Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh: Đổi mới sáng tạo, phát huy hiệu quả của mô hình mới

PV.

Khởi đầu với 02 doanh nghiệp niêm yết, 6 công ty chứng khoán thành viên, đến nay sau 22 năm xây dựng và phát triển, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một tổ chức hoạt động theo chuẩn mực quốc tế, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng tốt nhất nhu cầu thị trường và khẳng định vai trò đưa thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế.

HOSE tập trung nghiên cứu triển khai để phát huy hiệu quả của mô hình hoạt động mới.
HOSE tập trung nghiên cứu triển khai để phát huy hiệu quả của mô hình hoạt động mới.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) tiền thân là Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh được thành lập năm 1998 theo Quyết định số 127/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chính thức khai trương hoạt động vào ngày 20/7/2000, dù phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/7/2000 chỉ với 2 doanh nghiệp niêm yết và 6 công ty chứng khoán thành viên, nhưng ngay từ những ngày đầu, HOSE đã đặt ra tầm nhìn trở thành Sở Giao dịch Chứng khoán đẳng cấp quốc tế, là sự ưu tiên lựa chọn của các tổ chức và cá nhân trong việc huy động vốn và đầu tư chứng khoán.

Năm 2007, theo Quyết định số 599/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh chuyển đổi thành HOSE với vốn điều lệ ban đầu là 1.000 tỷ đồng và Bộ Tài chính là cơ quan đại diện chủ sở hữu. Đến năm 2015, HOSE tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng. Đây cũng là năm tình hình niêm yết của các doanh nghiệp bắt đầu sôi động và cải thiện hơn so với trước đó.

Cụ thể trong năm 2015, HOSE đã chấp thuận niêm yết mới cho 19 công ty và 01 trái phiếu doanh nghiệp, tăng gần gấp đôi so với năm 2014. Hoạt động thay đổi đăng ký niêm yết do công ty niêm yết phát hành thêm trong năm tăng trưởng mạnh, trong đó khối lượng thay đổi niêm yết đạt 7,78 tỷ cổ phiếu, tăng 148,5%; tiền huy động về cho doanh nghiệp tăng 61,02% so với năm trước, đạt 29.340 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2015, quỹ ETF tại HOSE đã thực hiện thành công 20 phiên giao dịch hoán đổi với tổng khối lượng chứng chỉ quỹ ETF đã thực hiện hoán đổi thành công là 22.500.000 chứng chỉ...

Ngày 23/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg về việc thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX). HOSE và HNX trở thành các công ty con do VNX nắm giữ 100% vốn điều lệ. Ngày 9/7/2021, VNX đã ban hành Quyết định số 07/QĐ-HĐTV về việc ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của HOSE. Năm 2021, mô hình quản trị của HOSE có sự điều chỉnh do việc tái cấu trúc TTCK Việt Nam theo Luật Chứng khoán 2019. Theo đó, các chủ thể quản trị của HOSE gồm: Chủ tịch Công ty, Ban Kiểm soát, Ban Điều hành. Trong năm đầu tiên đi vào hoạt động với mô hình mới, dù đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19, nhưng TTCK Việt Nam đã bứt phá, tăng trưởng mạnh mẽ và dẫn đầu ASEAN về tốc độ tăng trưởng giá trị giao dịch và vốn hóa trên thị trường. Chỉ số VN-Index cũng thiết lập đỉnh mới với 1.500,81 điểm, cao nhất trong 21 năm hoạt động của TTCK Việt Nam. Vốn hóa thị trường cổ phiếu trên HOSE vào cuối năm 2021 đạt hơn 5,8 triệu tỷ đồng với 46 doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa trên 1 tỷ USD, trong đó có 3 doanh nghiệp vốn hóa trên 10 tỷ USD. Hơn 49.000 tỷ đồng đã được huy động thông qua TTCK, tăng hơn 5 lần so với năm 2020...

Tính đến 30/6/2022, giá trị vốn hóa cổ phiếu đã đạt 4.578 nghìn tỷ đồng, tăng hàng nghìn lần so với con số khiêm tốn của năm 2000 (1 nghìn tỷ đồng).
Tính đến 30/6/2022, giá trị vốn hóa cổ phiếu đã đạt 4.578 nghìn tỷ đồng, tăng hàng nghìn lần so với con số khiêm tốn của năm 2000 (1 nghìn tỷ đồng).

Những tháng đầu năm, dù TTCK đối mặt với không ít khó khăn, biến động, song tính hết tháng 6/2022, có 403 mã cổ phiếu, 11 mã chứng chỉ quỹ, 04 mã trái phiếu và 128 mã chứng quyền có bảo đảm được chính thức niêm yết và giao dịch trên HOSE; tổng khối lượng chứng khoán niêm yết đạt 132,06 tỷ chứng khoán, tương ứng với giá trị chứng khoán niêm yết đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 23,97% về khối lượng và 21,26% về giá trị niêm yết so với cùng kỳ năm 2021. Tính đến 30/6/2022, giá trị vốn hóa cổ phiếu đã đạt 4.578 nghìn tỷ đồng, tăng hàng nghìn lần so với con số khiêm tốn của năm 2000 là 1 nghìn tỷ đồng.

Sau 22 năm đồng hành cùng với sự phát triển của TTCK Việt Nam, chất lượng hàng hóa trên HOSE ngày càng được nâng cao. Nhiều doanh nghiệp đã đưa vai trò của quản trị công ty và phát triển bền vững vào tầm nhìn và chiến lược phát triển dài hạn, qua đó nâng cao giá trị doanh nghiệp, gia tăng niềm tin của nhà đầu tư. Hiện nay, chất lượng công bố thông tin của doanh nghiệp niêm yết đã có sự cải thiện đáng kể, thể hiện ở tính chuyên nghiệp, minh bạch và kịp thời của thông tin.

Trong bối cảnh dự báo còn nhiều khó khăn thách thức phía trước, HOSE chuẩn bị tâm thế và nội lực, chủ động đổi mới sáng tạo, tập trung thực hiện các nhiệm vụ quan trọng trong năm 2022 và giai đoạn tiếp theo; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, VNX tăng cường công tác giám sát, tập trung giám sát giao dịch bất thường, giám sát công bố thông tin, giám sát công ty chứng khoán, siết chặt kỷ cương, kỷ luật thị trường; tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức nhân sự, đổi mới công tác quản trị điều hành phù hợp với mô hình tổ chức hoạt động mới của HOSE. Các công tác tái cơ cấu mô hình tổ chức hoạt động, chức năng nhiệm vụ được HOSE tập trung nghiên cứu triển khai để phát huy hiệu quả của mô hình hoạt động mới, tập trung vào việc quản lý vận hành thị trường cơ sở.

Có thể khẳng định, sau hơn 2 thập kỷ xây dựng và phát triển, HOSE đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một tổ chức hoạt động theo chuẩn mực quốc tế, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng tốt nhất nhu cầu thị trường và khẳng định vai trò đưa thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế.