Kỳ vọng thị trường trái phiếu “chia lửa” tài trợ vốn cho nền kinh tế
Tại Việt Nam, tỷ lệ tín dụng trên GDP ở mức cao, hiện khoảng 130% GDP, có thể gây rủi ro cho nền kinh tế cũng như hệ thống ngân hàng. Thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển sẽ góp phần giải tỏa rủi ro này.
Rủi ro huy động vốn ngắn hạn cho vay dài hạn
Doanh nghiệp cũng như nền kinh tế quá phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng là câu chuyện cũ, đã được chỉ ra từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu thị trường tiền tệ, thị trường vốn nhằm dần khắc phục tình trạng này vẫn chưa mang lại nhiều kết quả. Điều này thể hiện qua tỷ lệ tín dụng/GDP vẫn cao.
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cuối năm 2018, tỷ lệ tín dụng/GDP vào khoảng 130%. Tỷ lệ này, theo một số tổ chức quốc tế, được coi là cao.
“Trong bối cảnh như vậy, thị trường vốn cần phát triển theo hướng đẩy mạnh phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, để chia lửa với hệ thống ngân hàng trong tài trợ vốn cho doanh nghiệp, nhất là nguồn vốn trung và dài hạn. Điều đó cần có giải pháp để phát triển cân đối thị trường tiền tệ và thị trường vốn”, ông Hà nói.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) nhìn nhận, hiện có khoảng 60% tín dụng của hệ thống ngân hàng là cho vay dài hạn, trong khi đa phần lượng vốn huy động được có kỳ hạn ngắn. Điều này gây rủi ro cho chính các ngân hàng và cả nền kinh tế.
Theo thông lệ quốc tế, vốn trung và dài hạn tài trợ cho hoạt động của doanh nghiệp chủ yếu dưới hình thức trái phiếu doanh nghiệp. Trong khi đó, tại Việt Nam, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp mới chỉ chiếm hơn 7% GDP. Do đó, Việt Nam cần có cơ chế và giải pháp hữu hiệu để dịch chuyển dần các khoản tín dụng dài hạn về đúng bản chất là trái phiếu doanh nghiệp, qua đó loại bỏ rủi ro cho hệ thống ngân hàng.
Thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Tín hiệu đáng mừng là chính sách mới đã định hình tại Nghị định số 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thay thế Nghị định số 90/2011/NĐ-CP từ ngày 1/2/2019, kỳ vọng thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển theo thông lệ quốc tế.
Chẳng hạn, Nghị định số 163/2018/NĐ-CP yêu cầu thiết lập chuyên trang thông tin tập trung về trái phiếu doanh nghiệp do Sở giao dịch chứng khoán quản lý, vận hành.
Đây là bước khởi đầu tích cực để thay đổi hiện trạng kém phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nhiều ý kiến kỳ vọng, mảng thị trường này có thể sẽ khởi sắc ngay trong năm 2019.
“Nhiều nội dung tại Nghị định số 163/2018/NĐ-CP đã tạo cơ sở pháp lý tốt hơn cho sự phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Điều này cộng với nhu cầu huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu tăng, nhiều khả năng thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2019 sẽ tốt hơn năm 2018”, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) nói.
Cũng với kỳ vọng tương tự, ông Nguyễn Thành Long thậm chí nhìn nhận thị trường trái phiếu doanh nghiệp nếu được thúc đẩy phát triển thì không chỉ tạo ra dư địa phát triển mới cho thị trường vốn, thị trường chứng khoán trong năm 2019, mà cả giai đoạn tới, trong bối cảnh tiềm năng phát triển mảng thị trường này còn rất lớn.
Chờ văn bản hướng dẫn
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong những năm qua khó phát triển, theo góc nhìn của các chuyên gia, có yếu tố từ sự vướng mắc của các quy định không còn phù hợp với thị trường tại Nghị định 90/2011/NĐ-CP. Từ ngày 01/02/2019 tới, những vướng mắc này sẽ được Nghị định số 163/2018/NĐ-CP tháo gỡ, nhưng để những giải pháp gỡ khó cho thị trường trái phiếu đi vào cuộc sống, Bộ Tài chính, UBCK, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan cần sớm có văn bản hướng dẫn, đặc biệt là các nội dung về phương thức phát hành, cơ chế giao dịch, công khai thông tin.
Để tạo thuận lợi cho các ngân hàng gọi vốn qua kênh trái phiếu theo các quy định mới, ông Phạm Thanh Hà cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành các bước xây dựng văn ban hướng dẫn cho các ngân hàng phát hành trái phiếu. Với các doanh nghiệp khác, cần sự vào cuộc của Bộ Tài chính, UBCK…
Nhiều doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, đang trông đợi Bộ Tài chính sớm ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định 163/2018/NĐ-CP, để có hiệu lực cùng thời điểm với văn bản này.
Tại cuộc họp tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tài chính, Bộ Tài chính vừa qua, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải lưu ý đơn vị tập trung trong năm 2019 là đẩy mạnh phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tạo kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp nhằm huy động các nguồn lực trong dân, xã hội… Hiện tại, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam có quy mô hơn 7% GDP, chưa được tổ chức, quản lý chính thức.