Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 đạt nhiều kết quả tích cực
Ngày 4/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng năm 2022; triển khai các Nghị quyết của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.
Hội nghị và phiên họp được kết nối trực tuyến tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thành viên Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương sẽ tập trung thảo luận một số nội dung chính như: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022; tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; tình hình triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.
Hội nghị và phiên họp cũng thảo luận về việc triển khai các dự án giao thông quan trọng quốc gia những khó khăn, vướng mắc và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới. Các dự án này gồm: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021-2025; Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; Dự án đường vành đai 3 vùng TP. Hồ Chí Minh; Dự án cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong 6 tháng qua, tình hình thế giới có nhiều biến động lớn, nhanh, phức tạp, cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt. Xung đột tại Ukraine khiến giá dầu, lương thực, thực phẩm, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhiều tổ chức, chuyên gia dự báo kinh tế thế giới còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, có khả năng suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và tình hình hiện nay, hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới so với đầu năm. Lạm phát tăng ở mức cao ở hầu hết các nước trên thế giới...
Trong bối cảnh đó, tại Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự giám sát, ủng hộ của Quốc hội, sự đồng tình của người dân và doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022 đạt nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, trong thời gian tới, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn hiện hữu nhiều khó khăn cần tiếp tục giải quyết, khó khăn, thách thức nhiều hơn là thuận lợi và thời cơ. Đó là, tình hình dịch bệnh COVID-19 được dự báo có thể diễn biến phức tạp trong thời gian tới; tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế… cần có giải pháp phù hợp; việc giải ngân đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia cần đẩy mạnh hơn nữa...
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu thảo luận thẳng thắn, chỉ rõ những việc đã làm được và chưa làm được trong 6 tháng đầu năm; nhận định khách quan, trung thực, đầy đủ, toàn diện về các kết quả, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, bài học kinh nghiệm, khó khăn, thách thức chính hiện nay, đặc biệt các địa phương cần chia sẻ những kinh nghiệm hay cũng như đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, những trọng tâm trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế có bước phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP vượt kịch bản đề ra, trong đó, GDP quý II ước tăng 7,72% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ năm 2011. Tính chung 6 tháng, GDP ước tăng 6,42% so với cùng kỳ, cao hơn so với dự kiến kịch bản và cùng kỳ năm 2021, tương đương mức bình quân các năm trước dịch. Đáng chú ý là sự phục hồi nhanh của khu vực dịch vụ, ước tăng 6,6%, cao gấp 1,7 lần so với cùng kỳ. Nhiều địa phương động lực đã đạt mức tăng trưởng GRDP cao như: Hà Nội (7,79%), Bắc Giang (24,0%), Bắc Ninh (14,7%), Thanh Hóa (13,41%), Quảng Nam (12,8%), Khánh Hòa (12,58%), Hải Dương (11,82%), TP. Hải Phòng (11,1%), Quảng Ninh (10,66%), Vĩnh Phúc (10,1%), TP. Đà Nẵng (7,23%), Đồng Nai (7,06%), Bình Dương (6,84%)…
Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ hầu hết đạt kết quả tốt, đạt trên 48 nghìn tỷ đồng, trong đó các chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện đạt 8.888 tỷ đồng; gia hạn nộp thuế gia trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất là 7,4 nghìn tỷ đồng; miễn giảm thuế gia trị gia tăng, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng khoảng 32,4 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện cho vay tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP là 57,37 nghìn tỷ đồng...