10 dấu ấn của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2018
Năm 2018 diễn ra hoàn toàn trái ngược với mọi dự đoán ban đầu của nhà đầu tư. Từ không khí IPO sôi sục của quý 1, các thương vụ bán vốn tỷ USD, VN-Index tạo đỉnh 1.200 điểm vào tháng 4, cho đến những phiên giảm 5% do ảnh hưởng từ thị trường quốc tế.
Cùng NDH điểm lại 10 điểm nhấn của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2018.
1. VN-Index lập đỉnh mọi thời đại 1.200 điểm: Sau ánh hào quang là vực sâu
Phiên 9/4/2018 Vn-Index chạm đỉnh 1.204,3 điểm, thị trường cực kỳ hưng phấn. Nhóm cổ phiếu ngân hàng bùng nổ đã kéo Vn-Index tăng 22,4% chỉ trong vòng hơn 4 tháng. Tiền đổ ùn ùn vào Việt Nam, thậm chí, lãnh đạo một công ty quản lý qũy thời điểm đó còn lo ngại thị trường tăng mạnh thế này mà tiền cứ chảy về, các nhà quản lý quỹ không biết giải ngân như thế nào!
Tuy nhiên, 3 lần tăng lãi suất của FED cùng hành động leo thang của Mỹ trong cuộc chiến thương mại Mỹ Trung đã ảnh hưởng mạnh đến dòng vốn vào thị trường chứng khoán toàn cầu. Bắt đầu từ Trung Quốc, sau đó đến Mỹ giảm điểm mạnh đã ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng liên tục khiến thị trường biến động với biên độ lớn. Thống kê cho thấy có 7 phiên trong năm TTCK Việt Nam giảm hơn 3% trong đó có phiên giảm hơn 5%. Mức thấp nhất thiết lập trong năm là 880,85 điểm ngày 30/10.
Tại thời điểm phiên 19/12, Vn-Index giảm hơn 6,6% từ đầu năm. Từ vị trí thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất thế giới, Việt Nam có thời điểm trở thành thị trường giảm mạnh nhất thế giới.
Không chỉ về mặt điểm số, thanh khoản thị trường còn sụt giảm rất mạnh cho thấy dòng tiền đã đứng ngoài thị trường để ‘trú bão’.
2. Sập hệ thống HoSE
Vào ngày 22/01/2018, lúc 14 giờ 31 phút trong đợt khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa (ATC) trên sàn HoSE đã xảy ra sự cố kỹ thuật đối với hệ thống giao dịch. Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HoSE) đã thực hiện tạm ngừng giao dịch từ đợt giao dịch khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa ngày 22/1/2018. HoSE đã không thể khắc phục sự cố của phiên 22/1 và buộc phải ngừng giao dịch trong hai phiên 23 và 24/1. Giao dịch được nối lại ngày 25/1. Đây là thời điểm thị trường đang sốt nóng nên việc tạm ngưng giao dịch nhiều nhà đầu tư bức xúc.
Nguyên nhân của sự cố ngày 22/1 đối với hệ thống giao dịch của HOSE được xác định là từ phần mềm khớp lệnh.
Khoảng 10 năm trước, vào tháng 5/2008, HoSE cũng từng một lần bị dừng giao dịch trong 3 ngày.
3. Vinhomes lên sàn, thị trường có phiên giao dịch tỷ USD
Năm 2018, thị trường chứng khoán đón nhận hàng loạt cổ phiếu lớn niêm yết và giao dịch, làm thay đổi cục diện của Top10 vốn hóa các doanh nghiệp lớn nhất thị trường. Các cổ phiếu này có thể kể đến VHM của CTCP Vinhomes (HoSE), VGI của Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (UPCoM), TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (HoSE), HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HoSE) và TPB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (HoSE).
Các cổ phiếu lớn lên sàn đã giúp vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam liên tiếp phá vỡ kỷ lục, tương đương 60,8% GDP (không bao gồm thị trường trái phiếu), hoàn thành sớm chỉ tiêu Chính phủ đặt ra vào năm 2020.
