Kinh tế Việt Nam 9 tháng cuối năm: Đối mặt không ít thách thức và sẽ bị tác động bởi những yếu tố này
Báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố sáng 19/4 dự báo GDP Việt Nam năm 2019 đạt 6,88%, lạm phát bình quân khoảng 3,71%, tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,02%, thặng dư thương mại ở mức 3,1 tỷ USD.
GDP quý I lần thứ 7 liên tiếp vượt mức tiềm năng
Quý I kết thúc với kết quả tăng trưởng đạt 6,79%, thấp hơn cùng kỳ năm trước (7,45%) và kịch bản ban đầu của Chính phủ (6,93%). Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn cùng kỳ các năm 2009 – 2017.
"Nhìn từ bất định đối với tăng trưởng trong quý I và dự báo triển vọng kinh tế thế giới, Việt Nam sẽ gặp không ít thách thức trong các quý II-IV để đạt mục tiêu cả năm 2019 là 6,8-7,0%", theo Viện CIEM.
Nhìn chung, CIEM cho rằng kinh tế Việt Nam tiếp tục đà mở rộng tăng trưởng. Quý I là quý thứ 7 liên tiếp GDP vượt mức tiềm năng, và là quý thứ 8 liên tiếp tăng trưởng GDP vượt mức tiềm năng.
Tốc độ tăng GDP (nguồn GSO)
Nhưng CIEM cũng lưu ý tốc độ tăng trưởng tiềm năng, thể hiện ở xu thế tăng trưởng GDP, vẫn tiếp tục suy giảm. Điều này có thể gây quan ngại về củng cố nền tảng kinh tế vi mô cho tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.
Theo tổ chức này, đà phục hồi tăng trưởng trong những năm qua có một phần quan trọng từ những cải cách thể chế kinh tế nói chung và môi trường kinh doanh nói riêng.
Cơ cấu GDP theo sử dụng cuối cùng trong quý I/2019 có sự thay đổi nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng đều tăng chậm hơn so với cùng kỳ 2018, tương ứng ở mức 7,1% và 6,2%.
Điều này có thể phản ánh việc cộng đồng doanh nghiệp và hộ gia đình ít nhiều lo ngại về những rủi ro kinh tế vĩ mô, đặc biệt là về lãi suất và khả năng tiếp cận tín dụng chính thức
Khu vực doanh nghiệp tiếp tục có sự điều chỉnh mạnh về cơ cấu. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới có xu hướng chậm lại trong quý I, đạt 28.451 doanh nghiệp, tăng 6,2%. Quý I cũng chứng kiến sự quay trở lại hoạt động của 15.050 doanh nghiệp, tăng tới 78,1%.
Số doanh nghiệp tạm ngừng và giải thể gia tăng, tương ứng 120% số doanh nghiệp đăng ký mới. Nguyên nhân một phần là do một số lượng lớn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động do bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo chương trình chuẩn hóa dữ liệu năm 2018.
Trong quý I, CPI chịu tác động khác nhau từ thị trường thế giới. Chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa giảm 0,27% so với quý IV/2018 và tăng 1,06% so với cùng kỳ 2018. Trong khi đó, chỉ số giá xuất khẩu tăng tới 3,63% so với quý IV/2018 và 2,88% so với cùng kỳ 2018. Dù vậy, áp lực từ giá xuất khẩu lên CPI dường như còn chưa lớn, chủ yếu do hàng hóa xuất khẩu và hàng tiêu dùng trong nước có sự khác biệt về phân khúc.
Lạm phát cơ bản bình quân 3 tháng đầu năm tăng 1,83% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. CIEM cho rằng việc điều hành chính sách tiền tệ vẫn ổn định và không gây áp lực lên mặt bằng giá.
Tuy nhiên, lạm phát cơ bản quý I đã vượt mục tiêu cả năm 2019 (1,6-1,8%). Điều này đòi hỏi phải tiếp tục theo dõi để có các biện pháp phù hợp hơn nhằm ổn định lãi suất và tỷ giá trong các tháng cuối năm.
Trong thời gian tới, phía CIEM nhận định CPI có thể chịu áp lực tăng từ các yếu tố như điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá (điện, dịch vụ y tế), tăng lương tối thiểu vùng, bất định về giá xăng dầu thế giới, và một số diễn biến bất lợi trong nước (dịch tả lợn châu Phi). Giá điện sẽ được điều chỉnh tăng thêm 8,36% từ cuối tháng 3/2019, có thể tác động lên mặt bằng giá chung.
Mặc dù tính toán của các cơ quan liên quan cho thấy tác động của tăng giá điện lên mặt bằng giá không quá lớn. Các giải pháp kích thích tăng trưởng – trong khung chính sách vĩ mô hiện hành – khó gây áp lực đáng kể đối với lạm phát. Trong chừng mực ấy, thực hiện mục tiêu lạm phát CPI năm 2019 vẫn được bảo đảm.
Tăng trưởng năm 2019 dự kiến đạt 6,88%
Kết quả dự báo của CIEM cho thấy tăng trưởng kinh tế năm 2019 ước đạt 6,88%. Tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,02%. Thặng dư thương mại ở mức 3,1 tỷ USD. Mức tăng giá tiêu dùng trong năm là khoảng 3,71%.
Thứ nhất là rủi ro suy thoái của kinh tế Mỹ đã gia tăng. Khảo sát của Wall Street Journal trong tháng 2 cho thấy xác suất suy thoái trong năm 2019, 2020 và 2021 ở Mỹ lần lượt là 24,53%%, 45,7% và 39,1%. Theo đó, lộ trình điều chỉnh lãi suất của Mỹ cũng có thể sẽ được cân nhắc thận trọng hơn.Diễn biến kinh tế vĩ mô trong quý II-IV/2019, theo CIEM, có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố bên ngoài.
Khảo sát của Reuters trong giai đoạn 11-14/3 cho thấy 55% ý kiến dự báo FED tăng lãi suất ít nhất một lần trước quý IV (trong khi lần khảo sát trước cho đồng thuận là tăng lãi suất trong quý II).
Thứ hai là căng thẳng thương mại ở khu vực khó hạ nhiệt. Căng thẳng và đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc còn diễn biến khó lường. Trung Quốc có thể nhượng bộ một số nội dung trong đàm phán, song kết quả đạt được khó có thể giúp đẩy lùi bất đồng giữa hai bên về chính sách thương mại. Mỹ cũng có thể gia tăng căng thẳng thương mại với các nền kinh tế khác (chẳng hạn, Nhật Bản).
Thứ ba, dù kỳ vọng nhiều vào việc phê chuẩn EVFTA, Việt Nam cũng cần lưu ý rằng EU đang rất bận với chương trình nghị sự về thương mại (liên quan đến Brexit, đàm phán thương mại với Mỹ). Bản thân EU cũng đã phê chuẩn hiệp định FTA với Nhật Bản trong quý I, nên nhu cầu phê chuẩn sớm một FTA khác có thể giảm bớt.
Thứ tư là hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều hàng rào kỹ thuật hơn ở các thị trường nước ngoài, kể cả thị trường CPTPP.
Thứ năm là thị trường tài chính quốc tế có thể còn phản ứng nhanh và quá mức trước những diễn biến bất lợi, đặc biệt liên quan đến các vấn đề địa chính trị, v.v., qua đó ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và dòng vốn vào/ra Việt Nam.