Kinh tế Việt Nam: Đã qua cửa hẹp
(Tài chính) Khó khăn trước mắt đã dần qua đi nhưng “đường băng” để kinh tế Việt Nam cất cánh vẫn còn gập ghềnh.
Các nhà điều hành kinh tế có thể thở phào nhẹ nhõm khi ngày cuối cùng của năm 2013 đã qua. Bắt đầu xuất hiện những tín hiệu cho thấy, nền kinh tế dần ổn định trở lại sau hơn 5 năm bị cuốn vào vòng xoáy của lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô.
Những dấu hiệu ổn định
Các thống kê chính thức cho thấy kết quả tích cực: cả nước đạt tốc độ tăng trưởng GDP 5,42%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trở lại và đặc biệt, thu ngân sách nhà nước không quá khó khăn như ước tính. Lạm phát – yếu tố ám ảnh nhất đối với người dân, đã giảm nhiệt. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI cả năm chỉ tăng 6%. Như vậy, đây là mức tăng thấp nhất so với vài năm trở lại đây.
Xét về ngắn hạn, tăng trưởng kinh tế đang dần có dấu hiệu phục hồi khi tốc độ tăng GDP dần cải thiện qua từng quý. Phân tích hàng loạt dấu hiệu như chỉ số phát triển công nghiệp tăng lên, xuất khẩu mạnh, chỉ số mua hàng PMI của HSBC tăng, đầu tư nước ngoài và đầu tư công đều tăng… Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 5,4 – 5,8% năm 2014 và 5,8 – 6% năm 2015. Ông Nghĩa nói: “Dự báo của chúng tôi lạc quan hơn bên ngoài”.
Tương tự, cách nhìn Việt Nam từ “bên ngoài” cũng rất tích cực. Chỉ số năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đã tăng 5 bậc từ 75/144 năm 2012 lên 70/148 năm 2013. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố ngày 23/12/2013, tính tới ngày 15/12/2013, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký và tăng thêm đạt 21,6 tỷ USD, tăng 54% và giải ngân được 11,5 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2012.
Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC tại Việt Nam Sumit Dutta kể lại, bản thân mình đã rất nghi ngờ khi vào tháng 9/2011 Ngân hàng Nhà nước tuyên bố sẽ đưa lạm phát từ 22% về mức 1 con số. “Bản thân tôi nghĩ lạm phát sẽ chỉ về mức 13%, thế mà Ngân hàng Nhà nước đã làm được”. Hơn nữa, Việt Nam là nước có nền tảng xã hội tốt như dân số trẻ, tỷ lệ biết chữ cao.
Nền tảng chưa vững chắc
Tuy nhiên, những chỉ số đó chưa phản ánh những khó khăn thực sự mà nền kinh tế này đang trải qua. Tăng trưởng tín dụng tới 35 – 55%/ năm trong giai đoạn 2007 đã giúp dòng tiền dễ dãi đổ vào các lĩnh vực đầu cơ, tạo ra bong bóng bất động sản; lạm phát tăng cao và lãi suất thuộc loại kỷ lục thế giới. Nợ xấu ngân hàng cao làm tắc nghẽn tín dụng – vốn chỉ tăng 9% trong năm qua.
Bên cạnh đó, những hệ lụy này còn được cộng hưởng bởi khu vực doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả, nhưng lại phình to và “bắt rễ” vào mọi lĩnh vực kinh tế. Báo cáo của Chính phủ cho biết, đến cuối năm 2012, 127 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ – công ty con có tổng số nợ phải trả là 1.348.752 tỷ đồng tăng 6% so với 2011. Số nợ này tương ứng với gần 60% tổng dư nợ tín dụng của cả năm.
Tình trạng này xuất phát từ những yếu kém nội tại của nền kinh tế, yếu tố năng suất nhân tố tổng hợp ngày càng giảm. Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung giải thích: “Cơ cấu và mô hình tăng trưởng yếu kém làm cho việc phân bổ và sử dụng nguồn lực rất kém hiệu quả”. Bên cạnh đó, việc chuyển trọng tâm điều hành chính sách từ thúc đẩy tăng trưởng sang bình ổn tổng cầu của nền kinh tế để ổn định kinh tế vĩ mô đã gây ra nhiều hệ lụy.
Mới đây Chính phủ lại phải xin Quốc hội nâng trần bội chi ngân sách trong năm 2013 lên 5,3% và phát hành thêm 170 ngàn tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ, một động thái cho thấy nỗ lực “bung” đầu tư của Nhà nước để cứu tăng trưởng. Trong khi cách thức phân bổ nguồn lực kém hiệu quả chưa được cải thiện, thì nỗ lực đó làm nhiều nhà kinh tế lo lắng về khả năng bất ổn kinh tế vĩ mô sẽ quay trở lại. TS. Vũ Đình Ánh nói: “Tôi chẳng thấy có thay đổi căn bản nào để cải thiện triển vọng kinh tế. Năm 2013 không hơn gì nhiều năm 2012. Hai năm tới sẽ không khác mấy so với năm nay. Kinh tế Việt Nam đã rơi vào giai đoạn trì trệ bắt đầu từ 2008”.
Theo đánh giá của ông Cung, tiến độ cải cách kinh tế tương đối chậm. Chưa có đột phá trong thể chế huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội theo cơ chế thị trường. Vì vậy, ổn định kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, chưa tạo lập được môi trường vi mô năng động thúc đẩy phân bổ nguồn lực và sử dụng nguồn lực hiệu quả và hợp lý và rốt cuộc, Việt Nam chưa có thay đổi về cách thức tăng trưởng.
Xét trong giai đoạn 2007-2013, Việt Nam vẫn đang đối mặt với suy giảm kinh tế và chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt. Tốc độ tăng trưởng GDP đã giảm liên tục từ 8,5% năm 2007, xuống 6,2% năm 2008, 5,5% năm 2009, 6,78% năm 2010, 5,89% năm 2011, 5,03% năm 2012 và dự kiến 5,4% năm 2013. Ngân hàng Thế giới khẳng định, hồi tháng 10 rằng, kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng thấp nhất trong vòng một thập kỷ.
Ủy ban Kinh tế Quốc hội đồng tình cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục phải đối mặt với áp lực lớn trong ngắn hạn và chưa thể trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh trong 1-2 năm tới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm 2011-2013 dự kiến sẽ chỉ đạt 5,6%/năm, là mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây, thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân theo kế hoạch (6,5 – 7%). Trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta chậm lại thì một số nước trong khu vực ASEAN đã có sự cải thiện rõ rệt.
Có vẻ như Việt Nam đã vượt qua cửa hẹp trong năm nay, nhưng liệu “đầu xuôi” thì “đuôi có lọt” trong những năm tới, khi mà nhiều bộ phận thừa trong cơ thể vẫn chưa được phẫu thuật bỏ đi.