07 điều công ty chứng khoán thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán không được làm


Từ ngày 15/02/2021, công ty chứng khoán thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán không được nhận lệnh, thanh toán giao dịch với người không phải là người đứng tên tài khoản giao dịch mà không có ủy quyền của người đứng tên tài khoản bằng văn bản; không được sử dụng tên hoặc tài khoản của khách hàng để đăng ký, giao dịch chứng khoán...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Điều 13, Thông tư số 121/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định rõ về trách nhiệm của công ty chứng khoán khi thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán.

Cụ thể, Công ty chứng khoán phải bố trí người hành nghề chứng khoán làm việc tại các vị trí tư vấn, giải thích hợp đồng và thực hiện các thủ tục mở tài khoản giao dịch chứng khoán cho khách hàng; tư vấn giao dịch chứng khoán cho khách hàng; Nhận lệnh, kiểm soát lệnh giao dịch chứng khoán của khách hàng; Trưởng các bộ phận liên quan đến nghiệp vụ môi giới chứng khoán.

Đồng thời, công ty chứng khoán phải tuân thủ các quy định về phòng, chống rửa tiền theo các quy định pháp luật hiện hành. Đối với dữ liệu về tài khoản môi giới của khách hàng mở tài khoản tại công ty chứng khoán phải được quản lý tập trung và phải lưu giữ dự phòng tại địa điểm khác.

Đặc biệt, Thông tư số 121/2020/TT-BTC quy định rõ 07 điều Công ty chứng khoán thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán không được thực hiện, đó là:

Thứ nhất, đưa ra ý kiến về việc tăng hay giảm giá chứng khoán mà không có căn cứ để lôi kéo khách hàng tham gia giao dịch.

Thứ hai, thỏa thuận hoặc đưa ra lãi suất cụ thể hoặc chia sẻ lợi nhuận hoặc thua lỗ với khách hàng để lôi kéo khách hàng tham gia giao dịch.

Thứ ba, trực tiếp hoặc gián tiếp thiết lập các địa điểm cố định bên ngoài các địa điểm giao dịch đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận để ký hợp đồng mở tài khoản giao dịch với khách hàng, nhận lệnh, thực hiện lệnh giao dịch chứng khoán hoặc thanh toán giao dịch chứng khoán với khách hàng, trừ trường hợp thực hiện giao dịch chứng khoán trực tuyến.

Thứ tư, nhận lệnh, thanh toán giao dịch với người không phải là người đứng tên tài khoản giao dịch mà không có ủy quyền của người đứng tên tài khoản bằng văn bản.

Thứ năm, tiết lộ các nội dung đặt lệnh giao dịch của khách hàng hoặc thông tin bí mật khác có được khi thực hiện giao dịch cho khách hàng mà không phải để công bố thông tin hoặc theo yêu cầu thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật.

Thứ sáu, sử dụng tên hoặc tài khoản của khách hàng để đăng ký, giao dịch chứng khoán.

Thứ bảy, công ty chứng khoán thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán không được xâm phạm tài sản, quyền và lợi ích khác của khách hàng.

Thông tư số 121/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính cũng quy định rõ trách nhiệm của công ty chứng khoán đối với khách hàng khi thực hiện nghiệp vụ môi giới.

Theo đó, công ty chứng khoán khi thực hiện nghiệp vụ môi giới phải tuân thủ quy định pháp luật tại Khoản 1, 2, 3 Điều 91 Luật Chứng khoán; phải ký hợp đồng mở tài khoản giao dịch với khách hàng, trực tiếp thực hiện giao dịch chứng khoán cho khách hàng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động này.

Đồng thời, công ty chứng khoán phải theo dõi chi tiết tiền và chứng khoán của từng khách hàng, cung cấp thông tin về số dư, số phát sinh tiền và chứng khoán cho khách hàng khi khách hàng yêu cầu; phải công bố về mức phí giao dịch chứng khoán trước khi khách hàng thực hiện giao dịch, phải công bố về mức phí giao dịch chứng khoán trên trang thông tin điện tử của công ty.

Bên cạnh đó, công ty chứng khoán có nghĩa vụ cập nhật các thông tin thay đổi của khách hàng khi khách hàng có yêu cầu; phải thiết lập một bộ phận chuyên trách chịu trách nhiệm thông tin liên lạc với khách hàng và giải quyết các thắc mắc, khiếu nại của khách hàng.