Kỳ vọng vào thị trường đầu tư gần 15 tỷ USD

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Không rầm rộ quảng bá về hoạt động đầu tư như các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm đang lặng lẽ thực hiện vai trò là kênh cấp vốn quan trọng cho nền kinh tế, với tổng giá trị đầu tư năm 2014 ước đạt trên 131.000 tỷ đồng.

Tại Hội nghị Hội đồng bảo hiểm ASEAN lần thứ 39 (2013), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá cao vai trò của ngành bảo hiểm đối với phát triển kinh tế-xã hội. Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn
Tại Hội nghị Hội đồng bảo hiểm ASEAN lần thứ 39 (2013), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá cao vai trò của ngành bảo hiểm đối với phát triển kinh tế-xã hội. Nguồn: tinnhanhchungkhoan.vn

Kênh dẫn vốn vào nền kinh tế

Giá trị đầu tư của ngành bảo hiểm, có thể hiểu một cách nôm na, là số dư của tổng doanh thu phí bảo hiểm sau khi trừ đi các chi phí của doanh nghiệp bảo hiểm (chi phí bồi thường/chi trả bảo hiểm, dự phòng bồi thường và các chi phí khác).

Theo thống kê sơ bộ của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2014 ước đạt 131.371 tỷ đồng, tăng 15,6% so với năm 2013. Như vậy, ngành bảo hiểm về đích khá sớm so với kế hoạch đề ra tại Chiến lược phát triển ngành bảo hiểm giai đoạn 2010-2020. Theo đó, đến năm 2015, tổng giá trị đầu tư vào nền kinh tế đạt 120.750 tỷ đồng. 

Nhìn lại năm 2013, dù nền kinh tế khó khăn, tỷ trọng đầu tư toàn xã hội/GDP giảm, khiến doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường tăng chậm lại, nhưng tổng giá trị đầu tư của toàn ngành vẫn tăng 17,5% so với năm 2012, đạt 105.000 tỷ đồng.

Khoan bàn đến tỷ suất sinh lời của các khoản đầu tư, thì con số 105.000 tỷ đồng tổng giá trị đầu tư trở lại nền kinh tế của toàn ngành bảo hiểm trong năm 2013 hay 131.371 tỷ đồng trong năm 2014 cho thấy nỗ lực rất lớn của ngành bảo hiểm trong hoạt động kinh doanh cũng như ý nghĩa của kênh dẫn vốn này trong việc tạo động lực phát triển cho nền kinh tế.

Khối bảo hiểm nhân thọ chiếm ưu thế nhất trong ngành, cả về giá trị đầu tư lẫn tốc độ tăng trưởng về giá trị đầu tư của ngành. Cụ thể, đến cuối năm nay, tổng giá trị đầu tư của các DN bảo hiểm nhân thọ đạt 102.968 tỷ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ 2013; khối bảo hiểm phi nhân thọ đầu tư 28.403 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Năm 2013, tổng giá trị đầu tư của khối này đạt 81.000 tỷ đồng, tăng 24,1% so với năm 2012. Khối phi nhân thọ đóng góp 24.200 tỷ đồng, tăng trưởng 14%.

Kỳ vọng vào thị trường đầu tư gần 15 tỷ USD - Ảnh 1

Nguồn vốn quan trọng cho đầu tư công

Xét về cơ cấu phân bổ vốn đầu tư, nếu như khối bảo hiểm phi nhân thọ chủ yếu gửi vốn vào các tổ chức tín dụng thì khối bảo hiểm nhân thọ đang chủ yếu đầu tư vào kênh trái phiếu chính phủ. Thống kê của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, trong năm 2013, tỷ trọng vốn đầu tư vào kênh trái phiếu chính phủ của khối bảo hiểm nhân thọ chiếm tới 62% tổng giá trị đầu tư, tiền gửi chiếm 16%. Trong khi đó, tại khối phi nhân thọ, tiền gửi tiết kiệm chiếm tỷ trọng gần 70% danh mục đầu tư.

