Hướng tới thể chế kinh tế thị trường hiện đại
Gợi ý này được Phó Đại sứ Australia, ông Layton Pike, đưa ra cho Việt Nam tại Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam 2015. Theo đó cần cải thiện tự do kinh tế và nuôi dưỡng khu vực tư nhân, cùng với việc thực hiện một chiến lược cải cách triệt để doanh nghiệp nhà nước.
Thể chế kinh tế thị trường đã có những tiến bộ
Thay mặt các đối tác phát triển, đánh giá về cải cách thể chế của Việt Nam, ông Layton Pike cho rằng sau 30 năm chuyển đổi từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường, Việt Nam đã đạt được những kết quả về tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014 đạt 5,98% cao hơn so với kế hoạch 5,8% và năm 2015 là 6,55%.
Thể chế kinh tế thị trường trong 3 năm vừa qua đã có những tiến bộ đáng kể. Nền tảng kinh tế thị trường đã được xây dựng chắc chắn, nhất là sau những thay đổi gần đây trong hệ thống pháp luật, như việc sửa đổi Hiến pháp 2013, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Tuy nhiên ông Layton Pike cũng nêu lên những hạn chế, đó là nền kinh tế Việt Nam vẫn hoạt động dưới tiềm năng với tăng trưởng năng suất thấp và ngày càng giảm. Năng lực cạnh tranh quốc gia chậm được cải thiện trong khi nguồn lực phân bổ không hiệu quả, nhất là trong khu vực công. Động lực chính của tăng năng suất là chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang chế tạo và dịch vụ, tăng năng suất lao động nội ngành vẫn rất thấp.
Đồng quan điểm, đại sứ Thụy Sỹ cho rằng những doanh nghiệp nhà nước đang được hưởng nhiều đặc quyền hơn trong tiếp cận nguồn lực. Cải cách doanh nghiệp nhà nước là một trong những ưu tiên của Chính phủ những năm gần đây. Đầu năm 2014, Chính phủ ban hành một kế hoạch táo bạo nhằm cổ phần hóa 426 doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn 2014-2015.
Tuy nhiên, kết quả có vẻ vẫn chưa như ý muốn. Đại sứ Thụy Sỹ nói: “Chỉ khi cải cách doanh nghiệp nhà nước thì Chính phủ mới tạo được môi trường kinh doanh bình đẳng, Việt Nam sẽ thực hiện có hiệu quả hơn các nguồn lực”.
Ngoài ra khu vực tư nhân hoạt động còn hạn chế. Trong báo cáo của VDPF 2015 cho thấy, 97% doanh nghiệp tư nhân trong nước là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi tăng quy mô các doanh nghiệp này chưa phát huy được hiệu quả.
Với việc Việt Nam thực hiện các bước hội nhập sâu hơn vào thị trường toàn cầu thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU và các FTA khác, áp lực cạnh tranh to lớn đang tăng lên và đòi hỏi những giải pháp táo bạo và toàn diện để cải thiện khả năng cạnh tranh quốc gia, trong đó có cải cách thể chế.
Phát biểu trong Diễn đàn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, TS. Nguyễn Đình Cung, thẳng thắn thừa nhận hạn chế vai trò của Nhà nước trong thể chế kinh tế Việt Nam hiện nay. Ông Cung cho biết thêm ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cần thay đổi tư duy tiếp cận vai trò của nhà nước và mối quan hệ của nhà nước và thị trường. Đẩy mạnh nhà nước điều hành sang nhà nước kiến tạo và phát triển, Chính phủ Việt Nam đang từng bước cải cách thể chế và cải cách thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh.
Hướng tới thể chế kinh tế thị trường hiện đại
Những biện pháp ưu tiên cải cách được ông Layton Pike đưa ra tại Diễn đàn nhằm hướng tới thể chế kinh tế thị trường hiện đại, đó là Việt Nam cần cải thiện tự do kinh tế và nuôi dưỡng khu vực tư nhân, trong đó Chính phủ cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển tốt hơn.
Cụ thể, Chính phủ cần đầu tư nhằm tạo ra không gian lớn hơn cho khu vực tư nhân phát triển, đặc biệt là trong cung cấp dịch vụ và hạ tầng. Điều quan trọng là Chính phủ phải tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân để họ có thể hoạt động hiệu quả hơn và cung cấp hàng hóa dịch vụ tốt hơn. Để làm được điều này, Chính phủ cần xây dựng và thực hiện một chiến lược cải cách triệt để doanh nghiệp nhà nước, tăng cường chính sách cạnh tranh và thực thi pháp luật. Việt Nam cần thành lập cơ quan trung ương chịu trách nhiệm về quản trị kinh tế và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ông Layton Pike nhấn mạnh: “Hiệu quả của chính quyền là chìa khóa thành công trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, điều sống còn là Chính phủ có cơ chế phối hợp mạnh hơn để xây dựng và thực thi các chương trình cải cách kinh tế hiệu quả”. Ngoài ra, cần đảm bảo tăng trưởng công bằng và nâng cao vai trò của tổ chức cộng đồng và xã hội dân sự.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, Việt Nam cần có một chính sách về cạnh tranh, duy trì và tạo lập một sân chơi bình đẳng. Sự cần thiết thành lập một cơ quan quản lý điều hành năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đưa ra giải pháp của mình, đại diện đối tác Nhật Bản nhấn mạnh, Chính phủ cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là những chính sách để tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển. Đồng thời, cần quan tâm đến kết nối của các ngành công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ cho mắt xích sản xuất toàn cầu. Chính phủ cần có các chính sách và hành lang pháp lý để cho các doanh nghiệp phụ trợ phát triển một cách đầy đủ thì mới có thể tận dụng hết cơ hội của FTA.