Kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm: Những chỉ báo quan trọng

Theo Thy Hằng/enternews.vn

Mặc dù tín hiệu lạc quan cho tăng trưởng cuối năm đã có, đó là sự hồi phục của ngành công nghiệp, tuy nhiên các yếu tố quyết định đến tăng trưởng còn là tình hình dịch bệnh trên thế giới, đầu tư công…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo PGS., TS. Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường đại học Kinh tế Quốc dân, trong bối cảnh khủng hoảng Covid-19, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong 6 tháng đầu năm khi nhiều cường quốc tăng trưởng âm.

Kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm: Những chỉ báo quan trọng - Ảnh 1

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của Việt Nam là 1,81%, tuy là con số thấp kỉ lục nhiều năm nhưng vẫn thuộc kịch bản lạc quan so với dự báo.

“Một mức tăng trưởng có phần ấn tượng, bởi trong các kịch bản vĩ mô năm 2020 mà chúng tôi xây dựng, mức tăng trưởng đó nằm ở kịch bản trung tính, thậm chí là kịch bản lạc quan”, PGS.,TS. Phạm Thế Anh nhận định.

Nguyên do của việc Việt Nam vẫn giữ được tăng trưởng GDP thực dương là do nước ta đã khởi động lại nền kinh tế sớm hơn dự kiến (từ đầu tháng 5, thay vì đầu tháng 6), dù cho các lĩnh vực gắn với xuất nhập khẩu vẫn đang chịu tác động hết sức nặng nề của đại dịch.

Đặc biệt, đánh giá về tín hiệu hồi phục kinh tế năm 2020, chuyên gia cho rằng, việc giữ được tăng trưởng GDP thực dương trong 6 tháng đầu năm, nhất là trong quý II – giai đoạn được cho là nền kinh tế “ngấm đòn” đại dịch – đã tạo ra một nền tảng cơ bản để nền kinh tế Việt Nam có thể hồi phục lại ở một mức độ nhất định trong 6 tháng tới.

Theo đó, tín hiệu lạc quan đã có, đó là sự hồi phục sản xuất của ngành công nghiệp. Đơn cử là chỉ số PMI (chỉ số quản lý thu mua), nếu như trước đó chỉ số này rất thấp (tụt xuống dưới 40) thì đến tháng 6 đã vươn lên trên 50 rồi. Tất nhiên, việc chỉ số này tăng có bền vững hay không còn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh trên thế giới.

Cụ thể, các yếu tố quyết định đến tăng trưởng sẽ bao gồm: tình hình dịch bệnh trên thế giới, đầu tư công…

Về dịch bệnh, đây là yếu tố khó đoán định nhất. Chúng ta hoàn toàn chưa thể nói trước được điều gì, bởi cho đến nay vắc-xin hay thuốc đặc trị vẫn còn là dấu hỏi.

Về đầu tư thì 6 tháng qua có thể xem là có dấu hiệu tích cực khi chính phủ thúc ép rất mạnh mẽ việc giải ngân đầu tư công.

“Tất nhiên đầu tư công không thể thay thế hoàn toàn được đầu tư tư nhân, nhưng trong ngắn hạn (6 tháng) tác động của nó vẫn là rất đáng kể”, chuyên gia đánh giá.

Ngoài ra, ông Phạm Thế Anh cũng cho rằng những yếu tố như EVFTA cũng được kì vọng sẽ mang lại một hơi thở cho nền kinh tế khi một số ngành của Việt Nam được hưởng lợi từ hiệp định và dòng vốn FDI được cho là sẽ chảy vào nước ta mạnh mẽ hơn.

“Trong kịch bản lạc quan nhất mà chúng tôi xây dựng, khi mà giải ngân đầu tư công tốt, dịch bệnh được khống chế, các nước nới lỏng lệnh phong tỏa thì GDP có thể tăng khoảng 5%. Ở kịch bản trung tính, GDP có thể tăng khoảng 3% – 4% còn kịch bản bi quan thì chỉ tăng được khoảng 1% - 2%”, PGS., TS. Phạm Thế Anh cho biết.

Mới đây, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng chia sẻ rằng, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã thống nhất kịch bản tăng trưởng 3 - 4% trong năm nay, tùy thuộc vào tình hình tháo gỡ khó khăn, chi tiêu nội địa, nhưng ưu tiên vẫn là kiểm soát dịch bệnh. Kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Năm 2020 và đầu 2021, tăng trưởng tín dụng trên 10%, chủ trương tăng thêm bội chi ngân sách, nợ công khoảng 3 - 4 % GDP để có thêm nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, kịch bản mà các chuyên gia nói trên đưa ra là khá lạc quan so với hai kịch bản mà Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố cuối tuần qua.

Theo đó, CIEM đã đưa ra 2 kịch bản dự báo cho kinh tế Việt Nam năm 2020 với mức tăng trưởng có thể đạt mức 2,1% theo Kịch bản 1 và 2,6% trong Kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo giảm 3,1% trong Kịch bản 1 và giảm 1,9% trong Kịch bản 2 (so với năm 2019). Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 1,7 tỷ USD và 2,1 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2020 lần lượt là 4,3% và 4,5%.

Các kịch bản trên của CIEM thậm chí còn thận trọng hơn mức dự báo GDP Việt Nam tăng 2,8% năm 2020 của các chuyên gia quốc tế đến từ Bloomberg.

Trong bối cảnh bất định của khủng hoảng Covid-19 thì những dự báo, nhận định nhiều chiều cùng nhiều kịch bản tăng trưởng khác nhau là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên các chuyên gia đều đồng loạt cho rằng, mức tăng trưởng 6 tháng cuối năm có thể đạt được ở mức kịch bản lạc quan hay không phụ thuộc lớn vào điều hành chính sách tài khoá, tiền tệ, nói cách khác là tăng trưởng tín dụng và đầu tư công.