Kỳ vọng gì từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á – Âu?

PV.

(Taichinh) - Sau hơn 2 năm tích cực đàm phán, ngày 29/5/2015, tại tỉnh Burabai, Cộng hòa Kazakhstan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng Liên minh kinh tế Á - Âu (EEU) và Thủ tướng các nước thành viên bao gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan đã ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do, một hiệp định có ý nghĩa chiến lược cho cả Việt Nam và EEU.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu. Nguồn: internet
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu. Nguồn: internet

Trang mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EEU

Được chính thức khởi động tại Hà Nội (Việt Nam) vào ngày 28/3/2013, sau khoảng 2 năm đàm phán, các bên đã ký kết Hiệp định FTA với phạm vi toàn diện, mức độ cam kết cao và đảm bảo cân bằng lợi ích, có tính đến điều kiện cụ thể của từng bên.Hiệp định bao gồm các chương chính về thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, phòng vệ thương mại, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), thuận lợi hóa hải quan, hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), công nghệ điện tử trong thương mại, cạnh tranh, pháp lý và thể chế.

Lễ ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do lần này được tổ chức nhân cuộc họp của Hội đồng liên Chính phủ của EEU ở cấp thủ tướng tại tỉnh Burabai, Kazakhstan

Phát biểu trước báo chí ngay sau Lễ ký, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực của Đoàn đàm phán hai bên trong hơn 2 năm qua để thống nhất nội dung và đi đến ký chính thức Hiệp định với nhiều điều khoản linh hoạt, có mức độ cam kết cao và bảo đảm cân bằng lợi ích, tính đến điều kiện cụ thể của từng bên.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định thị trường Việt Nam với hơn 90 triệu dân sẽ là một điểm đến mới cho hàng hóa các nước thành viên EEU.Thủ tướng bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng sau khi Hiệp định Thương mại tự do chính thức có hiệu lực, hàng hóa có thế mạnh của Việt Nam sẽ thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường EEU, góp phần làm đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu của người dân các nước thành viên của Liên minh và khẳng định là một thành viên năng động của ASEAN, Việt Nam sẽ nỗ lực để EEU mở rộng quan hệ với Cộng đồng ASEAN - một thị trường thống nhất, phát triển năng động có 600 triệu dân với GDP đạt khoảng 2.500 tỷ USD.

Bày tỏ hài lòng trước việc Liên minh và Việt Nam ký kết Hiệp định Thương mại tự do, Chủ tịch Ban thường trực Ủy ban Kinh tế Á - Âu Viktor Khristenko cho biết Hiệp định này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường tiêu thụ của 5 quốc gia với 180 triệu dân, quy mô GDP trên 2.500 tỷ USD, được hưởng nhiều điều kiện ưu đãi, thuận lợi hóa về hải quan, giúp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và đầu tư của Việt Nam.

Liên minh Kinh tế Á-Âu và triển vọng trở thành trung tâm kinh tế mới

Ngày 1/1/2015, Nga và 4 nước cựu thành viên Liên Xô cũ gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan đã chính thức hoàn tất thủ tục cho sự chính thức ra đời của Liên minh Kinh tế Á-Âu.

Năm 2011, trong bài phát biểu cuối cùng tại Hạ viện Nga (Đuma) với vai trò là Thủ tướng, ông Putin đã vạch ra ưu tiên cho nhiệm kỳ Tổng thống thứ ba là thúc đẩy hợp tác trong toàn bộ không gian Á – Âu, tăng cường vai trò toàn cầu của nước Nga thông qua thúc đẩy hội nhập giữa các quốc gia Liên Xô cũ. EEU có tổng dân số 170 triệu người, diện tích 20 triệu km2. Với các lợi thế sẵn có, như sở hữu trữ lượng tài nguyên thiên nhiên khổng lồ, trong đó chiếm gần 20% trữ lượng khí đốt và gần 15% trữ lượng dầu mỏ thì Hiệp ước về xây dựng EEU đã góp phần đưa Nga, Kazakhstan và Belarus lên một tầm cao hội nhập hoàn toàn mới.

Liên minh Kinh tế Á-Âu được kỳ vọng sẽ đẩy tự do thương mại, phối hợp hệ thống tài chính các nước thành viên, điều tiết chính sách về công nghiệp và nông nghiệp cùng mạng lưới giao thông và thị trường lao động. Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, liên minh mới sẽ có sản lượng kinh tế gộp là 4.500 tỷ USD và gắn kết 170 triệu người dân với nhau. “Hội nhập Á-Âu dựa trên lợi ích chung và tính đến các lợi ích chung”, ông Putin đã nói sau cuộc họp hôm 23/12/2014.

Việc thành lập Liên minh Á - Âu thay thế cho Liên minh thuế quan trước đây được đánh giá là nhằm củng cố nền kinh tế, bảo đảm sự phát triển hài hòa và xích lại gần nhau của các nước thành viên, đồng thời sẽ mang đến kỳ vọng xây dựng một cơ cấu kinh tế đủ mạnh để đối trọng với Liên minh Châu Âu (EU), từ đây làm bệ phóng cho một nước Nga hùng mạnh trên trường quốc tế.

Ý tưởng tái hình thành một không gian kinh tế thống nhất của các nước từng là thành viên Liên Xô trước đây là mục tiêu mang tính xuyên suốt của Mátxcơva ngay từ khi tuyên bố thành lập Liên minh thuế quan vào năm 2000. Để đạt được điều này, cả Nga, Kazakhstan và Belarus đã vượt qua không ít bất đồng. Thực tế là 3 nước từng luôn phát sinh những va chạm về lợi ích thương mại, thậm chí có lúc đã ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế thông thường. Cuộc tìm kiếm phương thức phân phối làm hài lòng các bên có lúc đã rất khó khăn, nhưng cuối cùng các nhà lãnh đạo "bộ tam" cũng đã thông qua 3 văn kiện nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc hình thành một thể chế rộng lớn với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tương đương 1/8 của EU. Năm 2013, tổng dân số của 3 nước Nga, Kazakhstan và Belarus đã là khoảng 180 triệu người, GDP của 3 nước đạt hơn 2.000 tỷ USD và tổng kim ngạch trao đổi hàng hóa đạt hơn 900 tỷ USD, sản lượng lúa mì chiếm 12% tổng sản lượng thế giới. Dự kiến, trong giai đoạn 2013-2018, GDP của liên minh này có thể tăng thêm 5% và trong 8- 10 năm tới sẽ tăng từ 15% đến 18%. Con số này đã thay đổi ấn tượng hơn khi Kyrgyzstan và Armenia gia nhập khối kinh tế này. Khi đó đây là một cầu nối tiềm năng cho một liên kết mới giữa các nước có vai trò tiếp nối trên lục địa Á - Âu.

Với việc tăng cường hội nhập kinh tế trong không gian giữa EU và khu vực châu Á đang phát triển nhanh chóng, các nước thành viên EEU đã thành lập một khối kinh tế mới, có khả năng đem lại một mô hình hợp tác bình đẳng hơn và đa trung tâm cho nền kinh tế thế giới. EEU sẽ là khu vực tự do thương mại giữa châu Âu và châu Á và sẽ là một cấu trúc mở và bất kỳ quốc gia nào, không chỉ những nuớc thuộc CIS hay Liên minh Hải quan, đều có thể tham gia.

Theo các nhà kinh tế, sự hình thành EEU sẽ cho phép các nước tham gia tiến đến tầm cao hội nhập kinh tế mới. Một thị trường chung lớn nhất sẽ được hình thành trong không gian các nước hậu Liên Xô và EEU dự kiến là một trung tâm kinh tế hùng mạnh trong tương lai.

Doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị gì?

Theo đánh giá của Liên minh, sau khi FTA có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên minh sẽ đạt 10 – 12 tỉ đô la vào năm 2020 (so với mức 4 tỉ đô la năm 2014). Việt Nam ước tính kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh hàng năm sẽ tăng khoảng 18 – 20%.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, FTA Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu là hiệp định rất quan trọng. “Lần đầu tiên, Việt Nam có một hiệp định mang tính bao quát, chất lượng cao và bao gồm hầu như toàn bộ các lĩnh vực thương mại đầu tư, từ dịch vụ hàng hóa cho đến dịch vụ đầu tư, thương mại, tài chính ngân hàng, dịch vụ khoa học công nghệ, lĩnh vực thương mại điện tử”, ông Hoàng nói với TTXVN sau lễ ký kết.

Bộ trưởng khẳng định, FTA với Liên minh Kinh tế Á-Âu toàn diện ở chỗ nó không như một hiệp định thương mại tự do chỉ có thương mại hàng hóa, dịch vụ bình thường hay lĩnh vực đầu tư mà nó còn một số nội dung khác như sở hữu trí tuệ, bảo vệ môi trường, mua sắm của chính phủ. Ông Vũ Huy Hoàng cho hay, qua tính toán, có 90% số dòng thuế và 90% kim ngạch xuất nhập khẩu của hai bên sẽ được mở cửa và tự do hóa. Đây là tỷ lệ tương quan đối với một số hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với các đối tác khác.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam không nên quan niệm rằng, thị trường EEU là một thị trường dễ tính. “Đối với nhiều nước của Liên minh, trong đó có Liên bang Nga, người ta yêu cầu không kém gì một số nước phát triển về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, nhất là những hàng hóa liên quan đến sức khỏe của con người”, ông nói. Bộ trưởng cho rằng, đây là điều doanh nghiệp Việt Nam cần phải quan tâm, nhất là đối với những mặt hàng nông sản như: chè, cà phê và một số mặt hàng nông sản khác. Bộ trưởng Công thương cho rằng, khoảng cách khá xa về địa lý là một rào cản mà nếu không có biện pháp phù hợp thì chi phí về vận tải sẽ làm tăng giá sản phẩm, gây bất lợi cho hàng hóa của Việt Nam. Ông nhắc các doanh nghiệp Việt Nam cần tính toán về phương tiện vận tải phù hợp.

Cũng theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: "Hiểu biết của không ít doanh nghiệp Việt Nam đối với thị trường này còn hạn chế, nhất là những nước thành viên có quy mô kinh tế nhỏ như Armenia, Kyrgyzstan thì thông tin về doanh nghiệp Việt Nam rất ít. Vì vậy, bên cạnh việc xuất khẩu, tìm kiếm cơ hội đầu tư thì việc nắm thông tin, khảo sát thị trường, tìm hiểu thị trường và kể cả tìm hiểu thị hiếu tiêu dùng ở những nước đó rất quan trọng. Lâu nay, doanh nghiệp Việt Nam chỉ quan tâm đến thị trường lớn, thị trường thuận lợi mà chưa đặt đúng mức vai trò của thị trường tuy chưa phải là lớn nhưng tiềm năng phát triển như các nước thành viên Liên minh kinh tế Á Âu" - .

Bộ trưởng cho biết, về phương thức thanh toán, hiện nay hệ thống ngân hàng của các nước EEU đang trong quá trình phát triển nhưng so với ngân hàng của nhiều nước tiên tiến trên thế giới thì có chênh lệch. Vì vậy, khi đàm phán ký kết hợp đồng và đặc biệt về điều khoản thanh toán, các doanh nghiệp Việt Nam phải bàn rất kỹ với các đối tác của Liên minh để làm sao khi tiêu thụ hàng hóa của hay mua sản phẩm từ phía bạn không bị vướng bởi các điều khoản thanh toán, thuận lợi về giao dịch.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng: “Lần đầu tiên, Việt Nam có một hiệp định mang tính bao quát, chất lượng cao và bao gồm hầu như toàn bộ các lĩnh vực thương mại đầu tư, từ dịch vụ hàng hóa cho đến dịch vụ đầu tư, thương mại, tài chính ngân hàng, dịch vụ khoa học công nghệ, lĩnh vực thương mại điện tử...”