứng khoán, doanh nghiệp niêm yết xin ngừng hoạt động, hủy niêm yết hơn nữa.