Chính phủ họp trực tuyến toàn quốc về phục hồi kinh tế - xã hội

Việt Hoàng

Sáng ngày 5/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình kinh tế - xã hội, chương trình phục hồi và phát triển; việc phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về phục hồi và phát triển  kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Hội nghị được tổ chức để đánh giá tình hình triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội,… trọng tâm là thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng năm 2022, việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tình hình và giải pháp đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; việc triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, khó khăn nội tại của nền kinh tế trong nước đã bộc lộ dưới tác động của cuộc xung đột ở Ukraine ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh trên toàn cầu, tác động đến thị trường năng lượng, tài chính và cung cầu hàng hóa; cạnh tranh nước lớn tiếp tục diễn ra gay gắt đẩy giá nguyên liệu đầu vào trên thế giới, chi phí logistics và lạm phát ở nhiều nước tăng cao.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu năng lượng, cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chính phủ cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý quyết liệt các vi phạm trong lĩnh vực bất động sản, thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, cần tiếp tục giám sát, thanh tra, kiểm tra, giám sát, ngăn chặn, xử lý, làm lành mạnh hóa thị trường.

Quý I/2022 đã khép lại với nhiều tín hiệu đáng mừng như, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước; Chỉ số giá tiêu dùng bình quân được kiểm soát ở mức 1,92%. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I/2022 theo giá hiện hành tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 3 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.

Thu ngân sách nhà nước tính từ đầu năm đến ngày 15/3 đạt 25,5% dự toán năm. Chi ngân sách nhà nước đạt 15,6% dự toán năm, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 176,35 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 12,9%; nhập khẩu tăng 15,9%.

Thị trường lao động có nhiều tín hiệu khởi sắc. Lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước...

Thời gian tới, dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thực hiện trách nhiệm, hiệu quả, chúng ta mới đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra cho năm 2022 và cả giai đoạn 2021-2025. Thủ tướng đề nghị các cấp các ngành, các địa phương cùng tập trung phân tích, mổ xẻ những việc đã và chưa làm được trong quý I, tìm ra được nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, những khó khăn, thách thức chính đối với Việt Nam hiện nay; giải pháp tháo gỡ, những trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới để đạt mục tiêu đề ra...

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, trong quý II/2022 và thời gian tới các ngành, các địa phương tập trung vào 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, quán triệt thực hiện thật tốt các Nghị quyết Trung ương, nhất là Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII; Chương trình phòng, chống COVID-19; Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; các Nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đổi mới, sáng tạo.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường xuất khẩu. Thúc đẩy thị trường trong nước. Xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại. Tăng cường thanh tra, giám sát, điều tra, nắm tình hình liên quan đến bất động sản, trái phiếu, môi trường, chứng khoán, xăng dầu. Cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; rà soát cơ chế, pháp luật, phát hiện các lỗ hổng để điều chỉnh; xử lý nghiêm các sai phạm; tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy sản xuất kinh doanh; mở rộng thị trường xuất khẩu…

Đối với các dự án giao thông trọng điểm, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp, tập trung chỉ đạo, thực hiện thật tốt công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo cho người dân di dời có đời sống vật chất, tinh thần cao hơn nơi ở cũ. Tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch, khai thác mỏ nguyên vật liệu. Xem xét, xử lý kịp thời, phù hợp về giá nguyên vật liệu xây dựng. Chủ động lập các dự án liên quan đất rừng, đất lúa. Đẩy mạnh công tác quy hoạch, với tầm nhìn dài hơi, có tính chiến lược, tư duy đột phá.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp các đề xuất của các địa phương, để các bộ, ngành liên quan xử lý theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền; những vấn đề vượt thẩm quyền trình Chính phủ xử lý.