Việt Nam có 5/10 trang thương mại điện tử có lượng truy cập cao nhất khu vực
Theo Báo cáo tổng kết thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 do iPrice Group, trong xếp hạng 10 trang thương mại điện tử có lượng truy cập cao nhất khu vực Đông Nam Á năm 2018, kết quả có đến 5 công ty hiện đang có mặt tại Việt Nam, lần lượt là Lazada, Shopee, Tiki, Thegioididong và Sendo.
Cụ thể, trong 5 công ty, nếu như Lazada và Shopee là các tập đoàn đa quốc gia nên việc nắm giữ hai vị trí dẫn đầu không gây nhiều ngạc nhiên thì sự xuất hiện của 3 đơn vị còn lại gồm Tiki, Thegioididong và Sendo là minh chứng rõ rệt cho quy mô của thương mại điện tử Việt Nam. Điều ngạc nhiên là 3 sàn thương mại điện tử trên dù chỉ họat động trong phạm vi thị trường Việt Nam nhưng vẫn đủ sức để nằm trong top 10 khu vực, thậm chí còn vượt trên cả tập đoàn JD của Trung Quốc hiện có mặt ở Indonesia và Thái Lan.
Lý giải về điều này, theo các chuyên gia thương mại, năm 2018 là thời điểm vàng của thương mại điện tử khi đa số người tiêu dùng đã trở nên quen thuộc với lĩnh vực mua sắm trực tuyến. Mua hàng online là một hình thức mua bán đã phổ biến từ lâu ở nước ngoài, ở Việt Nam thì mới được phổ biến trong vài năm trở lại đây, nhưng có thể dễ dàng nhận thấy độ phát triển của nó nhanh đến mức nào.
Trong vài năm gần đây, các sàn thương mại điện tử ra đời như một giải pháp hữu ích và thiết thực, tạo môi trường kinh doanh, buôn bán trực tuyến tiện lợi cho cả người mua và người bán.
Sàn thương mại điện tử đóng vai trò như một chiếc cầu nối liên kết hàng ngàn shop bán hàng, công ty, doanh nghiệp và nguồn khách hàng đa dạng, rộng rãi, thường xuyên truy cập các trang thương mại điện tử để tìm mua các sản phẩm.
Trên phương diện người dùng, khách hàng có nhu cầu mua các sản phẩm, họ hoàn toàn nhận được rất nhiều lợi ích từ các sàn thương mại điện tử này như giá cả hợp lí, giao hàng nhanh, uy tín, có thể đổi trả hàng theo chính sách, sử dụng giảm giá khuyến mãi… và đặc biệt là có thể tìm thấy các sản phẩm mình cần dễ dàng, tiện lợi.
Dự kiến, đến năm 2020 tại Việt Nam sẽ có khoảng 30% dân số tham gia mua sắm online, đạt 350 USD/người và thương mại điện tử trên nền tảng di động và thương mại điện tử định vị sẽ tiếp tục là xu thế chủ đạo trên thế giới, chiếm 25% tổng mức bán lẻ toàn cầu.