Kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện
Nghị quyết số 63/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2022 nêu rõ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội tháng 4/2022 tiếp tục khởi sắc và đạt nhiều kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực
Nghị quyết của Chính phủ khẳng định, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. CPI 04 tháng tăng bình quân 2,1%. Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất cho vay duy trì ở mức hợp lý. Thu ngân sách nhà nước 04 tháng đầu năm đạt 46,6% dự toán, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu 04 tháng tăng khoảng 16,4%; xuất siêu khoảng 2,53 tỷ USD. Vốn FDI thực hiện đạt 5,92 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ.
Thời gian tới, dự báo tình hình thế giới tiếp tục chuyển biến nhanh, khó lường với những thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Kinh tế nước ta có độ mở lớn, những biến động của kinh tế thế giới như lạm phát, giá nguyên vật liệu, đứt gãy chuỗi cung ứng, nguy cơ dịch bệnh... có thể tác động, ảnh hưởng đến kinh tế trong nước, sức ép lạm phát còn lớn; tình hình sản xuất, kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn; nguy cơ thiếu điện trong mùa cao điểm nắng nóng; thiên tai, bão lũ dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, cực đoan, trái quy luật....
Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/1/2022, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/1/2022, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19.
Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao khẩn trương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
Trong thời gian tới, Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Công điện số 126/CĐ-TTg ngày 12/2/2022, số 252/CĐ-TTg ngày 16/3/2022, số 290/CĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ; xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là một trong các tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại, kiểm điểm đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu.
Đối với giải ngân vốn đầu tư công, các bộ, ngành, địa phương thành lập các Tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022; khẩn trương triển khai thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 307/CĐ-TTg ngày 08/4/2022 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Rà soát, kiên quyết, nhất quán điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn theo chủ trương của Chính phủ.
Công bố kịp thời giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng hàng tháng phù hợp với tình hình thực tế; kiểm tra, kiên quyết xử lý hành vi đầu cơ, nâng giá, ép giá vật liệu xây dựng. Khẩn trương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/2/2022 của Chính phủ về triển khai thực hiện Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và các dự án trọng điểm khác. Tập trung đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 theo nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 27/9/2021 của Chính phủ.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp, các ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa, điều hành, bình ổn giá phù hợp, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, ổn định tâm lý người dân, tránh gây bất ổn thị trường, tạo lạm phát kỳ vọng; bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa, cân đối về điện, xăng dầu; kiểm tra, rà soát, đẩy nhanh tiến độ các dự án về nguồn và lưới điện, chủ động phương án sản xuất, vận hành hệ thống điện, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong mùa cao điểm nắng nóng sắp tới.
Các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh quyết liệt hơn nữa để rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, khơi thông điểm nghẽn về huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực trong nền kinh tế; thúc đẩy hình thức hợp tác công tư (PPP); đẩy nhanh và quyết liệt hơn nữa lộ trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; có giải pháp thiết thực cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhất là vật tư chiến lược (xăng dầu, than, phân bón...).
Chính phủ giao các Bộ: Tài chính, Công an, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quán triệt thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số 304/CĐ-TTg ngày 07/4/2022, số 311/CĐ-TTg ngày 11/4/2022 và số 15/CĐ-TTg ngày 18/4/2022, bảo đảm ổn định và thúc đẩy phát triển lành mạnh, hiệu quả, an ninh, an toàn thị trường tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, tăng cường công khai, minh bạch, kỷ cương, kỷ luật, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường, bảo vệ nhà đầu tư chân chính, đúng quy định và ổn định thị trường; chú trọng hơn nữa thông tin, tuyên truyền, ổn định tâm lý nhà đầu tư.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục khẩn trương, tích cực hoàn thiện các báo cáo trình cấp có thẩm quyền về các vấn đề tồn đọng, dự án, doanh nghiệp yếu kém theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Công khai đơn vị chưa giải ngân vốn ngân sách nhà nước đến ngày 31/3/2022
Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương chủ động rà soát, tổng hợp, đề xuất phương án điều chuyển kế hoạch vốn năm 2022 của các bộ, cơ quan, địa phương đến ngày 31/3/2022 chưa phân bổ hết cho các Bộ, cơ quan, địa phương khác đã có dự án và nhu cầu bổ sung vốn theo đúng quyết nghị tại Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2022 của Chính phủ; trường hợp có phát sinh khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, phải kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lý do và phương án xử lý phù hợp, khả thi, bảo đảm thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo yêu cầu, kế hoạch.
Phối hợp với các cơ quan truyền thông liên quan công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư ngân sách trung ương, địa phương năm 2022, chưa giải ngân (0%) kế hoạch đầu tư vốn NSNN đến ngày 31/3/2022 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan trong tháng 5/2022.
Phối hợp với các cơ quan của Quốc hội và UBND TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về Dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường vành đai 3 vùng TP. Hồ Chí Minh.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp sử dụng tài khoản tạm thu tại các ngân hàng thương mại để thực hiện thu phí, lệ phí nhằm kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết hoàn trả phí, lệ phí trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tình hình thị trường tiền tệ để tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Có biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi việc gia tăng nợ xấu, sở hữu chéo của ngân hàng thương mại và cần có biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng và không để bị phá sản, đổ vỡ ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ, tài khóa; có giải pháp phục hồi hiệu quả và phát triển thị trường vốn mạnh mẽ, an toàn, bền vững, lành mạnh.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường theo dõi, bảo đảm cung cầu mặt hàng xăng dầu, điều hành giá xăng dầu chủ động, kịp thời, hiệu quả; nghiên cứu, đề xuất nâng mức dự trữ xăng dầu; chú trọng công tác thông tin tuyên truyền để tạo đồng thuận xã hội.
Tập trung chỉ đạo rà soát toàn bộ kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia, đặc biệt chú ý phát triển hài hòa, hợp lý, hiệu quả về năng lực sản xuất và truyền tải điện, bám sát tình hình phụ tải và có phương án trong trường hợp phụ tải tăng cao, hệ thống truyền tải điện luôn đặt vào trạng thái sẵn sàng để bảo đảm điện cho sản xuất và tiêu dùng, sinh hoạt.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các chính sách về quản lý xây dựng, cắt giảm các thủ tục hành chính trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản để góp phần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Chủ trì cùng với bộ, ngành liên quan đề xuất tổ chức Hội nghị trong tháng 5/2022 để đánh giá toàn diện thị trường bất động sản năm 2021 và những tháng đầu năm 2022; đề xuất các giải pháp tiếp tục phát triển thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh, bền vững...
Không để phát sinh nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội; đôn đốc thu, giảm nợ, không để phát sinh nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi cho người tham gia.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Thực hiện đồng bộ các biện pháp để quản lý quỹ an toàn, tăng trưởng bền vững, hiệu quả; vừa kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả, tối ưu Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, vừa đảm bảo quyền lợi người tham gia, vừa đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết này; thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện; kịp thời báo cáo, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền.