Thị trường chứng khoán sẽ sớm ổn định, phục hồi và phát triển bền vững

PV.

Bất chấp nền kinh tế đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chưa kết thúc, tình hình kinh tế - chính trị quốc tế đang có những biến động lớn, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn diễn biến tích cực trên nhiều khía cạnh và được đánh giá là sẽ sớm bước qua giai đoạn biến động để ổn định, phục hồi và phát triển bền vững hơn trong trung và dài hạn nhờ sự hỗ trợ từ nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước phục hồi khả quan sau đại dịch.

Từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 3.397 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu.
Từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 3.397 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu.

Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu giảm nhưng quy mô niêm yết vẫn tiếp tục tăng trưởng

Trong 6 tháng đầu năm 2022, TTCK Việt Nam chịu tác động không nhỏ trước bối cảnh các TTCK trên thế giới biến động với xu hướng giảm mạnh do tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu, áp lực lạm phát gia tăng, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của nhiều ngân hàng trung ướng lớn và căng thẳng địa chính trị Nga-Ukraine chưa có hồi kết.

Mặc dù vậy, TTCK Việt Nam vẫn diễn biến tích cực trên nhiều khía cạnh và được đánh giá là sẽ sớm bước qua giai đoạn biến động để ổn định, phục hồi và phát triển bền vững hơn trong trung và dài hạn nhờ sự hỗ trợ từ nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước phục hồi khả quan sau đại dịch, lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết được cải thiện, cùng những động thái mạnh mẽ của Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước nhằm tăng cường tính minh bạch cho TTCK Việt Nam.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCNKN), tiếp nối đà tăng của năm 2021, chỉ số thị trường diễn biến tích cực trong những ngày đầu năm 2022, đạt mức đỉnh lịch sử mới 1.528,57 điểm vào ngày 6/1/2022. Sau khi đạt mức đỉnh lịch sử, thị trường bước vào giai đoạn diễn biến giằng co và có sự bứt phá mạnh trở lại vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4. Thanh khoản thị trường cổ phiếu trong giai đoạn này tiếp tục tăng trưởng khá với giá trị giao dịch bình quân quý I/2022 đạt 31.174 tỷ đồng, tăng 17,2% so với bình quân năm 2021.

Tuy nhiên, trong quý II/2022, thị trường đã trải qua những nhịp điều chỉnh giảm mạnh. Đóng cửa thị trường ngày 30/6/2022, chỉ số VN-Index đạt mức 1.197,6 điểm, giảm 20,1% và chỉ số HNX-Index đạt mức 277,68 điểm, giảm 41,4% so với cuối năm 2021. Thanh khoản thị trường có xu hướng giảm khiến giá trị giao dịch bình quân quý II/2022 đạt 20.491 tỷ đồng/phiên, giảm 34,27% so với bình quân Quý I/2022.

Tuy nhiên, tính chung từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân của thị trường cổ phiếu đạt 25.440 tỷ đồng, chỉ giảm 4,4% so với bình quân năm trước. Bên cạnh đó, giá cổ phiếu giảm sâu kết hợp với tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp đã đưa định giá cổ phiếu trên TTCK Việt Nam trở nên hấp dẫn so với các thị trường trong khu vực với mức P/E VN-Index dự phóng 11,5 lần trong khi tỷ lệ P/E dự phóng trung bình của các quốc gia ASEAN đang phát triển trong khu vực khoảng 16,2 lần.

Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu giảm do chỉ số giảm mạnh nhưng quy mô niêm yết vẫn tiếp tục tăng trưởng. Tính đến ngày 30/6, mức vốn hóa thị trường đạt 6.250 nghìn tỷ đồng, giảm 19,5% so với cuối năm 2021, tương đương 74,4% GDP. Quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch của thị trường tính đến cuối tháng 5/2022 đạt 1.830 nghìn tỷ đồng, tăng 5,22% với cuối năm 2021 với 767 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở Giao dịch chứng khoán và 863 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Trong nửa đầu năm, thị trường trái phiếu duy trì ổn định. Tính đến cuối tháng 05/2022, thị trường có 427 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 1.629 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so với năm 2021 (tương đương 19,4% GDP). Thanh khoản thị trường trái phiếu giảm nhẹ, giá trị giao dịch bình quân từ đầu năm đến nay đạt 10.649 tỷ đồng/phiên, giảm 6,6% so với bình quân năm trước.

Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 3.397 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu, đặc biệt trong quý II là giai đoạn TTCK Việt Nam điều chỉnh giảm sâu, nhưng nhà đầu tư nước ngoại lại đẩy mạnh mua ròng với giá trị 10.417 tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ.

Tính chung cả 5 tháng đầu năm 2022, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới gần 1,4 triệu tài khoản chứng khoán, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước. Tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đã đạt 5,695 triệu tài khoản, tăng 32% so với cuối năm 2021 (trong đó, số lượng tài khoản NĐT trong nước đạt 5,64 triệu tài khoản, tăng 32,4% so với cuối năm 2021 và số lượng tài khoản NĐT nước ngoài đạt 41.118 tài khoản, tăng 4% so với cuối năm 2021). Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, tổng số tài khoản chứng khoán NĐT trong nước tương đương hơn 5,7% dân số, vượt trước 3 năm so với mục tiêu của Chính phủ đặt ra. Xu hướng này phản ánh mức độ quan tâm của người dân đến kênh đầu tư chứng khoán ngày càng tăng và đầu tư chứng khoán đang trở thành một kênh đầu tư quan trọng bên cạnh các kênh đầu tư truyền thống.

Tăng cường giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm 

Từ đầu năm 2022 đến nay, UBCKNN đã tiếp tục rà soát để xử lý, tiến hành tái cấu trúc các công ty chứng khoán (CTCK). Đến nay, có 01 CTCK đang trong tình trạng cảnh báo, 01 CTCK đang trong tình trạng kiểm soát, 02 CTCK đang trong tình trạng kiểm soát đặc biệt, 02 CTCK đang trong tình trạng giải thể; bên cạnh đó, đình chỉ hoạt động đối với 01 CTCK, chấm dứt hoạt động đối với 01 CTCK, thu hồi giấy phép của 13 CTCK và mở thủ tục thu hồi Giấy phép 06 CTCK.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, UBCKNN cũng đã cấp phép thành lập cho 04 quỹ đầu tư mới và cấp phép chào bán ra công chúng cho 5 quỹ đầu tư. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 73 quỹ đầu tư đã được cấp phép tại Việt Nam, bao gồm: 9 quỹ ETF, 42 quỹ mở, 1 quỹ đóng, 1 quỹ bất động sản và 20 quỹ thành viên. Tổng Giá trị tài sản ròng của các quỹ ĐTCK là hơn 85 nghìn tỷ đồng tăng 2,2% so với thời điểm cuối năm 2021 (tính đến hết tháng 5/2022).

Trong 6 tháng đầu năm, UBCKNN đã chấp thuận đăng ký công ty đại chúng đối với 09 công ty và hủy đăng ký công ty đại chúng của 21 công ty, tổng số công ty đại chúng đến nay là 1.808 công ty. UBCKNN đã thường xuyên rà soát tình hình tuân thủ nghĩa vụ về báo cáo công bố thông tin, tình hình sử dụng vốn, quản trị công ty và các nghĩa vụ liên quan đối với các công ty đại chúng và kịp thời xem xét, xử lý các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, UBCKN cũng đã hướng dẫn và giám sát các công ty đại chúng thực hiện các quy định về Quản trị công ty theo quy định mới ban hành; đôn đốc các DNNN cổ phần hóa thực hiện niêm yết/đăng ký giao dịch. Về giám sát kiểm soát chất lượng kiểm toán: UBCKNN đã đình chỉ tư cách 02 công ty kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán cho các đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán và các kiểm toán viên có vi phạm.

Từ đầu năm 2022 đến nay, trước những biến động bất thường của TTCK, UBCKNN đã tăng cường công tác giám sát và xử lý vi phạm về giao dịch chứng khoán. Theo đó, có văn bản đề nghị các Sở Giao dịch chứng khoán có báo cáo phân tích các cổ phiếu liên quan; báo cáo về tình hình TTCK cơ sở và phái sinh tại các phiên biến động mạnh, kiến nghị một số giải pháp liên quan đến TTCK phái sinh; tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về giám sát giao dịch, chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan chức năng để xử lý theo đúng thẩm quyền khi có dấu hiệu vi phạm về hình sự; Phối hợp với VNX đánh giá hoạt động của thị trường thời gian qua, kiến nghị giải pháp nhằm đảm bảo thị trường hoạt động ổn định.

