Kỳ vọng vụ mùa cuối năm
Những năm qua, phong trào trồng hoa kiểng, dưa hấu vụ Tết được nhiều hộ duy trì, nguồn thu ngắn ngày nhưng cho huê lợi khá. Tháng Chạp đếm ngược, từ những hạt mầm, thành cây, đơm hoa, kết trái, mang theo nhiều kỳ vọng, mong được mùa, trúng giá.
Nguồn thu thời vụ hấp dẫn
Lý Văn Lâm là xã vùng ven TP. Cà Mau, có truyền thống trồng hoa Tết nhiều năm qua. Ðể chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Quý Mão, toàn xã trồng 4 ha hoa vạn thọ, với 16 hộ tham gia, tập trung nhiều ở các ấp: Ông Muộn, Bà Ðiều, Tân Hưng, Bàu Sơn. Cùng với vạn thọ còn có hoa cúc, hướng dương... tô điểm cho ngày xuân thêm rực rỡ.
Có kinh nghiệm trồng vạn thọ hơn 5 năm qua, khác với những hộ chỉ trồng thời vụ, gia đình chị Lê Như Huỳnh (ấp Ông Muộn) xem đây là nghề chính, trồng quanh năm. Tết năm nay, gia đình xuống giống 1,5 công và hơn 1.000 chậu vạn thọ.
Chị Huỳnh chia sẻ: “Gia đình đầu tư khoảng 20 triệu đồng, bao gồm tiền giống, phân, thuốc và thuê đất. Hiện nay, giá phân, thuốc, giống... đều tăng nhưng tôi vẫn giữ giá bán như trước, chậu nhỏ 25.000 đồng, lớn 35.000 đồng. Với mức giá trên, sau khi trừ hết chi phí, ước tính thu lợi từ 30 đến 40 triệu đồng từ vụ hoa Tết”.
Vụ hoa Tết thường kéo dài 60 ngày, để hoa nở đúng dịp Tết, người trồng ngoài canh thời gian gieo hạt còn phải đảm bảo lựa nguồn giống chất lượng rõ ràng, cách tuần duy trì bón phân NPK, giai đoạn cây ra nụ phải theo dõi sát sao, tránh sâu. Hoa vạn thọ ưa nước, nên mỗi ngày tưới hai cữ sáng, chiều. Dự kiến hoa sẽ được thu hoạch, bán lẻ vào tuần cuối tháng Chạp âm lịch.
Cũng theo nhu cầu của thị trường, năm nay chị Huỳnh trồng thêm 200 chậu cúc bảy màu, 100 chậu cúc vàng, 50 chậu hướng dương và số nhiều giống vạn thọ bông mai có giá gấp đôi vạn thọ truyền thống.
Với gia đình chị Nguyễn Thị Thuý (ấp Ông Muộn), gắn bó với nghề trồng hoa vạn thọ đã 4 năm qua. Vẫn giữ nguyên diện tích dành riêng cho hoa vạn thọ, trồng như mọi năm là 0,5 công, chị Thuý tiết lộ: “Trồng hoa Tết tuy vất vả nhưng lại là việc thời vụ mang lại nguồn thu tương đối, giúp gia đình có thêm khoản thu cuối năm tích luỹ. Hiện tại, thời tiết khá thuận lợi, hy vọng đến cuối năm vẫn ổn định để không phải phát sinh chi phí nào thêm nữa, để người trồng hưởng được vụ hoa Tết trọn vẹn”.
Sau ảnh hưởng từ đợt dịch Covid-19 kéo dài, năm nay thị trường hoa Tết khởi động tương đối nhộn nhịp trở lại. Ða phần các hộ đều tăng số lượng, đa dạng chủng loại, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, thử sức trên nhiều giống hoa mới. Ghi nhận tích cực từ những năm trước, nhiều hộ bắt đầu tiếp cận và thành thạo hơn khi mở rộng thị trường tiêu thụ bằng cách đăng tải sản phẩm, địa chỉ trên các trang mạng xã hội, diễn đàn, hội, nhóm.