Trong số các "tân binh" của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2018 đáng chú ý nhất là VHM. Nhờ CTCP Chứng khoán SSI tư vấn, VHM lên sàn tạo ra phiên giao dịch tỷ USD đầu tiên của TTCK Việt Nam với giá trị giao dịch lên tới hơn 28.500 tỷ đồng tính riêng VHM và gần 34.900 tỷ toàn thị trường trong phiên 18/5. VHM hiện là cổ phiếu vốn hóa lớn thứ hai toàn thị trường và chỉ sau công ty mẹ Vingroup. Cùng với VRE, bộ ba cổ phiếu thuộc Vingroup có thời điểm chiếm đến 23% tổng vốn hóa sàn HoSE và có tác động rất lớn đến biến động của VN-Index.
4. Chứng khoán phái sinh bùng nổ: Số tài khoản mở mới gấp 3 so với đầu năm
Thị trường chứng khoán phái sinh ra đời vào tháng 9/2017 nhưng phải đến giữa năm 2018 thị trường này mới bùng nổ cả về số lượng tài khoản mở mới và quy mô giao dịch. Khối lượng vị thế mở OI (mua và nắm giữ qua phiên sau) tăng liên tục kể từ tháng 4 và đạt 22.000 hợp đồng vào tháng 12/2018 cho thấy sức hấp dẫn và sự quan tâm của nhà đầu tư đối với TTCKPS ngày càng tăng lên.
Tại thời điểm cuối tháng 11, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh đạt 54.773 tài khoản, gấp 3,2 lần so với thời điểm cuối năm 2017. Có thời điểm thanh khoản trên thị trường phái sinh đạt hơn 14.000 tỷ đồng quy mô giao dịch (tương đương mức giao dịch thật một phiên hơn 1.400 tỷ đồng). Các diễn biến trên thị trường phái sinh đã tác động đáng kể đến thị trường cơ sở.
5. Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) công bố dự thảo Luật chứng khoán (sửa đổi) dự kiến trình Chính phủ và Quốc hội vào năm 2019. Dự thảo bao gồm 10 chương và 137 điều. Trong đó, một số nội dung sửa đổi mang tính chất ảnh hưởng sâu rộng đến thị trường như nâng tiêu chuẩn công ty đại chúng (30 tỷ vốn điều lệ), mở rộng khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nới room nhà đầu tư nước ngoài lên 100% và điều chỉnh thế nào là công ty trong nước công ty nước ngoài...Dự thảo Luật cũng quy định về việc giảm vốn điều lệ khi mua cổ phiếu quỹ, nới quy định trong hoạt động của công ty chứng khoán hay trao quyền nhiều hơn cho UBCK.
Dự thảo Luật chứng khoán sửa đổi dự kiến sau khi ra đời sẽ tạo cú hích cho thị trường,hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý cho sự phát triển của TTCK, đáp ứng yêu cầu hội nhập; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với TTCK, bảo đảm TTCK là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế; góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, sự an toàn của hệ thống tài chính, thị trường vốn mà trọng tâm là TTCK. Đồng thời, bảo đảm hiệu quả đầu tư và niềm tin của các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và hoạt động trên TTCK, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
6. Bán vốn Vinaconex gây bất ngờ
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, trong 11 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp đã thoái được 5.067 tỷ đồng, thu về 10.499 tỷ đồng, trong đó: Thoái vốn nhà nước tại 17 đơn vị với giá trị 1.308 tỷ đồng, thu về 2.511 tỷ đồng, trong đó chỉ có 02 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2018, còn lại 16 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2017.
Theo kế hoạch năm 2018, có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn. Như vậy, công tác thoái vốn năm 2018 mới chỉ thực hiện được 1,1%.
Mặc dù vậy vẫn có nhiều điểm sáng thoái vốn trong năm 2018, điển hình là thương vụ đấu giá cổ phần Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (HNX:VCG, Vinaconex) của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Theo đó, SCIC đã đấu giá thành công 255 triệu CP VCG của SCIC, tương đương 57,71% vốn, với mức giá trúng là giá 28.900 đồng/CP, cao hơn so với giá khởi điểm 35,6% và cao hơn giá thị trường hôm đó hơn 10.000 đồng/CP (tương đương 56,2%). Giá trị cổ phần trúng giá đạt 7.366 tỷ đồng, vượt kỳ vọng ban đầu 1.936 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Viettel cũng bán thành công trọn lô 94 triệu CP VCG, tương đương 21,28% vốn với giá trúng xấp xỉ giá khởi điểm 21.300 đồng/CP.