Trong 06 tháng đầu năm 2022, UBCKNN đã triển khai 10 đoàn thanh kiểm tra, bao gồm 02 đoàn thanh kiểm tra định kỳ và 08 đoàn kiểm tra đột xuất. UBCKNN tiếp tục phối hợp cơ quan chức năng trong việc xử lý hình sự những vụ việc liên quan đến thao túng giá cổ phiếu; ban hành 182 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt 15,84 tỷ đồng, trong đó một số vụ việc xử phạt áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả...

Đảm bảo thị trường phát triển công khai, minh bạch, an toàn, bền vững

Để bảo đảm cho TTCK phát triển bền vững, công khai, minh bạch, UBCKNN sẽ tập trung một số nhiệm vụ sau:

Một là, hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển thị trường. Theo đó, khẩn trương rà soát, nghiên cứu các quy định pháp lý và các cơ chế, chính sách để kịp thời đề xuất Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung hoặc trình các cấp sửa đổi, bổ sung kịp thời, đảm bảo phù hợp với thực tế phát triển của TTCK, nhất là qua 2 năm dịch bệnh vừa qua. Hoàn thiện công tác soạn thảo, xây dựng các Nghị định và Thông tư hướng dẫn văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch đã đăng ký. Hoàn thành xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ký ban hành Đề án Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2021-2030.

Hai là, tăng cường công tác quản lý tổ chức kinh doanh chứng khoán. Theo đó, tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán, đảm bảo các tổ chức này hoạt động lành mạnh, đúng quy định pháp luật, từ đó phát huy tích cực vai trò là đơn vị trung gian cung cấp dịch vụ, sản phẩm trên TTCK. Tiếp tục thực hiện tái cấu trúc CTCK, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, rà soát, phân loại, kiểm tra tại chỗ, xây dựng phương án đối với từng công ty để có biện pháp xử lý. Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển và đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư nhằm cải thiện chất lượng cầu đầu tư, hướng tới cầu đầu tư bền vững; Nghiên cứu triển khai số hóa các tài sản tài chính trên TTCK, áp dụng các công nghệ tài chính mới (Fintech); chuẩn hóa hoạt động mở tài khoản trực tuyến (e-contract); xác thực khách hàng trực tuyến (EKYC)...

Ba là, tăng cường quản lý hoạt động phát hành chứng khoán và công ty đại chúng. Theo đó, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động huy động vốn trên TTCK của các tổ chức phát hành. Thực hiện kiểm tra, xử lý kịp thời các doanh nghiệp không tuân thủ quy định về niêm yết/đăng ký giao dịch sau khi cổ phần hóa. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra chất lượng báo cáo tài chính và hoạt động kiểm toán của các đơn vị kiểm toán, kiểm toán viên; phối hợp chặt chẽ với Hội kiểm toán viên hành nghề trong đào tạo, đánh giá chất lượng báo cáo tài chính, việc giám sát và xử lý vi phạm đối với công ty kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề.

Bốn là, đẩy mạnh giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm  trên thị trường. Theo đó, đẩy mạnh công tác giám sát TTCK, nâng cao vai trò giám sát các tuyến, nhất là các đơn vị giám sát tuyến đầu để kịp thời phát hiện các giao dịch có dấu hiệu bất thường. Đối với giám sát công ty đại chúng, tiếp tục tăng cường giám sát chặt chẽ về công bố thông tin, đặc biệt là thông tin tài chính, báo cáo tài chính kiểm toán, cũng như chấn chỉnh, tăng cường chất lượng công tác kiểm toán của các tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm toán. Rà soát, giám sát, kiểm tra và có biện pháp thúc đẩy, xử lý sai phạm đối với các doanh nghiệp không tuân thủ quy định về cổ phần hóa gắn với niêm yết/đăng ký giao dịch trên TTCK. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm, phối hợp xác minh làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK; phối hợp với cơ quan quản lý trong giám sát việc tuân thủ pháp luật của các thành viên thị trường.

Về công tác hoàn thiện khung pháp lý và chính sách điều hành, phát triển thị trường, UBCKNN đang tổ chức đánh giá lại thực thi Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán để nghiên cứu, xem xét, bổ sung, sửa đổi phù hợp với sự phát triển mới của thị trường. Đề án Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam đến 2030 đang hoàn thiện để trình Chính phủ phê duyệt.