Việt Nam sẽ tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Chiều 26/11, Viện Kế toán Công chứng Vương quốc Anh và xứ Wales (ICAEW) đã công bố báo cáo triển vọng kinh tế của các nước ASEAN. ICAEW cho rằng, Việt Nam là nước có dự báo tăng trưởng kinh tế cao nhất trong số các nền kinh tế trong khu vực.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Năm 2016, Việt Nam sẽtăng trưởng 5,8%

Theo ICAEW, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự báo năm 2016 sẽ đạt 5,8%, so với 6,2%của năm nay.

Báo cáo quý 4/2015 của ICAEW tập trung vào việc phân tích các dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước. Trong đó, Việt Nam được cho là duy trì được thành quả kinh tế tốt hơn các nước trong khu vực.

Ông Mark Billington, Giám đốc ICAEW khu vực Đông Nam Á cho biết, phần lớn các dự báo tăng trưởng đối với các nước ASEAN đều giảm, do nền kinh tế Trung Quốc chững lại. Tăng trưởng dự báo của khu vực hiện đứng ở mức khá thấp là 4,6%.

Việt Nam là nền kinh tế khả quan nhất so với các nước láng giềng. Chính phủ Việt Nam đang đặt mục tiêu thu hút thêm đầu tư nước ngoài thông qua cổ phần hóa doanh nghiệp làm tiền đề để đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Đồng thuận với nhận định này, ông Danae Kyriakopoulou, cố vấn kinh tế của ICAEW cho rằng: "Việt Nam được một số tập đoàn nước ngoài coi là một trung tâm sản xuất, trong đó nhiều hãng đã có nhà máy tại đây.Cùng với các cải cách chính sách hiện nay, tạo điều kiện mở cửa cho nước ngoài sở hữu doanh nghiệp trong nước, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút thêm đầu tư trực tiếp nước ngoài, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.”

Cảnh báo với nền kinh tế dựa vào xuất khẩu

Bên cạnh nhận định khả quan nêu trên, ICAEW cũng đưa ra lưu ý với các nền kinh tế dựa vào xuất khẩu hàng hóa, trong đó có Việt Nam.

Theo ICAEW, từ trước đến nay, Đông Nam Á vẫn là khu vực được biết đến với mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu để tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên hiện nay, các nhà hoạch định chính sách của khối ASEAN đang phải đối mặt với 5 vấn đề chính có nguy cơ ảnh hưởng đến thành quả kinh tế của khu vực, như: giá cả hàng hóa sụt giảm; nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại; tình hình thương mại trên thế giới kém khả quan; sự thấp thỏm về thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ nâng lãi suất; tình hình tăng trưởng thấp của một số thị trường xuất khẩu chính.

Những vấn đề này cũng dẫn tới mức tăng năng suất lao động thấp hơn dự kiến sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, làm dấy lên quan ngại về việc tốc độ tăng trưởng trong trung hạn của khu vực sẽ tiếp tục sụt giảm.

Các nền kinh tế ASEAN đang đứng trước yêu cầu cấp bách phải chuyển từ xuất khẩu nguyên liệu thô sang đa dạng hóa mặt hàng, do giá cả hàng hóa nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Tuy nhiên xu hướng này cũng đem lại một loạt các lợi ích, như khả năng cá biệt hóa hàng hóa, dịch vụ so với các nền kinh tế khác, giảm biến động kim ngạch xuất khẩu.

Về dài hạn, mục tiêu của Cộng đồng Kinh tế ASEAN là làm sao để các quốc gia thành viên đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất của toàn khu vực. Nếu tiếp tục áp dụng mô hình mậu dịch hiện nay hay tập trung vào các hình thức mậu dịch nội vùng thì các nước ASEAN sẽ có cơ hội tốt để đối phó với các vấn đề kinh tế hiện nay.

Sút giảm kinh tế Đông Nam Á

ICAEW cũng đưa ra một số nguyên nhân đã và đang ảnh hưởng đối với các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á đáng lưu ý.

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế của Inđônêxia đang sút giảm do xuất khẩu hàng hóa sụt giảm, dù trong 6 tháng đầu năm 2015 vẫn đạt mức khá là 4,7%. Để giữ vững đà tăng trưởng, Chính phủ Inđônêxia đã phải công bố năm 2016 sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống còn 18%.

Đồng Ringgit của Malaixia vào tháng 8 vừa qua đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 17 năm do giá dầu giảm. Chính sách tiền tệ của Malaixia dự kiến sẽ không thay đổi trong ngắn hạn. Ngân hàng trung ương Malaixia đang đứng trước quyết định nhạy cảm là hỗ trợ đồng nội tệ hay tiếp tục vay vốn với giá rẻ để kích kích nền kinh tế.

Ngành công nghệ của Singapore đang thăng hoa, trong đó mức lương của lao động trí thức tại Singapore năm 2016 dự kiến sẽ tăng mỗi năm 4,3%.

Tuy nhiên, Singapore cũng phải đối mặt với một số thách thức: chẳng hạn, sản lượng sản xuất công nghiệp cùng kỳ tính từ tháng 2 giảm. Cục quản lý tiền tệ Singapore nhiều khả năng sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian tới do đồng Đôla Singapore đang có xu hướng tăng giá.../.