Cần nhiều nỗ lực để cán đích tăng trưởng xuất khẩu năm 2015
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, trước mắt, các ngành chức năng cần tháo gỡ khó khăn xuất khẩu nông, lâm, thủy sản; sau đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng thị trường.
Doanh nghiệp vốn ngoại tiếp tục dẫn dắt xuất khẩu
Theo Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu 3 quý đầu năm 2015 ước đạt gần 120,7 tỷ USD (bằng 73,1% mục tiêu kế hoạch), tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2014 (tương đương với 10,6 tỷ USD), có 24 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này tăng trưởng 19,2% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 78,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi nhóm hàng nông sản, thủy sản và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản gặp nhiều khó khăn, lần lượt giảm 9,9% và 45,5% so với cùng kỳ. Nhiều lĩnh vực trong ngành nông, lâm, thủy sản đều chịu tác dụng tiêu cực như thủy sản, gạo, cao su, cà phê, tiêu, điều, sắn lát do biến động của thị trường thế giới.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, nhóm hàng nông - thủy sản xuất khẩu có kim ngạch sụt giảm là do nguồn cung các nước xuất khẩu dồi dào, gây áp lực cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Ngoài ra, đồng USD lên giá so với nhiều đồng tiền khác trên thế giới, trong đó có những đối thủ cạnh tranh trong xuất khẩu với Việt Nam như Ấn Độ, Brazil... đã tạo thêm sức ép cạnh tranh cho nông, thủy sản của Việt Nam, dẫn tới sự sụt giảm kim ngạch của thủy sản, cà phê, cao su và gạo.
Một số thị trường chủ lực như Hoa Kỳ vẫn đạt mức tăng trưởng cao, sau 3 quý đầu năm, xuất khẩu đạt 24,9 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2014. Tiếp đến là EU với 22,8 tỷ USD, tăng 12,4%. Riêng khối ASEAN đạt 13,8 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Xét theo thành phần kinh tế, xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI, không kể dầu thô) ước đạt hơn 82,2 tỷ USD, tăng 21,1%; xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đạt 35,5 tỷ USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước.
Mục tiêu tăng trưởng 10% là áp lực lớn
Bộ Công Thương dự kiến, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước năm 2015 ước đạt 171 tỷ USD, tăng 15,7% so với năm 2014, trong đó nhập khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 100 tỷ USD, tăng 18,7% và chiếm 58,5% tổng kim ngạch nhập khẩu; nhập khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 71 tỷ USD, tăng 11,6%. Nhìn chung, các doanh nghiệp nội vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất, gia công, lắp ráp vẫn duy trì ở mức cao.
Năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 165 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2014. Trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 114,5 tỷ USD, tăng 13,2%. Xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 50,5 tỷ USD, tăng 3%.
Dự báo xuất khẩu gạo năm nay đạt 6,5 triệu tấn với giá trị khoảng 2,8 tỷ USD (tăng 2,7% về lượng và giảm 4,6% về giá trị so với năm 2014); xuất khẩu thủy sản đạt 6,8 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ; xuất khẩu cà phê đạt 1,4 triệu tấn với kim ngạch 2,8 tỷ USD (giảm 17,2% về lượng và 21,3% về giá trị so với năm 2014); xuất khẩu cao su đạt 1,1 triệu tấn với kim ngạch 1,6 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2014; xuất khẩu dệt may đạt 23 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2014.
Do kim ngạch xuất khẩu 3 quý đầu năm chỉ đạt 120,7 tỷ USD, tức là bình quân chỉ đạt 13,4 tỷ USD/tháng, để đạt được mục tiêu 165 tỷ USD cả năm, 3 tháng cuối năm, xuất khẩu quý IV/2015 sẽ phải đạt kim ngạch từ 45 tỷ USD, có nghĩa là bình quân một tháng phải đạt 15 tỷ USD. Đây thực sự là mục tiêu không dễ, nhất là trong bối cảnh thị trường tiêu thụ hàng hóa trên thế giới tuy có sự hồi phục nhưng chưa bền vững, chưa ổn định làm gia tăng áp lực cạnh tranh do nguồn cung gia tăng từ các nước đối thủ.
