Kỳ vọng tăng xuất khẩu thủy sản sang EU nhờ EVFTA
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường EU được kỳ vọng sẽ tăng cao sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết và có hiệu lực.
Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đến nửa đầu tháng 5, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường EU đạt 105,2 triệu USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang 4 thị trường đơn lẻ lớn nhất là Hà Lan tăng 12,2%; Anh tăng 59,4%; Đức tăng 61,6% và Bỉ tăng 63,8% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, bắt đầu từ đầu năm 2019, xuất khẩu cá tra sang EU đã có dấu hiệu tăng trưởng rõ nét sau một thời gian giảm sút triền miên.
Theo VASEP, hơn 10 năm qua, EU vẫn là thị trường truyền thống và lớn nhất của các doanh nghiệp cá tra Việt Nam. So với những năm 2008-2009, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU giảm. Tuy nhiên, đây vẫn được coi là thị trường trọng tâm và không thể đánh mất của các doanh nghiệp cá tra.
2 năm trở lại đây, giá trị xuất khẩu cá tra sang EU tăng trưởng lạc quan trở lại do nhu cầu nhập khẩu tại nhiều thị trường tăng, giá cá tra nhập khẩu trung bình cũng tăng từ 2-2,6 USD/kg năm 2016-2017 lên 2,8 - 3,5 USD/kg vào năm 2018 và 3 tháng đầu năm nay, giá cá tra nhập khẩu trung bình của EU đạt 2,93 - 3,55 USD/kg. Hơn nữa, xuất khẩu cá tra, basa sang Trung và Đông Âu dự báo tăng trong thời gian tới.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được thông qua và ký kết sắp tới dự kiến sẽ mang lại nhiều cơ hội cho xuất khẩu cá tra sang EU. Bởi 2 sản phẩm chủ lực là: cá tra phile tươi, ướp lạnh (HS 030432) thuế sẽ giảm từ 9% xuống 0% sau 3 năm; cá tra phile đông lạnh (HS 030462) sẽ giảm từ 5,5% xuống còn 0% sau 3 năm EVFTA có hiệu lực. Sản phẩm cá tra đông lạnh (HS 030324) được xóa bỏ thuế trong vòng 3 năm từ mức 8% như hiện nay.
Đối với tôm, theo số liệu của Hải quan Việt Nam, 4 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU đạt gần 184 triệu USD. EU vẫn là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 21,7% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam đi các thị trường.
EU chủ yếu nhập khẩu tôm nguyên liệu đông lạnh và tôm chế biến từ Việt Nam. Theo cam kết, ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu tôm nguyên liệu mã HS 03061100 vào EU sẽ về 0% từ mức hiện tại là 12,5%; thuế sản phẩm tôm mã HS 03061710 về 0% từ 20% hiện tại. Tôm mã HS 03061791, 03061792, 03061793, 03061799 sẽ giảm thuế về 0% từ 12% hiện tại. Tôm mã HS 03061794 sẽ giảm về 0% từ 18% hiện tại sau 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực…
Trên thị trường EU, Việt Nam phải cạnh tranh chủ yếu với Ấn Độ và Ecuador. Trong khi Ấn Độ có xu hướng giảm xuất khẩu tôm cho EU do vấn đề chất lượng. Ecuador cũng có xu hướng tăng cường xuất khẩu tôm thị trường này sau khi FTA giữa Ecuador và EU có hiệu lực. EVFTA dự kiến có hiệu lực trong năm nay, cộng với những lợi thế về thuế quan mà các đối thủ cạnh tranh là Ấn Độ và Thái Lan không có, EU được coi là thị trường trọng điểm của xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm 2019.