Thị trường chứng khoán phục hồi ấn tượng sau nhiều phiên đỏ sàn

Tuấn Phùng

Sau những phiên rung lắc dữ dội, VN-Index phiên cuối tuần ngày 29/1 đã phục hồi khá ấn tượng khi lực mua mạnh xuất hiện ở các cổ phiếu nhóm Large Cap.

Trong phiên ngày 29/1, VN-Index kết phiên tăng 3.19%, đạt 1,056.61 điểm; chỉ số HNX-Index tăng 5.5%, đạt mức 214.21 điểm.
Trong phiên ngày 29/1, VN-Index kết phiên tăng 3.19%, đạt 1,056.61 điểm; chỉ số HNX-Index tăng 5.5%, đạt mức 214.21 điểm.

Sau những phiên rung lắc dữ dội, VN-Index đã phục hồi khá ấn tượng khi lực mua mạnh xuất hiện ở các cổ phiếu nhóm Large Cap giúp chỉ số có phiên biến động gần 80 điểm. 

Thống kê của Vietstock cho thấy, VN-Index kết phiên tăng 3.19%, đạt 1,056.61 điểm; chỉ số HNX-Index tăng 5.5%, đạt mức 214.21 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng hoàn toàn về bên mua với 638 mã tăng và 237 mã giảm...

Khối ngoại mua ròng hơn 1,100 tỷ đồng trên sàn HOSE và mua ròng hơn 6 tỷ đồng trên sàn HNX. Lực mua ròng tập trung ở các cổ phiếu MWG, VHM và CTG trên sàn HOSE. VCS và PVS là những mã được mua ròng nhiều nhất tại sàn HNX.

Theo thống kê của Vietstock, đối với rổ VN30, sắc xanh chiếm được ưu thế lớn trong phiên cuối tuần với 23 mã tăng, 5 mã giảm và 2 mã đứng giá. FPT, VHM, VNM và PNJ là bốn mã xuất hiện sắc tím kịch trần khi kết phiên. VIC cùng MWG xuất hiện sắc xanh cận trần. NVL, REE và STB duy trì đà tăng hơn 5%...

Đáng chú ý, sắc xanh tích cực bao phủ nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, tạo sự hứng khởi rất lớn cho các nhà đầu tư. Thống kê cho thấy, TPB và OCB tạo điểm nhấm với sắc tím, BVB và STB cùng tiến hơn 5%, MBB, ACB và MSB xanh hơn 4%, BID cùng SHB leo dốc trên 3%, HDB, TCB và VCB nhẹ nhàng hơn với sắc xanh trên 2%.

PVS là mã tăng mạnh nhất nhóm cổ phiếu ngành dầu khí, OIL đứng ở vị trí thứ 2 khi xanh vượt 6%, BSR và PVB là hai mã tiến hơn 5%, PVD tăng trên 4%, GAS và PLX tăng hơn 3%. POW là mã giảm duy nhất của nhóm này...

Dù phiên cuối tuần 29/1 tăng trưởng trở lại ấn tượng, song các chuyên gia và nhà đầu tư có cái nhìn khá cẩn trọng về triển vọng ngắn hạn. Theo đó, về ngắn hạn, TTCK có thể vẫn còn chịu áp lực giảm điểm, bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới hoạt động giao thương, sản xuất kinh doanh và tâm lý thận trọng vì thế vẫn còn.

Tuy nhiên, về dài hạn, TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực. Kinh tế vĩ mô tăng trưởng dương là một điểm sáng của Việt Nam. Các yếu tố vĩ mô khác như lạm phát được kiểm soát, lãi suất giảm mạnh, dự trữ ngoại hối cao, tỷ giá ổn định, giá trị xuất nhập khẩu tăng ấn tượng… đều đang tạo ra nền tảng hỗ trợ TTCK trong thời gian tới.

Đặc biệt, một thông tin đáng chú ý, theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 20 ngày đầu của năm, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã đạt khoảng 2,02 tỷ USD, bằng 37,8% so với cùng kỳ năm 2020. Cũng trong tháng 01/2021, đối với góp vốn, mua cổ phần, có 194 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư FDI, giảm 78,1% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp 220,8 triệu USD, giảm 58,7% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù nhiều nhóm ngành chịu tác động lớn vì dịch Covid-19, nhưng nhìn chung sự phục hồi của các doanh nghiệp niêm yết vẫn cho thấy sự khả quan.

Theo nhận định của Vietstock, vùng 990-1,030 điểm vẫn sẽ là hỗ trợ khá đáng tin cậy của chỉ số trong thời gian tới.