Kỷ nguyên tăng trưởng mới, nòng cốt là năng suất phải tăng nhanh


Trong kỷ nguyên tăng trưởng mới, để Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao và không còn dựa vào cơ chế “phá rào” thì nòng cốt là năng suất phải tăng nhanh.

PGS. TS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, chuyên gia Tổ chức Năng suất châu Á (APO) chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp về vấn đề năng suất lao động và mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.

Phóng viên: Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2045 sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Theo ông, để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần có có chế, chính sách nào?

PGS. TS Vũ Minh Khương
PGS. TS Vũ Minh Khương

PGS. TS Vũ Minh Khương: Đặc điểm của kỷ nguyên mới sẽ không còn dựa vào cơ chế “phá rào”. Làn sóng cải cách thứ hai sẽ dựa vào nền tảng của một nền kinh tế hiện đại, trong đó nòng cốt là năng suất phải tăng nhanh thì thu nhập của người dân mới tăng cao, lương công nhân mới có thể từ 5 – 6 triệu đồng/người/tháng lên 50 - 60 triệu đồng/người/tháng.

Điều đáng mừng, khi giảng dạy ở nhiều nước trên thế giới, tôi nhận thấy có 3 điều căn bản mà Việt Nam đang đứng đầu “dòng chảy thời đại”.

Thứ nhất, hội nhập thế giới rất tốt. Singapore đang mong muốn “từng ngày” được nâng cấp mối quan hệ chiến lược với Việt Nam để làm sao đưa Việt Nam tiến thật nhanh nhằm đưa mô hình của Đông Nam Á trở thành một nền kinh tế thống nhất trong vòng 20 năm tới, tương quan với nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ.

Thứ hai, Việt Nam rất tôn trọng kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường tại Việt Nam đang diễn ra sống động.

Thứ ba, kinh tế tư nhân phát triển nhanh chóng.

Đây là những điều đáng mừng và chúng ta có thể kỳ vọng vào một Việt Nam phát triển nhanh chóng trong thời gian tới.

Phóng viên: Theo ông, đâu là những chuyển biến mang tính bước ngoặt của nền kinh tế Việt Nam thời gian qua?

PGS. TS Vũ Minh Khương: Bước ngoặt lớn nhất là Việt Nam không dựa vào lợi thế nhân tố sản xuất, như đất đai, giá thành hay ưu đãi thuế… mà chuyển sang “sức mạnh” cạnh tranh hệ thống. Điều này đòi hỏi sự chuyển đổi hệ thống phải mạnh mẽ hơn, cho dù nhân tố sản xuất có thể đắt lên nhưng các nhà đầu tư trên thế giới vẫn tìm đến Việt Nam.

Việt Nam không quá tập trung vào việc thu hút nhiều dự án hay mở rộng dự án như một tín hiệu “phấn khởi”, mà đề cao mục tiêu năng suất sẽ đem lại giá trị bao nhiêu cho người công nhân và nền kinh tế.

Thay vì nhìn vào cơ hội, Việt Nam đã thẳng thắn nhìn vào những thách thức để đưa đất nước đi lên. Muốn trở thành một quốc gia hùng cường, bên cạnh nắm bắt cơ hội thì phải nhìn thấu đáo và dám đương đầu với thách thức để vươn lên.

Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030 theo Quyết định số 1305/QĐ-TTg ngày 8/11/2023.
Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030 theo Quyết định số 1305/QĐ-TTg ngày 8/11/2023.

Phóng viên: Vấn đề cấp bách đối với “bài toán” năng suất của Việt Nam hiện nay là gì, thưa ông?

PGS. TS Vũ Minh Khương: Mặc dù Việt Nam đã đạt được thành tựu rất ấn tượng trong cải cách kinh tế, nhưng năng suất vẫn chỉ đạt 14.000 USD/người/năm. Như vậy, lương tối đa của một công nhân cũng chỉ khoảng 7.000 USD/năm. Trong khi đó, mức lương thực tế cho một công nhân tại Việt Nam hiện nay trung bình chỉ khoảng 400 USD-500 USD/tháng.

Đây là vấn đề chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận, Việt Nam vẫn đang ở điểm rất thấp, cho nên phải tăng tốc nhanh hơn về năng suất trong thời gian tới.

Ở các nước, mức tăng trưởng năng suất lao động từ 7% - 8%, còn Việt Nam xoay quanh 5%. Đây là bài toán lớn cần có lời giải nếu Việt Nam mong muốn tiến nhanh trên hành trình này.

Năng suất thấp nhưng Việt Nam lại chú trọng phát triển mở rộng hơn là tăng năng suất lao động. Minh chứng là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có đóng góp lớn vào GDP nhưng chủ yếu dựa trên mở rộng lao động và thâm dụng lao động. Từ đó dẫn đến đóng góp năng suất của ngành này rất hạn chế, chỉ chiếm hơn 10% cho dù đóng góp vào GDP gần 25%. Điều này khác với Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc… ngành chế biến, chế tạo của các nước này được coi là “mũi nhọn” để đẩy năng suất đi lên.

Đặc biệt, vấn đề “sống còn” đối với năng suất là nguy cơ “già trước khi giàu”. Dân số Việt Nam đang già đi nhanh mặc dù đang được thụ hưởng “dân số vàng”. Tức là, số người đi làm nhiều hơn số người phụ thuộc, như trẻ em và người già.

Nếu chúng ta không “giàu nhanh” thì sẽ rơi vào nguy cơ như Nhật Bản, “ước mơ” tăng trưởng 2- 3% cũng rất khó khăn. Đây là vấn đề cấp bách, bởi trong vòng 25 – 30 năm tới nếu Việt Nam không trở thành quốc gia phát triển thì bẫy thu nhập trung bình sẽ hiển hiện.

Phóng viên: Vậy vấn đề năng suất ảnh hưởng như thế nào đến mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045, thưa ông?

PGS. TS Vũ Minh Khương: Khách quan nhìn nhận, năng suất của Việt Nam đang có dấu hiệu đi lên, từ năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) đến năng suất lao động được đánh giá qua các thập kỷ trước. Tuy nhiên, năng suất của Việt Nam vẫn chưa được như kỳ vọng.

Theo tính toán của chúng tôi, nếu Việt Nam chỉ tăng năng suất ở mức như 10 – 20 năm vừa qua, thì đến năm 2045 Việt Nam mới bằng Malaysia tại thời điểm hiện nay.

Trong khi, hiện nay Malaysia đang phải “vật lộn” với bẫy thu nhập trung bình. Do đó, Việt Nam phải tăng tốc năng suất để đạt trình độ như Hàn Quốc đã đạt được vào năm 2000.

Tôi tin Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu này, vì chúng ta đang đứng trước các cơ hội “vô giá” về địa chính trị. Từ Hoa Kỳ đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore và các nước đều nhìn Việt Nam như một “biểu tượng” có thể phát triển nhanh trong thời gian tới.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là Việt Nam sẽ tận dụng như thế nào để trở thành quốc gia phát triển? Việt Nam có nhiều cơ hội, nhưng thách thức cũng liền kề, khả năng vượt qua thách thức của Việt Nam vẫn còn hạn chế, chúng ta nắm bắt cơ hội nhanh nhưng để biến thách thức thành sức mạnh mới thì vẫn còn là vấn đề.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

 

Theo Việt Nguyễn/Diendandoanhnghiep.vn