7. IPO BSR, POW, OIL thành công rực rỡ, lên sàn giá cổ phiếu đi xuống
Ba thương vụ IPO của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Công ty mẹ - Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW) và Tổng Công ty Dầu Việt Nam – Công ty TNHH Một thành viên (OIL) đã diễn ra thành công rực rỡ. Trong đó, phiên IPO của BSR để lại nhiều ấn tượng nhất cho nhà đầu tư. Toàn bộ 241,55 triệu cổ phần BSR (tương đương 7,79% vốn) đã bán thành công với giá trung bình là 23.043 đồng (cao hơn 57% giá khởi điểm). Nhà nước thu về hơn 5.566 tỷ đồng từ đợt IPO này, trong đó 60% từ đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, IPO PV Power thu về gần 7.000 tỷ (cao hơn 4% giá khởi điểm) và IPO PV Oil thu về 4.177 tỷ, giá trúng bình quân 20.196 đồng, cao hơn 50,7% giá khởi điểm.
Ngay sau khi tiến hành IPO ca ba doanh nghiệp trên đều đưa cổ phiếu lên giao dịch ở sàn UPCoM. Tuy nhiên, trái với những kỳ vọng, giá cổ phiếu của cả ba doanh nghiệp này đều lao dốc do những diễn biến xấu của thị trường chung.
Theo kế hoạch cổ phần hóa, năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp, bao gồm 21 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2017 và 64 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2018.Tính đến tháng 11/2018 mới cổ phần hóa được 12 doanh nghiệp, thực hiện 14,11% kế hoạch đề ra.
8. FTSE đưa Việt Nam vào danh sách xem xét nâng hạng
Vào tháng 9/2018, trong báo cáo thường niên của FTSE Russell, Việt Nam cùng Argentina đã chính thức có tên trong danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi loại 2 (Secondary Emerging). Tính đến thời điểm đó, có ba ứng viên được FTSE theo dõi xem xét nâng hạng lên Secondary Emerging là Việt Nam, Argentina và Romania (đã được đưa vào danh sách theo dõi từ tháng 9/2016).
Theo quy định của FTSE, các quốc gia sẽ phải nằm trong danh sách theo dõi ít nhất 1 năm trước khi được nâng hạng thực sự. Đối với trường hợp của Việt Nam, để được nâng hạng chính thức vào nhóm thị trường mới nổi loại 2, thị trường cần thỏa mãn 9/9 điều kiện tiên quyết.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì Việt Nam có nhiều cơ hội được nâng hạng theo tiêu chí của FTSE.
9. Sàn HNX thêm 15 phút giao dịch sau giờ
Ngày 12/10, Tổng Giám đốc Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã ký quyết định ban hành quy chế giao dịch chứng khoán niêm yết của HNX, có hiệu lực từ ngày 5/11/2018.
Theo đó, ngoài phiên khớp lệnh liên tục và phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa như hiện nay, HNX bổ sung phiên giao dịch sau giờ, thời gian từ 14h45-15h00 nhằm giúp gia tăng tính thanh khoản cho thị trường, đồng thời gia tăng cơ hội giao dịch cho nhà đầu tư tại thời điểm cuối ngày giao dịch.
10. Khối ngoại mua ròng 43.900 tỷ năm 2018
Du thị trường sụt giảm rất mạnh kể từ đầu thánh 4/2018 nhưng tính chung dòng vốn ngoại vẫn chảy vào thị trường chứng khoán.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng năm đầu 2018, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam là 16,5 tỷ USD, vốn gián tiếp đạt khoảng 7,6 tỷ USD. Ngoài ra, thông qua cổ phần hóa, thoái vốn trong hai năm trở lại đây, ngân sách nhà nước cũng đã thu về 10 tỷ USD, trong đó nhà đầu tư nước ngoài là đối tượng mua phần lớn lượng cổ phần của những đợt thoái vốn quy mô lớn như Vinamilk và Sabeco…
Còn nếu chỉ tiếng riêng trên thị trường chứng khoán và tính đến hết ngày giao dịch 18/12, khối ngoại trên cả ba sàn giao dịch HoSE, HNX và UPCoM vẫn mua ròng 452 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng lên đến 43.910,7 tỷ đồng.