Kỳ vọng từ thương vụ M&A lịch sử giữa Vietnam Airlines và ANA
Việc ANA Holdings Inc (Nhật Bản) trở thành cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines sẽ giúp hai hãng hàng không tận dụng thế mạnh của nhau nhằm mở rộng mạng đường bay và phát triển sản phẩm.
Cú bắt tay lịch sử
Đúng 5 ngày sau khi nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của các cổ đông tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2016, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) và Tập đoàn hàng không lớn nhất Nhật Bản ANA Holdings đã chính thức ký hợp đồng và sau đó trao văn kiện hợp tác chiến lược.
Theo Hợp đồng, Tập đoàn ANA mua 8,771% cổ phần của Vietnam Airlines, với giá trị 2.431 tỷ đồng (tương đương 109 triệu USD).
“Dự kiến sau khi hoàn tất các giao dịch vào ngày 1/7/2016, ANA sẽ chính thức trở thành cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines”, ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết.
Như vậy, Vietnam Airlines sẽ là một trong số ítdoanh nghiệpnhà nước có nhàđầu tưchiến lược là một tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản, với số lượng cổ phần được mua vượt quá 100 triệu USD. Đối với ANAHoldings, mặc dù đã từng đầu tư vào một số hãng hàng không trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng thương vụ với Vietnam Airlines vẫn là khoản đầu tư lớn nhất ra bên ngoài của tập đoàn này trong suốt lịch sử hoạt động.
Cần phải nói thêm rằng, hợp đồng mua cổ phần đã khép lại hành trình tìm kiếm cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines kéo dài đúng 20 tháng, với khởi đầu là việc gửi Bản công bố thông tin ngắn (Teaser) và Thỏa thuận bảo mật thông tin (NDA) tới 19 nhà đầu tư, gồm 14 hãng hàng không và 5 tổ chứctài chínhquốc tế hồi cuối tháng 9/2014.
“Hợp đồng SSA này cũng đánh dấu việc Vietnam Airlines chính thức hoàn tất toàn bộ công tác cổ phần hóa, được đánh giá là nhanh vượt dự kiến, bất chấp việc đây là trường hợp chuyển đổi mô hình sở hữu chưa từng có tiền lệ”, ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Giao thông - Vận tải) đánh giá.
Trước đó, Bộ GTVT đã chấp thuận để Vietnam Airlines thực hiện phát hành thêm 107.668.938 cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là ANA để tăng vốn điều lệ theo hình thức chào bán cổ phần riêng lẻ của công ty cổ phần đại chúng theo quy định Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán.
Đổi lại, ANA Holdings phải duy trì ngưỡng giới hạn (threshold) cao hơn 4% vốn điều lệ để thực hiện các quyền gồm việc có 1 thành viên trong HĐQT; quyền yêu cầu Vietnam Airlines phải thông báo và có ý kiến chấp thuận bằng văn bản đối với các vấn đề trọng yếu trước khi thông qua tại HĐQT và Đại hội đồng cổ đông; quyền ưu tiên mua trước trong trường hợp hãng phát hành thêm chứng khoán vốn…
Theo ông Phạm Ngọc Minh, quá trình tìm kiếm đối tác và tăng nguồn vốn cho doanh nghiệp là một phần quan trọng trong nỗ lực của Vietnam Airlines nhằmtái cơ cấuvà nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Mối quan hệ tương hỗ
Đối với ANA, việc trở thành cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines cần được nhìn nhận theo hướng dài hạn, ngay cả khi lợi ích ngắn hạn có thể mang lại cho đối tác đến từ Nhật Bản là khá tốt. Vietnam Airlines là hãng hàng không truyền thống duy nhất của Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng về hành khách lên tới 20%. Ngay trong quý I/2016, tổng doanh thu của Vietnam Airlines đạt 19.000 tỷ đồng, đạt 26,4% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt hơn 1.071 tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ.
Ông Shinya Katanozaka, Tổng giám đốc Tập đoàn ANA cho biết, châu Á là thị trường trọng điểm của ANA trong chiến lược mở rộng quy mô hoạt động quốc tế và Vietnam Airlines là đối tác lý tưởng, bởi hai hãng có những tương đồng về trình độ phát triển ở mức cao, cách thức tiếp cận khách hàng và hoạt động hiệu quả.
Hiện mạng đường bay của Vietnam Airlines được kết nối tới 20 điểm nội địa, 29 điểm đến quốc tế, với tần suất khai thác cao và tập trung quy hoạch nối chuyến qua sân bay cửa ngõ tại TP.HCM và Hà Nội, tham gia khai thác các luồng khách lớn trong khu vực, cạnh tranh trực tiếp với các trung tâm trung chuyển lớn như Hongkong, Bangkok, Singapore, Kuala Lumpur, khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Bên cạnh đó, hãng đang khai thác 66 chuyến bay mỗi tuần đến Nhật Bản, trong khi ANA chưa hợp tác với hãng hàng không nào có đường bay tương tự.
“Mạng đường bay này sẽ phát huy lợi thế vốn có và phù hợp với mong muốn của một hãng hàng không lớn bậc nhất Nhật Bản”, một chuyên gia nói.
Trong khi đó, theo đánh giá của Vietnam Airlines, ANA là hãng hàng không hàng đầu Nhật Bản, khi trở thành cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines sẽ mở ra cơ hội hợp tác hỗ trợ và chuyển giao kinh nghiệm quản trị của một trong những hãng hàng không đứng đầu thế giới cho Vietnam Airlines.
Theo kế hoạch, trước mắt, Vietnam Airlines và ANA sẽ hợp tác liên danh trên 30 đường bay nội địa chính của mỗi nước và trên 10 đường bay quốc tế giữa Việt Nam và Nhật Bản. Khách hàng di chuyển của một trong hai hãng có thể sử dụng dặm bay để lấy thưởng như là hội viên câu lạc bộ của nhau. Ít nhất 26 triệu khách hàng thường xuyên của ANA và 0,85 triệu khách hàng thường xuyên của Vietnam Airlines được hưởng lợi từ sự hợp tác này.
Với 11,2% vốn điều lệ còn dư nằm trong room 20% cổ phần dự kiến bán cho các nhà đầu tư chiến lược, ông Phạm Ngọc Minh cho biết, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục bán chiến lược để giảm tỷ lệ nắm giữ của cổ đông Nhà nước còn 75%, hướng tới giảm tiếp xuống 65% vốn điều lệ như phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt.
“Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi không phải chỉ huy động về nguồn lực tài chính, mà là mở rộng quy mô với sự tham gia của các nhà đầu tư, để Vietnam Airlines thực sự trở thành công ty cổ phần mang tầm vóc quốc tế”, ông Minh khẳng định.