Kinh tế Việt Nam: Triển vọng 2 tháng cuối năm


Chỉ còn gần 2 tháng nữa là kết thúc năm 2023, dù có chỉ tiêu chưa đạt so với mục tiêu mà Chính phủ đề ra, tuy nhiên nhiều đánh giá khách quan được đưa ra.

Xuất khẩu- điểm sáng bức tranh kinh tế 2023

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, năm 2023, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 4,24%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16%.

Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Xuất nhập khẩu tăng dần qua các tháng, 9 tháng xuất siêu gần 22 tỷ USD, đây cũng là năm thứ 8 Việt Nam xuất siêu.

An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; thị trường lao động phục hồi tích cực. Giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 9 đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn 4,68% so với cùng kỳ, về số tuyệt đối cao hơn khoảng 110 nghìn tỷ đồng; vốn FDI thực hiện đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 2,2%.

Vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt 416,8 triệu USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ.

Khu vực nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới với tốc độ tăng 3,38%; khu vực dịch vụ phát triển khá sôi động, tăng 6,3% so với cùng kỳ; khu vực công nghiệp và xây dựng từng bước phục hồi..

GS.TS Ngô Thắng Lợi - Giảng viên cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, trong bối cảnh đầy khó khăn và thách thức như vậy nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tăng trưởng đáng trân trọng. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 4,24%, theo ADB dự báo cả năm 2023 tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt khoảng 5,8% - cao nhất khu vực Đông Nam Á.

“Trong bối cảnh khó khăn trên, ngoài việc cố gắng đạt mức tăng trưởng nhất có thể, kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát và các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm”- GS.TS Ngô Thắng Lợi khẳng định.

Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, theo đánh giá của Chính phủ tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra. Ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc do phải chịu nhiều áp lực từ bên ngoài. Sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao, tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến; cổ phần hóa DNNN còn chậm.

Áp lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm (6,5-7%) rất lớn, năm 2023, nhiều động lực tăng trưởng chính chậm lại, đối mặt với nhiều khó khăn; kim ngạch xuất khẩu ước giảm 3,5%, nhập khẩu giảm 4,2%; nợ xấu có xu hướng tăng; chỉ số lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao; các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro.

Trợ lực giúp “tăng tốc” 2 tháng cuối năm

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành- Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội (đoàn Thái Nguyên) nhận định, 2 tháng cuối năm 2023 có nhiều dấu hiệu tốt để nền kinh tế tăng tốc và trên đà tăng trưởng.

“Con số dự báo trên 5% của các tổ chức quốc tế tôi cho là khả thi. Trong đó, lĩnh vực sản xuất công nghiệp có tín hiệu tích cực, sản xuất nông nghiệp đã có kim ngạch xuất khẩu, lớn nhất là lúa gạo, rau quả. Thị trường gỗ có thể bị ảnh hưởng tuy nhiên đánh giá chung về hàng hóa nông sản là điểm sáng trong xuất khẩu những tháng cuối năm”- đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho hay.

Tiếp theo là giải ngân đầu tư công, đại biểu Nguyễn Lâm Thành nhận định, sẽ có bước tiến bộ hơn, cuối năm nhiều công trình hạng mục hoàn thành, nhất là Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết nhằm giải quyết những tồn tại trong nửa nhiệm kỳ vừa qua. Qua đó chúng ta sẽ bắt tay vào thực hiện tốt hơn với sự đồng hành của Quốc hội, Chính phủ, doanh nghiệp, các địa phương.

“Tôi tin tưởng rằng, 2 tháng cuối năm 2023 nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt được chỉ tiêu kinh tế tốt hơn so với báo cáo mà Chính phủ trình Quốc hội đầu kỳ họp thứ 6”- Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội kỳ vọng.

Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Yến- Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nhận định: Đối với tốc độ tăng trưởng năm 2023: Mặc dù không thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% như chỉ tiêu Quốc hội giao, nhưng nếu phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5%, thì quý 4 cần tăng 7%. Điều này đòi hỏi nỗ lực phấn đấu rất lớn trong tăng trưởng kinh tế ở 2 tháng cuối năm.

Để đạt được mục tiêu trên, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị Chính phủ cần có chính sách điều tiết hài hòa, cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu, giữa lãi suất và tỷ giá, giữa chính sách tiền tệ và tài khóa.

Đồng thời có biện pháp đảm bảo nguồn cung từ sản xuất và tập trung vào những giải pháp thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu để đạt được kết quả tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm thông qua các chính sách kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư công và đầu tư tư nhân, thúc đẩy xuất khẩu và duy trì cán cân thương mại bền vững…

GS.TS Ngô Thắng Lợi nhận định, để tăng trưởng 7% trong quý IV, cần phải thực hiện điểm chính: Tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp nhất là công nghệ chế biến, chế tạo; Gia tăng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực của Việt Nam; sự bứt phá của hoạt động du lịch; đẩy mạnh tiêu dùng trong nước.

Để đạt được sự bứt phá trên, GS.TS Ngô Thắng Lợi cho rằng: Chính phủ cần tiếp tục giữ ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, tạo niềm tin cho người đầu tư, phát huy hiệu quả các chính sách tài khóa (hỗ trợ doanh nghiệp và người dân như: giãn, hoãn, giảm thuế…); chính sách tiền tệ (cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, phí dịch vụ, các gói tín dụng ưu đãi) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; chính sách thúc đẩy đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các thị trường đất đai, bất động sản, xây dựng, du lịch, vốn..

Trong đó, các giải pháp cụ thể cần hướng tới: Đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng trong nước bằng cách kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, có giải pháp hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực chịu tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ; Triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định Thương mại tự do đã ký kết, tăng tốc độ thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu biên giới Việt Nam – Trung Quốc.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và khuyến khích các phương thức đầu tư, mô hình kinh doanh mới, xanh, ít phát thải, có sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân.

Đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, ưu tiên các dự án sắp hoàn thành, sớm đưa vào sử dụng các dự án có quy mô, có tiềm năng nhằm duy trì và mở rộng năng lực sản xuất kinh doanh.

Theo Báo Công Thương