Áp dụng thuế suất tối thiểu để tham gia “cuộc chơi” toàn cầu
Đây là ý kiến được nhiều chuyên gia đưa ra tại Hội thảo “Báo cáo đánh giá tác động thuế suất tối thiểu toàn cầu và chủ trương, chính sách Việt Nam chủ động tham gia thuế suất toàn cầu” do Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển tổ chức ngày 21/4/2023.
Phát biểu tại Hội thảo, TSKH. Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, thuế tối thiểu toàn cầu đang là vấn đề nóng trên các diễn đàn kinh tế của Việt Nam. Chính vì vậy, việc cùng thảo luận và đưa ra các giải pháp phù hợp đối với Việt Nam để không bị mất đi lợi thế về ưu đãi đầu tư cũng như giành quyền chủ động thu thuế cho ngân sách nhà nước là điều cần thiết thời điểm này.
Bà Nguyễn Thy Nga - Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển cho biết, hiện nay thuế suất phổ thông tại Việt Nam là 20%, cao hơn mức tối thiểu đề xuất. Tuy nhiên, trên cơ sở ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt, Việt Nam đang dành nhiều mức ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài như: ưu đãi thuế suất 5%, 10% lên đến 15 năm; miễn, giảm thuế có thời hạn... Theo tính toán, thuế thực tế với các DN đầu tư nước ngoài trong kỳ ưu đãi trung bình là 12,3%.
Theo bà Nguyễn Thy Nga, thuế suất DN thường được coi là một biến trong mô hình FDI đa biến. Trong hầu hết các trường hợp, tác động của việc giảm phần trăm thuế DN được dự đoán sẽ dẫn đến mức tăng FDI ước tính. Ngoài ra, các động lực FDI quan trọng khác như: quy mô thị trường, nhân công, sự ổn định, môi trường kinh doanh… đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy các quyết định giúp các nước duy trì năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
“Không có bằng chứng thực nghiệm nào cho thấy, ưu đãi thuế làm tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài tại ASEAN, thậm chí thực tế còn ngược lại. Hầu hết các ưu đãi thuế TNDN hiện tại ở ASEAN không nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư dài hạn, mà thay vào đó được sử dụng để khỏa lấp cho những yếu kém trong năng lực quản trị và cơ sở hạ tầng, và đáp ứng mong muốn ngắn hạn của các nhà đầu tư. Thậm chí, ưu đãi thuế còn có thể tạo ra môi trường đầu tư không công bằng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, bà Nguyễn Thy Nga khẳng định.
Nói về việc áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu, đại diện Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển cho rằng, thuế suất tối thiểu toàn cầu sẽ tác động đến Việt Nam ở những khía cạnh như: Tác động đến kinh tế quốc gia; tác động đến chính sách nội luật; tác động đến doanh nghiệp; tác động đến ngoại giao.
Tại Việt Nam, theo rà soát của Bộ Tài chính thì hiện có 1.015 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng Trụ cột 2. Theo báo cáo, tính đến ngày 15/3/2023 của 60/63 Cục Thuế thì có 72 doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của Trụ cột 2 nếu Trụ cột 2 được áp dụng từ năm 2024 (sau khi đã loại trừ các trường hợp không phải áp dụng Trụ cột 2, như đến năm 2024 không còn ưu dãi, doanh nghiệp bị lỗ, doanh nghiệp có doanh thu ít hơn 10 triệu EUR doanh thu theo nguyên tắc GloBE trung bình và ít hơn 1 triệu EUR thu nhập ròng hoặc lỗ ròng…). Nếu các quốc gia khác đều áp dụng Trụ cột 2 bắt đầu từ tháng 1/2024, các quốc gia có công ty mẹ đầu tư vào Việt Nam sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng 12.040 tỷ đồng (theo chính sách ưu đãi còn lại đến năm 2024 và số liệu quyết toán thuế năm 2021).
Tại Hội thảo, GS. Trần Thọ Đạt - nguyên Hiệu trưởng trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cũng cho biết, chỉ còn 7 tháng nữa là Việt Nam sẽ phải thực thi thuế tối thiểu toàn cầu theo cam kết chung. Việt Nam cần phải chủ động để thực thi chính sách này vì đây là “cuộc chơi” toàn cầu.
Theo GS. Trần Thọ Đạt, có 3 phương án cho Việt Nam lựa chọn. Thứ nhất là chúng ta có thể giữ nguyên mức thuế hiện tại và không thay đổi gì. Tuy nhiên, bình quân với các tập đoàn đa quốc gia đang rơi vào khoảng 12%. Nếu không áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu thì các “nước mẹ” sẽ thu phần chênh lệch còn lại là 3%. Con số ấy ước tính với trên 70 tập đoàn đa quốc gia ở Việt Nam sẽ vào khoảng từ 12-20 nghìn tỷ đồng.
Chính vì vậy, Việt Nam cần giành quyền chủ động áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu để lấy lại số thuế đó bằng cách thứ hai là áp dụng chính sách này từ ngày 1/1/2024.
Còn cách thứ ba là thực hiện nội địa hoá thuế suất tối thiểu bổ sung đạt chuẩn (QDMTD). Theo đó, Việt Nam cần xây dựng phương án nâng mức thuế thu nhập doanh nghiệp bình quân lên dần dần để đạt mức 15%. Theo các phân tích hiện nay thì đây sẽ là phương án này sẽ có nhiều lợi thế hơn đối với Việt Nam trong thời điểm này.