Kịp thời xây dựng các giải pháp chính sách phù hợp với thuế tối thiểu toàn cầu
Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 sẽ có tác động đến môi trường đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài và hệ thống các chính sách ưu đãi của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Là quốc gia nhận vốn đầu tư của nước ngoài lớn, có nhiều chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, Việt Nam cần kịp thời nghiên cứu, xây dựng và ban hành các giải pháp chính sách phù hợp.
Đây là nhấn mạnh của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khi tham dự Hội thảo Thuế tối thiểu toàn cầu và tác động đối với chính sách ưu đãi đầu tư tại Việt Nam do Ủy ban Tài chính - Ngân sách phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức chiều nay (24/4). Tham dự hội thảo có: Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo Bộ Tài chính, các chuyên gia trong và ngoài nước…
Một diễn đàn mở để đánh giá tác động của thuế tối thiểu toàn cầu
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải hoan nghênh sáng kiến tổ chức hội thảo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Đồng thời, nhấn mạnh, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia nhưng việc cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là thông qua các ưu đãi về thuế đã dẫn đến sự khác biệt về mặt bằng ưu đãi thuế giữa các nước, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia thực hiện chuyển lợi nhuận về nơi có chế độ thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hoặc thiên đường thuế, tạo ra cuộc đua cùng nhau xuống đáy. Thực trạng này gây xói mòn cơ sở tính thuế và gia tăng sự bất bình đẳng về nghĩa vụ thuế giữa các doanh nghiệp trong một quốc gia.
Trong bối cảnh đó, tháng 6/2013, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã khởi xướng và được Nhóm G20 thông qua Diễn đàn chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận với mục tiêu phân chia quyền đánh thuế và bảo đảm rằng tất cả các doanh nghiệp hoạt động đầu tư quốc tế đều phải trả một mức thuế tối thiểu trong phạm vi toàn cầu.
Để giải quyết hiệu quả tình trạng chuyển lợi nhuận về những nơi có chế độ thuế thấp và chấm dứt cuộc đua cùng nhau xuống đáy giữa các quốc gia trong ưu đãi thuế để cạnh tranh thu hút đầu tư, tháng 10/2021, G20 đã đưa ra thỏa thuận nhằm đạt được mức thuế suất hiệu quả tối thiểu toàn cầu 15%, áp dụng cho các tập đoàn đa quốc gia có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu EURO, mà không cần có một thỏa thuận đa phương giữa các nước về nội dung này.
Việc áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu hiện đã được OECD thông qua và bắt đầu áp dụng tại một số quốc gia từ 2024 và các năm tới đây. Với thực trạng là nước nhận vốn đầu tư của nước ngoài lớn, có nhiều chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Việt Nam cần kịp thời nghiên cứu, xây dựng và ban hành các giải pháp chính sách phù hợp. Từ góc độ của cơ quan lập pháp, để đồng hành cùng Chính phủ và các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời kịp thời cung cấp thông tin cho các đại biểu, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo hôm nay với chủ đề “Thuế tối thiểu toàn cầu và tác động đối với chính sách ưu đãi đầu tư tại Việt Nam”.
Hội thảo được tổ chức với mục tiêu tạo diễn đàn mở để các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia cùng đại diện khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, các công ty tư vấn thuế và đại biểu tham dự trao đổi, làm rõ các nội dung liên quan đến cơ chế hoạt động của thuế tối thiểu toàn cầu; tác động của thuế này đối với chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam từ góc độ thực tiễn của khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng như từ góc độ của các nhà làm chính sách; tính tương thích, hiệu quả của hệ thống các chính sách ưu đãi của Việt Nam hiện nay so với quy định cụ thể của thuế tối thiểu toàn cầu; từ đó có những khuyến nghị, gợi mở về giải pháp chính sách phù hợp cho Việt Nam trong tình hình mới.