“Khối bảo hiểm nhân thọ có tiền nhàn rỗi dài hạn nhiều, nên thường chọn đầu tư vào kênh trái phiếu chính phủ, có độ an toàn cao và cho lãi suất cao hơn so với lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng”, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) nói và cho biết thêm, tại nhiều hội nghị bảo hiểm quốc tế, đại diện Bộ Tài chính đã gửi lời cảm ơn đến các doanh nghiệp bảo hiểm, chủ nhân của lượng lớn trái phiếu chính phủ.

Với tỷ trọng đầu tư vào kênh trái phiếu chính phủ như thống kê của Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, tính ra, tổng giá trị đầu tư vào kênh trái phiếu chính phủ toàn ngành bảo hiểm đến cuối năm 2013 lên tới trên 60.000 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn quan trọng cho đầu tư công, trong bối cảnh nhu cầu đầu tư công ngày một tăng, mà nguồn thu ngân sách lại đang bị co hẹp.

Theo nhận định của một chuyên gia tài chính, lãi suất tiết kiệm đã giảm mạnh so với trước, nền kinh tế đang có tín hiệu khởi sắc hơn, kênh tiết kiệm sẽ kém dần sức hấp dẫn, một bộ phận dòng tiền tiết kiệm sẽ chuyển sang lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, những kênh đầu tư có thể cho tỷ suất sinh lời cao hơn. Mặt khác, nhu cầu vay vốn từ cá nhân, doanh nghiệp  sẽ tăng lên, trái phiếu chính phủ sẽ không còn là “cứu cánh” cho các ngân hàng trong việc giải bài toán ứ vốn như vài năm trở lại đây. Khi đó, vai trò của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc tạo nguồn vốn cho đầu tư công càng được khẳng định, nhờ sự tăng trưởng ổn định và đặc thù hoạt động của khối này. 

Cùng với vai trò dẫn vốn, bảo hiểm còn là tấm lá chắn rủi ro cho nền kinh tế, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn người, tăng thu ngân sách, góp phần tích cực trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại Hội nghị các nhà quản lý bảo hiểm ASEAN lần thứ 16 và Hội nghị Hội đồng bảo hiểm ASEAN lần thứ 39 tổ chức tại Đà Nẵng 1 năm trước đã đánh giá: “Cùng với nhu cầu bảo hiểm ngày một tăng cộng với sự hợp tác chặt chẽ về bảo hiểm trong nội khối sẽ là cơ hội để thị trường bảo hiểm phát triển, góp phần tích cực trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội mỗi nước, trong đó có Việt Nam”.

Đích đến 15 tỷ USD vào năm 2020

Nền kinh tế đang ấm dần lên, với mức tăng trưởng GDP ước vượt con số 5,8%, khả quan hơn so với nhiều dự báo của các chuyên gia, tổ chức kinh tế đưa ra hồi đầu năm nay. Cùng với đó là nỗ lực của các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới và nhận thức của xã hội về bảo hiểm được nâng lên, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm có sự khởi sắc hơn. Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường năm 2014 ước đạt 52.680 tỷ đồng, tăng 14,2% so với năm 2013. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 25.250 tỷ đồng, tăng 10,5%; doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 27.430 tỷ đồng, tăng 17,9%, theo số liệu từ Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính.

Nhận định về triển vọng của thị trường bảo hiểm trong những năm tới, Tổng thư ký AVI Phùng Đắc Lộc cho rằng, ngoài sản phẩm bảo hiểm tự nguyện, nhiều sản phẩm mang tính bắt buộc như bảo hiểm phòng chống thiên tai, bảo hiểm xây dựng... được triển khai sẽ làm tăng dung lượng thị trường, tăng nhu cầu được bảo hiểm. Người dân cũng ngày càng có ý thức về ý nghĩa của bảo hiểm khám chữa bệnh và đây sẽ là cơ hội mở rộng thị trường cho các DN trong ngành.

Nhìn vào mức tăng trưởng của tổng doanh thu phí bảo hiểm qua hàng năm, đặc biệt là tăng trưởng của đầu tư vào nền kinh tế, theo nhận định của các chuyên gia, con số tổng giá trị đầu tư gần 282.000 tỷ đồng, tương đương gần 15 tỷ USD đến năm 2020, mà Chiến lược phát triển ngành bảo hiểm 2010 - 2020 đặt ra là hoàn toàn có cơ sở.