Kinh tế Việt Nam: Bắt đầu chu kỳ phục hồi mới
Triển vọng kinh tế Việt Nam 2016 - 2020 sẽ tăng trưởng GDP là 6,5 - 7%, kiểm soát lạm phát trong khoảng 5 - 7%, bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 giảm xuống còn 4,8% GDP. Các dòng vốn tăng mạnh trở lại, đặc biệt là dòng vốn trong khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài… Đây là những dự báo được đưa ra tại Hội thảo Dự báo kinh tế - xã hội phục vụ lập kế hoạch trung hạn trong bối cảnh hội nhập quốc tế do Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức tại Hà Nội...
Dự báo GDP tăng trưởng 6,5 - 7%
Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế, xã hội quốc gia, mặc dù nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong thời gian qua nhưng vẫn tồn tại những hạn chế, khó khăn. Trong đó, có thể kể đến vấn đề lạm phát tăng cao đến hai con số, mặt bằng lãi suất cao và các nguy cơ về nợ xấu, tín dụng tăng trưởng nóng hay bong bóng bất động sản đến mức đáng lo ngại. Cụ thể, tính chung cả giai đoạn 2011 - 2015, tăng trưởng bình quân toàn nền kinh tế ước đạt dưới 6%, thấp hơn nhiều so với mức 6,32% của giai đoạn 2006 - 2010, đồng thời cũng không đạt được kế hoạch tăng trưởng 6,5 - 7% như mục tiêu kế hoạch đề ra. Ngoài tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu thì nguyên nhân chủ yếu là do những cải cách trong nước chưa mang lại hiệu quả. Quá trình tái cơ cấu kinh tế chưa mang lại những chuyển biến về chất, mô hình tăng trưởng kinh tế vẫn dựa chủ yếu vào vốn đầu tư, khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng: “Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, những yếu kém nội tại của nền kinh tế Việt Nam chưa được khắc phục triệt để, nhiệm vụ của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới là hết sức nặng nề... Do đó, việc đánh giá một cách toàn diện, khoa học bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế cũng như giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững thời gian tới là rất cần thiết”.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, các tổ chức dự báo kinh tế lớn nhận định, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ khả quan hơn. Động lực phát triển cho kinh tế toàn cầu sẽ được chuyển từ các nước phát triển trong giai đoạn đầu sang các nước đang phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Tốc độ tăng thương mại toàn cầu giai đoạn 2016 - 2020 dự báo sẽ tăng mạnh trong giai đoạn 2 năm đầu tiên và duy trì mức tăng nhẹ ở 3 năm còn lại. Trong giai đoạn này, nền kinh tế Việt Nam sẽ thoát khỏi suy giảm và bắt đầu chu kỳ phục hồi mới. Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng phục hồi mạnh trong giai đoạn này nhờ vào hàng loạt yếu tố hỗ trợ từ giá hàng hóa thấp, lực đẩy từ các doanh nghiệp FDI và nhu cầu bên ngoài, cùng với những cải cách về thể chế của nền kinh tế sẽ phát huy hiệu quả. Tăng trưởng GDP trong khoảng từ 6,5 - 7%, kiểm soát lạm phát khoảng 5 - 7%, bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 giảm xuống còn 4,8% GDP. Các dòng vốn tăng mạnh trở lại, đặc biệt là dòng vốn trong khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài…
Cần duy trì chính sách ưu tiên ổn định vĩ mô
TS. Đặng Đức Anh, Ban Phân tích và Dự báo, Trung tâm thông tin và Dự báo kinh tế, xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: “Trong thời gian tới sẽ có một số yếu tố thuận lợi để đạt được tốc độ tăng trưởng này. Thứ nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ phục hồi. Thứ hai, nước ta đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do và sẽ được triển khai trong thời gian tới như TPP và các hiệp định thương mại với EU và Liên minh kinh tế Á - Âu... Đây là xung lực cho thương mại đồng thời cho cả đầu tư. Chúng tôi cũng kỳ vọng với chính sách mà Chính phủ vẫn đặt trọng tâm vào ổn định kinh tế vĩ mô sẽ tạo điều kiện để giảm lạm phát, giảm lãi suất và giảm chi phí về vốn cho doanh nghiệp”.
TS. Đặng Đức Anh cũng đưa ra các kịch bản về triển vọng kinh tế Việt Nam 2016 - 2020. Cụ thể, theo kịch bản cơ sở, giai đoạn này tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt mức 6,67%/năm và lạm phát khoảng 4,58%. Tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục ổn định ở mức trung bình 4%; đầu tư khu vực nhà nước được cải thiện hơn cả về tốc độ và hiệu quả; tốc độ tăng đầu tư trung bình giai đoạn 7%, mô hình kinh tế Việt Nam phần nào được chuyển đổi nhưng về cơ bản vẫn là nền kinh tế tăng trưởng dựa vào vốn với hệ thống tài chính khá ổn định, điều hành chính sách và tiền tệ linh hoạt. Ở kịch bản cao, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt mức 7,04% và lạm phát khoảng 6,1%. Các chỉ tiêu đạt được tương tự như kịch bản cơ sở.
Với những kịch bản này, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thiên về kịch bản mức tăng trưởng trung bình. Bởi kịch bản thấp dấy lên lo ngại về vấn đề lao động, việc làm, kịch bản cao khó có thể kết hợp hai yếu tố tái cơ cấu và tăng trưởng. Theo đó, điều tiên quyết trong bối cảnh hội nhập quốc tế là đổi mới tư duy, thể chế và bộ máy tổ chức thực hiện trong nền kinh tế. Trong đó, tái cơ cấu về công nghiệp là vấn đề cốt lõi để tăng trưởng trong thời gian sắp tới.
Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia Mai Thị Thu cũng chỉ ra rằng: “Giai đoạn tới nền kinh tế Việt Nam sẽ thoát khỏi giai đoạn suy giảm và bắt đầu chu kỳ phục hồi mới. Tuy nhiên, để có thể đạt được mục tiêu đã đề ra, Chính phủ cần triển khai mạnh mẽ các chính sách, biện pháp xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ trong cả nước và các ngành để thật sự chuyển dịch cơ cấu và mô hình tăng trưởng theo hướng đã xác định”.
Tiến sĩ Phan Đức Hiếu, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương thì cho rằng, một trong những giải pháp tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới là phải vượt qua được tư duy “năng lực quản lý đến đâu thì mở đến đó” và thay bằng tư duy “năng lực quản lý phải được xây dựng để phù hợp và thúc đẩy sự phát triển của đất nước”.