Ưu đãi thuế không là yếu tố khiến doanh nghiệp lựa chọn đầu tư
Theo Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk, thuế tối thiểu toàn cầu là một thỏa thuận mới nhằm bảo đảm các doanh nghiệp đa quốc gia phải nộp tỷ lệ thuế công bằng ở nơi hoạt động và tạo lợi nhuận. Thỏa thuận này được ký kết bởi 163 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Thuế tối thiểu toàn cầu không trực tiếp ràng buộc các quốc gia áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu 15%, thay vào đó quy tắc này cho phép các quốc gia áp thuế bổ sung nếu công ty con của doanh nghiệp nộp thuế với thuế suất thấp hơn tại các quốc gia khác. Do vậy, các quốc gia có động lực nâng thuế thu nhập doanh nghiệp lên tối thiểu mức 15%. Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, điều này dự kiến sẽ làm giảm tình trạng tránh thuế, cạnh tranh thuế và chuyển lợi nhuận, giảm lợi nhuận, đồng thời tạo số thu ngân sách cao hơn phục vụ phát triển và cung cấp các dịch vụ công.
Cạnh tranh thuế gây hại đã gia tăng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong những năm gần đây. Nhiều quốc gia đang phát triển khu vực đã và đang sử dụng các ưu đãi thuế làm công cụ chính thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong khi các nền kinh tế phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương áp dụng ít ưu đãi thì các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam đang áp dụng nhiều hình thức ưu đãi thuế (miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế suất…) gây tác động tốn kém về thu ngân sách cho Chính phủ.
Mong muốn thu hút đầu tư FDI là điều dễ hiểu, nhưng các kết quả nghiên cứu, khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp không coi ưu đãi thuế là lý do chính để chọn địa điểm đầu tư. Thay vào đó, môi trường chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường pháp luật, chất lượng hạ tầng, khả năng chống chịu của hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực mới là yêu tố quyết định để thu hút vốn đầu tư FDI. Việt Nam đã ban hành nhiều hình thức ưu đãi thuế cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Do vậy, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam gợi mở, nhân cơ hội triển khai thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam cần áp dụng quan điểm tổng thể hơn về thu hút vốn đầu tư với đầu tư trong nước và nước ngoài, để đạt hiệu quả như mong muốn.
Về ưu đãi thuế, Việt Nam cần hài hòa với khung thuế quốc tế mới, tận dụng mọi cơ hội về thuế tối thiểu toàn cầu, như giảm áp lực giảm thuế suất để cạnh tranh với các quốc gia khác, tăng nguồn thu từ thuế đối với các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, nhưng nộp thuế thấp ở các quốc gia khác. Việt Nam cần chuyển ưu đãi thuế sang các phương thức khác để tăng cường môi trường đầu tư, nâng cao những lợi ích có được với đầu tư trong nước và nước ngoài, như cải thiện chất lượng hạ tầng, chất lượng pháp luật, nguồn nhân lực, tăng cường đổi mới sáng tạo.
Khẳng định thuế tối thiểu toàn cầu là một thành tựu lịch sử, phản ánh thay đổi của kinh tế toàn cầu, nhu cầu của một hệ thống thuế công bằng, toàn diện hơn, song cũng nảy sinh thách thức và cơ hội mới cho Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam kỳ vọng, Hội thảo này sẽ giúp Việt Nam tìm ra những giải pháp toàn diện, tổng thể hơn để duy trì và tăng cường môi trường đầu tư của quốc gia. Ngân hàng Thế giới cam kết hỗ trợ lộ trình phát triển của Việt Nam và quá trình hội nhập vào kinh tế thế giới; sẵn sàng cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn chính sách để giúp Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực trên, tối đa hóa các tiềm năng, trở thành điểm thu hút đầu tư hấp dẫn.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về những vấn đề đặt ra trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu; cơ chế hoạt động, tình hình triển khai, dự kiến tác động đối với các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam; gợi ý chính sách cho ưu đãi về thuế của Việt Nam…