Kỳ vọng gì cho giá vàng?
Giá vàng thế giới đã có 2 tuần liên tiếp leo dốc khi tăng từ mức 1.230 USD/oz lên 1.275 USD/oz. So với đầu năm, giá kim loại quý này đã tăng gần 11%, cao hơn mức tăng 8,5% trong năm 2016, bất chấp sự trỗi dậy mạnh mẽ của thị trường tiền ảo và ICO.
Trong bối cảnh FED tiếp tục duy trì lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ thì sự phục hồi của giá vàng trong năm 2017 là khá tích cực. Dự kiến FED sẽ có thêm 3 lần nâng lãi suất vào năm 2018, tuy nhiên giá vàng được kỳ vọng sẽ tiếp tục củng cố đà đi lên trong năm tới.
Với tình hình căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên, vùng Trung Đông và xu hướng ly khai nổi lên từ sau sự kiện Brexit, nhu cầu đầu tư trú ẩn an toàn vẫn có thể tiếp tục tăng. Trong khi đó, việc Mỹ gần đây công nhận Jerusalem là thủ đô Israel đã dấy lên làn sóng phản hồi của các nước Hồi giáo và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết phản đối quyết định của Mỹ. Thậm chí Iran còn thách thức Mỹ khi công nhận Jerusalem là thủ đô của Palestine.
Về chính sách tiền tệ, dù FED dự kiến tiếp tục tăng lãi suất nhưng tiến độ có thể không như dự kiến khi mà lạm phát mục tiêu vẫn yếu, nhưng dù chính sách tiền tệ đang thắt chặt nhưng chính sách tài khóa của Mỹ liên tiếp được mở rộng.
Gần đây Mỹ đã thông qua dự luật cải cách thuế lớn nhất trong 30 năm qua với mục tiêu giảm 1.500 tỷ USD tiền thuế trong 10 năm tới. Chính sách giảm thuế này nhằm lôi kéo các doanh nghiệp đưa sản xuất quay lại nước Mỹ, tuy nhiên cũng sẽ đẩy nợ quốc gia của Mỹ lên cao hơn khi nguồn thu ngân sách bị co lại.
Với nợ quốc gia tăng, đồng USD có thể chịu áp lực sụt giảm và do đó giá vàng có thể được hỗ trợ khi đang được neo vào đồng bạc xanh. Chỉ số USD Index hiện đang giao dịch quanh mốc 93,3 điểm, đã giảm mạnh từ mức 103 điểm hồi đầu năm nay 2017, cho thấy dù FED liên tiếp tăng lãi suất cơ bản đồng USD nhưng đã không hỗ trợ gì nhiều cho đồng bạc xanh.
Ngược lại, nếu lạm phát tăng nhanh thì giá vàng cũng được hỗ trợ đi lên do lạm phát về bản chất làm xói mòn giá trị của các đồng tiền pháp định, khiến các kênh đầu tư như trái phiếu chính phủ và các tài sản có thu nhập cố định trở nên kém hấp dẫn hơn.
Chính sách tiền tệ nới lỏng được duy trì suốt thời gian qua để kích thích kinh tế phục hồi trở lại từ sau khủng hoảng đã bơm một lượng lớn tiền giá rẻ vào nền kinh tế và làm nguy cơ gia tăng lạm phát, nhất là khi giá dầu đang phục hồi cũng đẩy chỉ số giá tiêu dùng tại các quốc gia đi lên. Giá dầu gần đây đã ở mức 50 USD/thùng và đang tiếp cận mốc 60 USD/thùng.
Nguy cơ một đợt khủng hoảng kinh tế thế giới mới có thể sắp xảy ra cũng có thể kích thích nhu cầu trữ vàng trở lại. Quả bong bóng tiền tệ số ngày càng được bơm phồng lên với hàng loạt thương vụ ICO và tiền ảo tăng giá mạnh mẽ gần đây khiến nhiều nhà kinh tế phải lo ngại. Đồng Bitcoin những ngày qua đã giảm mạnh, từ mức 20.000 USD/BTC về tận vùng 12.000 USD/BTC, tương đương với mức giảm đến 40%, trong khi hàng loạt đồng tiền ảo khác cũng bị ảnh hưởng và giảm mạnh.
Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào của một cuộc khủng hoảng kinh tế, thị trường chứng khoán toàn cầu hiện đang ở mức kỷ lục sẽ sớm chịu tác động và dòng tiền sẽ sớm rút sang các tài sản an toàn như vàng là điều tất yếu. Dòng tiền từ các thị trường tiền tệ số có thể bị rút ra khi bong bóng có nguy cơ vỡ và đổ vào những thị trường an toàn như vàng, tài sản vốn được hưởng lợi nhiều nhất khi khủng hoảng xảy ra.
Cần biết rằng trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế từ năm 2008, giá vàng đã đi một mạch từ quanh 800 USD/oz lên hơn 1.900 USD/oz, trước khi giảm trở lại khi nền kinh tế toàn cầu bắt đầu phục hồi và các ngân hàng trung ương bắt đầu có dấu hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại.