Kỳ vọng tăng xuất khẩu qua "chợ online toàn cầu"
Việc hợp tác với trang thương mại điện tử toàn cầu Amazon.com được kỳ vọng sẽ thúc đẩy xuất khẩu của doanh nghiệp nhỏ Việt Nam thời gian tới. Bên cạnh đó, những cam kết về thương mại điện tử trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng mang lại những cơ hội lớn đan xen với các thách thức không nhỏ.
Chỉ xuất hiện trên trang thương mại điện tử (TMĐT) được mệnh danh là "chợ online toàn cầu" Amazon.com trong khoảng thời gian không lâu, nhiều sản phẩm truyền thống của một doanh nghiệp (DN) nhỏ ở Bến Tre như kẹo dừa, chén và muỗng dừa… đã gây sự chú ý của người tiêu dùng quốc tế, sức mua từ khách hàng nước ngoài vì thế cũng tăng theo giúp cho công ty tăng doanh số.
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ
Đánh giá về việc bán hàng và xuất khẩu (XK) hàng Việt qua chợ online này, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), cho rằng chúng ta vẫn đang theo phương thức đưa hàng (list) lên các trang TMĐT là chính.
"Chúng tôi là những người hợp tác với Amazon Global Selling để làm nhiều chương trình hỗ trợ cho các DN Việt đưa hàng lên trang TMĐT của họ để bán, xây dựng trang Amazon Global Selling và fanpage bằng tiếng Việt. Điều này cho thấy một tập đoàn lớn như Amazon quan tâm đến hàng Việt như thế nào", ông Dũng chia sẻ.
Nhằm đưa hàng Việt ra "chợ online toàn cầu", Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) mới đây đã chính thức hợp tác với Amazon Global Selling để hỗ trợ DN Việt (ưu tiên cho các DN vừa và nhỏ) tiếp cận thị trường thế giới với trang Amazon.com, cũng như phát triển thương hiệu của DN và hàng Việt trong môi trường TMĐT.
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú kỳ vọng việc hợp tác sẽ giúp các DN Việt tiếp cận được với hơn 300 triệu khách hàng tại nhiều thị trường khác nhau của Amazon, cũng như hàng triệu đại lý mua hàng sỉ ở Mỹ, EU và Nhật Bản.
Tuy nhiên, để bán được hàng qua "chợ online toàn cầu", tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm là yêu cầu tiên quyết được đặt ra. Đơn cử như sản phẩm nông sản thực phẩm, như lưu ý của ông Nguyễn Ngọc Dũng, là "cái mà bỏ vô miệng của người ta" nên việc truy xuất nguồn gốc cực kỳ quan trọng.
Còn theo ông Bernard Tay, Giám đốc Amazon Global Selling khu vực Đông Nam Á, các DN Việt cần đáp ứng xu hướng hàng hóa trên thế giới, nâng cao trình độ ngoại ngữ, khả năng xây dựng thương hiệu để có thể tận dụng tối đa những lợi thế bán hàng trên trang Amazon.com.
Một kết quả khảo sát cho thấy, sàn giao dịch TMĐT là một công cụ hữu ích với các DN nhỏ và vừa ở Việt Nam, tuy nhiên xu hướng sử dụng các sàn giao dịch trong vài năm trở lại đây chưa có dấu hiệu thay đổi nhiều.
Cơ hội từ CPTPP
Qua khảo sát, số DN Việt bán hàng qua sàn TMĐT cách đây hai năm chỉ chiếm 18% các DN sử dụng công cụ trực tuyến (đứng đầu là bán hàng trực tuyến qua mạng xã hội, tiếp đến là bán hàng qua website của DN, bán hàng qua ứng dụng di động).
Thực tế, khi được hỏi về kinh nghiệm bán hàng trên các sàn TMĐT bán lẻ toàn cầu, nhiều DN XK cho biết cũng có lưu tâm nhưng vẫn chưa chú trọng đến việc cung cấp sản phẩm chính thức qua sàn bán hàng trực tuyến này, mà chủ yếu vẫn là qua kênh bán hàng truyền thống (hệ thống xuất nhập khẩu).
Trong khi đó, Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực tại Việt Nam từ 14/1/2019, lĩnh vực TMĐT đang gợi mở nhiều cơ hội nhưng cũng có các thách thức không nhỏ với các DN Việt trong vấn đề cạnh tranh XK qua "chợ online" trước các cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa và TMĐT lại hứa hẹn những nguồn cung mới.
Theo chuyên gia Lê Trần Quốc Công (Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh), tuy Việt Nam không phải là một quốc gia có một nền tảng TMĐT mạnh trong các nước thành viên CPTPP nhưng lại có tiềm lực thị trường lớn. Khả năng phát triển, bùng nổ lĩnh vực này là có thể, đặc biệt là trong những thuận lợi mà CPTPP mang lại cho Việt Nam.
"Vì vậy, nắm vững những quy định của CPTPP về TMĐT cũng như nhận định chính xác các thách thức của Việt Nam hiện tại trong việc tuân thủ các cam kết quốc tế về TMĐT là đặc biệt quan trọng", ông Công lưu ý.
Ông Công cho biết các quốc gia thành viên CPTPP thống nhất chính sách của mình về cơ bản sẽ tuân thủ một số nguyên tắc, trong đó có ba nguyên tắc chủ yếu là: Không đánh thuế hải quan đối với các giao dịch điện tử; không phân biệt đối xử các sản phẩm số; hài hòa hóa và tạo thuận lợi về khung pháp lý trong nước về giao dịch điện tử.
Ngoài ra, một trong những nội dung đáng chú ý trong các cam kết thuộc khuôn khổ CPTPP về lĩnh vực TMĐT là yêu cầu các quốc gia phải đảm bảo một loạt các biện pháp nhằm nâng cao sự bảo vệ người tiêu dùng, cá nhân trong môi trường trực tuyến.
Đặc biệt, các quốc gia CPTPP phải đảm bảo áp dụng và duy trì các biện pháp minh bạch và hiệu quả để bảo vệ người tiêu dùng khỏi các hành vi gian lận và lừa đảo thương mại khi tham gia hoạt động TMĐT.