Kỷ nguyên nới lỏng tiền tệ đã kết thúc?
Trong năm 2016, định hướng điều hành chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới vẫn đi theo xu thế nới lỏng là chủ đạo.
Trước những biến động phức tạp của môi trường kinh tế, chính trị toàn cầu, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn chưa thể tiến hành điều chỉnh tăng lãi suất 3 lần trong năm như kế hoạch đề ra cuối năm 2015. Thay vào đó, Fed mới chỉ tiến hành điều chỉnh lãi suất duy nhất vào cuối tháng 12 khi các điều kiện kinh tế trong nước đã cho thấy những tín hiệu cải thiện thật sự.
Trong khi đó, hàng loạt ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế chủ chốt đã phải thực hiện các chính sách nới lỏng mạnh tay hơn. ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục hạ sâu mức lãi suất điều hành và gia tăng thêm quy mô các chương trình nới lỏng định lượng. ngân hàng trung ương Nhật đã chính thức cắt giảm lãi suất xuống dưới 0% cũng như tiếp tục thực hiện các chương trình thu mua tài sản theo đúng quy mô cam kết.
Ngân hàng trung ương Anh cũng đã quyết định cắt giảm lãi suất lần đầu tiên vào tháng 8 sau khi sự kiện Brexit diễn ra. Trung Quốc cũng tiếp tục tham gia vào trào lưu nới lỏng chính sách tiền tệ khi liên tục bơm thêm tiền vào nền kinh tế hàng tháng thông qua nghiệp vụ thị trường mở.
Sự chuyển biến chậm chạp của kinh tế toàn cầu nói chung và tại các quốc gia và khu vực nói riêng đã khiến làn sóng nới lỏng chính sách tiền tệ đã không chỉ dừng lại ở các nền kinh tế đầu tàu mà còn tiếp tục lan rộng ra nhóm các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi.
Trong năm 2016 có 66 nền kinh tế đã tiến hành điều chỉnh lãi suất, trong đó đã có tới 43 nền kinh tế tiến hành cắt giảm lãi suất. Xu hướng cắt giảm lãi suất diễn ra mạnh mẽ hơn cả tại một số nền kinh tế thuộc khu vực Châu Đại Dương, Đông Á và châu Á - Thái Bình Dương (Úc, New Zealand, Indonesia, Ấn Độ, Đài Loan…) trước áp lực phải cắt giảm lãi suất điều hành để tạo lực đẩy cho tăng trưởng kinh tế chậm chạp.
Ngay cả những quốc gia phải đối mặt với áp lực lạm phát tăng cao trong những năm trước như Nga, Brazil,,... đều đã có những động thái điều chỉnh giảm lãi suất mạnh mẽ trong năm 2016.
Chính sách lãi suất thấp của các ngân hàng trung ương nhằm khuyến khích các ngân hàng cho vay nhiều hơn, các cá nhân và doanh nghiệp cũng gia tăng vay mượn để chi tiêu, đầu tư. Định hướng lãi suất điều hành của ngân hàng trung ương các nước cũng truyền dẫn tín hiệu tới lại suất trên thị trường tín dụng và thị trường tài sản. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng tại những nền kinh tế có động thái nới lỏng chính sách mạnh mẽ như Nhật Bản, EU, New Zealand, Trung Quốc có xu hướng giảm rõ rệt.
Bên cạnh đó, lãi suất trái phiếu Chính phủ cũng đã giảm tốc mạnh mẽ, đặc biệt là các trái phiếu có kỳ hạn dài, lãi suất đã xuống mức âm ở nhiều quốc gia lớn như Đức, Nhật, Thụy Sỹ... còn phần lớn đều ở mức trên dưới 1%.
Xu hướng nới lỏng chính sách với việc duy trì một môi trường lãi suất thấp đã khiến tăng trưởng tín dụng toàn cầu trong năm 2016 vẫn tiếp tục xu hướng gia tăng. Tại các nền kinh tế phát triển, tín dụng dành cho khu vực doanh nghiệp phi tài chính và các hộ gia đình tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt tại Mỹ và khu vực EU. Điều này cũng được phản ánh qua sự gia tăng của một số chỉ số như thu nhập khả dụng của các hộ gia đình, nợ từ khu vực hộ gia đình và chỉ số giá nhà ở thực tế.
Trong khi đó, tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, tăng trưởng tín dụng có xu hướng chững lại. Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ tăng trưởng kinh tế giảm sút khiến nhu cầu vay nợ của khu vực tư nhân đi xuống, đi kèm với tình trạng nợ xấu trong nước gia tăng đòi hỏi hệ thống ngân hàng tại nhiều quốc gia như Brazil, Colombia, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ,... phải thận trọng hơn trong việc phê duyệt các khoản vay. Mặc dù vậy, tỷ lệ tín dụng/GDP tại các nền kinh tế đang phát triển vẫn trong xu hướng gia tăng.
Tuy nhiên, trong những năm tới dự đoán của các chuyên gia đang cho thấy xu hướng thắt chặt dần chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương. Đơn cử như hồi tháng 12/2016, ngân hàng trung ương châu Âu mặc dù gia hạn chương trình mua vào trái phiếu, song cũng có kế hoạch giảm bớt quy mô bắt đầu từ tháng 4 tới. Ngay sau đó, Fed nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm và tiếp tục có những định hướng rõ ràng hơn về chính sách thắt chặt trong tương lai.
Một số nhà đầu tư dự đoán kỷ nguyên nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ chuẩn bị kết thúc, thay vào đó chính sách tài khóa sẽ phát huy vai trò quan trọng hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng và lạm phát. Điều này cũng thể hiện khá rõ ràng qua đường lối chính sách của tân Tổng thống mới đắc cử Donald Trump với việc cam kết tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và nới lỏng các quy định tài chính.
Sự thay đổi trong định hướng điều hành chính sách tiền tệ từ trạng thái nới lỏng sang thắt chặt dần như vậy có thể tạo ra quan ngại về việc gia tăng lãi suất, từ đó làm tăng chi phí tài chính của một số bên đi vay, bao gồm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển; làm trầm trọng thêm các khoản nợ của các doanh nghiệp bằng ngoại tệ khi các đồng tiền chủ chốt tăng giá trở lại. Đồng thời tăng trưởng tín dụng tại các nền kinh tế sẽ có thể bị thắt chặt lãi khi chi phí vay nợ có xu hướng gia tăng.