Nhập siêu có xu hướng tăng
Theo kế hoạch, năm nay, nhập siêu khoảng 5% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, đến hết quý 3, nhập siêu đã đạt 3,2% kim ngạch xuất khẩu và đang có xu hướng tăng dần trong thời gian tới. Bộ Công Thương dự báo, nhập siêu năm 2015 ước khoảng 5,5 - 6 tỷ USD, bằng khoảng 3,3 - 3,6% kim ngạch xuất khẩu. Mặc dù, tác động việc điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc chưa thể hiện rõ trong kết quả hoạt động xuất nhập khẩu 3 quý đầu năm 2015, nhưng trong quý 4 có thể sẽ bị ảnh hưởng và nhập siêu từ Trung Quốc có khả năng tiếp tục tăng cao.
Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục nhập siêu bởi nền kinh tế đang trong quá trình phát triển, do đó, vẫn cần rất nhiều máy móc thiết bị cho các dự án hạ tầng; nhiều nguyên nhiên vật liệu. Thực tế 3 quý đầu năm kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất ước đạt 113,5 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 91,1% tổng kim ngạch. Bên cạnh đó, việc các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực như cà phê, gạo... giảm khá sâu về giá và lượng so với cùng kỳ đã làm giảm giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực khoảng 7,2%, tác động tới cán cân thương mại. Bên cạnh đó, giá dầu thô cũng theo đà giảm của giá thế giới nên mặc dù sản lượng xuất khẩu tăng đáng kể nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu lại không đạt được mức như năm ngoái.
Đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, trước mắt, các ngành chức năng cần tháo gỡ khó khăn xuất khẩu nông, lâm, thủy sản; sau đó, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng thị trường. Theo bà Trần Thị Thúy Hoa, Chánh Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu cần có sự hỗ trợ của Nhà nước bằng việc chỉ định một cơ quan quản lý, kiểm tra chất lượng cao su xuất khẩu. Khi kiểm soát tốt về chất lượng, sức cạnh tranh của ngành sẽ tăng lên, từ đó tiếp cận thị trường sẽ tốt hơn.
Bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công Thương An Giang cho rằng, muốn đẩy mạnh xuất khẩu cần có giải pháp cụ thể cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, đồng thời các hiệp hội, ngành hàng cần thể hiện vai trò rõ nét hơn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu. Ngoài ra, bản thân các doanh nghiệp cũng phải xác định rõ vai trò của thị trường nội địa để có hướng thâm nhập hiệu quả, tạo đầu ra ổn định cho hàng hóa sản xuất. Trong trung và dài hạn, các chuyên chuyên khuyến nghị, cùng với việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, doanh nghiệp phải chú ý đến hàng rào kỹ thuật cũng như chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm khi tham gia các FTA, để có thể khẳng định và duy trì được vị trí bền vững trong chuỗi cung ứng, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu.
Để tăng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, thời gian tới, Chính phủ cần có các giải pháp đồng bộ, một mặt hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đầu tư chiều sâu, phát triểnthị trường, công nghệ để gia tăng xuất khẩu. Mặt khác, nghiên cứu kỹ xu hướng phát triển của các doanh nghiệp FDI xuất khẩu lớn nhưng gia công nhiều, từ đó tổ chức những chương trình kết nối giữa hai khu vực doanh nghiệp này, tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước đáp ứng nhu cầu linh phụ kiện cho những tập đoàn FDI lớn, tăng giá trị xuất khẩu và giảm nhập khẩu.
Về lâu dài, phải xây dựng hệ thống các ngành công nghiệp hỗ trợ, để nâng cao khả năng tự chủ trong khâu nguyên vật liệu ở các mặt hàng chính, như dệt may, da giầy, máy móc thiết bị, giảm thiểu nhập khẩu. Đặc biệt, cần tránh phụ thuộc vào một thị trường như Trung Quốc, thay bằng mở rộng nhập khẩu máy móc thiết bị từ nhiều nguồn khác nhau, chẳng hạn từ Mỹ, EU, Nhật Bản để tận dụng cơ hội từ các FTA, đặc biệt là TPP.