Kinh tế Việt Nam tăng trưởng vững chắc trong trung hạn
Ngày 2/12, Ngân hàng thế giới (WB) dự báo kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,6% trong năm 2016. Một kết quả nghiên cứu khác được công bố cùng ngày cho thấy, trong năm 2016, nền kinh tế Việt Nam sẽ thoát khỏi giai đoạn suy giảm, bắt đầu vào chu kỳ phục hồi mới với tăng trưởng GDP giai đoạn 2016-2020trong khoảng 6,5-7%.
Phát biểu tại buổi công bố Báo cáo “Điểm lại: Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam,” bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam nhận định, cầu nội địa mạnh hơn, xuất khẩu vẫn được duy trì, cùng với lạm phát thấp và niềm tin được củng cố đã tạo cơ sở vững chắc cho tăng trưởng trong kỳ trung hạn của Việt Nam.
Theo bà Victoria Kwakwa, đây là thời điểm thích hợp để củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thêm khoảng đệm chính sách thông qua những nỗ lực kiên quyết để kiềm chế sự mất cân đối tài khóa và giải quyết những vấn đề bất cập còn tồn tại của khu vực ngân hàng.
Ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế Cao cấp WB tại Việt Nam cho biết, đánh giá về cơ bản, triển vọng trung hạn của kinh tế Việt Nam là tích cực. GDP dự báo sẽ tăng 6,5% trong cả năm 2015 và củng cố trong năm 2016 (dự báo 6,6%) do tăng tổng cầu trong nước nhờ gia tăng tiêu dùng cá nhân và đầu tư.
Theo báo cáo này, điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi hơn đã giúp duy trì ổn định hệ thống ngân hàng. Về ngoại thương, kết quả xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ tăng xuất khẩu hàng chế biến, chế tạo, nhất là các sản phẩm công nghệ cao như điện thoại, điện tử và máy tính.
Báo cáo cũng chỉ ra viễn cảnh trung hạn của Việt Nam là tích cực, dự kiến đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì và lạm phát sẽ ở mức thấp. Tuy nhiên, tốc độ tái cơ cấu chậm có thể gây rủi ro đối với tiềm năng tăng trưởng trung hạn và những trì hoãn trong việc thắt chặt tài khóa sẽ làm ảnh hưởng tới mức độ bền vững của nợ công.
Trong điều kiện môi trường kinh tế còn nhiều bất ổn như vậy, cần bảo đảm quản lý kinh tế vĩ mô tốt thì mới có thể tạo khoảng đệm chính sách và đối phó được với các cú sốc trong tương lai. Tiếp tục củng cố tài khóa, đẩy nhanh cải cách cơ cấu và tăng cường dự trữ ngoại tệ sẽ giúp giảm bớt các tác động bất lợi.
Kết quả nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội quốc gia được công bố cùng ngày cho thấy, trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam vẫn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ như bảo đảm được ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì được tốc độ tăng trưởng giảm không quá sâu…
Trung tâm này đưa ra nhận định, bước sang năm 2016, nền kinh tế Việt Nam sẽ thoát khỏi giai đoạn suy giảm và bắt đầu vào chu kỳ phục hồi mới. Triển vọng kinh tế Việt Nam 2016-2020, tăng trưởng GDP trong khoảng từ 6,5- 7%, kiểm soát lạm phát trong khoảng 5-7%, bội chi ngân sách Nhà nước đến năm 2020 giảm xuống còn 4,8% GDP (bình quân giai đoạn là 4,9%). Các dòng vốn tăng mạnh trở lại, đặc biệt là dòng vốn trong khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài…
Tuy nhiên, nội tại nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều “nút thắt” cần giải quyết như chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, trong khi hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, cạnh tranh ngày càng quyết liệt và gay gắt hơn; hệ thống thị trường chưa phát triển đồng bộ, cản trở đầu tư phát triển và hoạt động sản xuất kinh doanh; đầu tư, đặc biệt là đầu tư công còn chưa hiệu quả.