Theo đó, do nguồn thu từ hoa tương đối, lại ngắn ngày nên nhiều hộ dù không có diện tích đất trồng vẫn thuê đất để tham gia vào vụ hoa cuối năm.
Ông Mạc Ngọc Truyền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lý Văn Lâm, cho biết: “Hàng năm, trước khi khởi động vụ hoa Tết, Hội Nông dân tiến hành mời các hộ trong tổ sản xuất trồng hoa vạn thọ (thành lập năm 2018) cùng ngồi lại định hướng số lượng trồng, xem xét nhu cầu thị trường, giống hoa… Ðược sự đồng hành và hỗ trợ từ cán bộ chuyên môn, nông dân hết sức đồng tình. Ðặc biệt, hội còn phối hợp với Trạm Bảo vệ thực vật TP Cà Mau mỗi tuần xuống cơ sở để thăm và hướng dẫn, trao đổi một số biện pháp phòng trừ sâu bệnh, để không ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng vụ hoa Tết”.
Thời tiết tương đối phức tạp, lượng mưa nhiều, xuất hiện những cơn mưa trái mùa. Trên cơ sở đó, ngành chuyên môn khuyến cáo bà con thay vì trồng lan trên đất như mọi năm thì nên bố trí thêm màng phủ, hạn chế sâu bệnh; mặt khác, khi có mưa lớn vẫn có thể điều tiết lượng nước, tránh thiệt hại. Dự kiến, giá hoa Tết năm nay sẽ cao hơn mọi năm từ 5-10%. Theo lộ trình trên, người trồng hoa sẽ thu nguồn lợi khá cao, một héc-ta sẽ tăng từ 15-20 triệu đồng.
Chủ động tìm nguồn tiêu thụ dưa hấu
Ðối với vụ dưa hấu Tết, năm nay tại xã Lý Văn Lâm xuống giống gần 94,5 ha/142 hội viên nông dân tham gia, so với năm trước tăng 15 ha. Hiện tại, các giống dưa được trồng chủ yếu vẫn là: An Tiêm, dưa lai hột to, dưa Mỹ, Thành Long… Thông thường, vụ dưa Tết bắt đầu từ tháng 11 âm lịch, dự kiến từ 23-25 tháng Chạp sẽ đồng loạt thu hoạch.
Gắn bó với vụ dưa Tết đã 8 năm qua, không trồng đại trà, ruộng dưa của ông Thái Thành Năm, ấp Bà Ðiều, chuyên cung ứng dưa trưng Tết. Với hơn hai công đất, trồng từ 1.500-1.600 dây giống dưa hột lai to, dưa Mỹ. Không đất sản xuất, nên để tham gia vào vụ dưa Tết, ông Năm phải thuê đất với giá 2 triệu đồng/năm, tận dụng trồng một vụ lúa và một vụ dưa Tết.
Ông Năm tiết lộ: “Giống dưa trưng ưu điểm là trái to, nặng. Như vụ rồi tôi trồng trái to nhất nặng khoảng 8 kg, tuy nhiên, cây dễ mang mầm bệnh, phổ biến nhất là bã trầu, cháy lá, vàng lá, phải chăm sóc kỹ lưỡng, phòng trừ sâu bệnh”.
Kỳ vọng cho vụ dưa cuối năm, ông Năm cũng như người trồng dưa chỉ mong được mùa, trúng giá. Năm trước, với dưa trưng loại 1 giá 400 ngàn đồng/cặp vẫn không đủ bán. Không bán sỉ, gia đình chọn cách đăng ký bãi tại chợ hoa kiểng dưa Tết với chi phí 2,6 triệu đồng. Tuy vất vả nhưng bù lại lợi nhuận cao. Vụ năm rồi, sau khi trừ hết chi phí, ông Năm lời trên 60 triệu đồng.
Theo nhận định của hộ trồng dưa, đầu vụ mưa nhiều, người dân gặp khó khi phải xử lý và cải tạo đất. So với mọi năm, thay vì trồng và thu hoạch dàn trải, không tập trung vào vụ Tết thì vụ dưa năm nay hoàn toàn ngược lại, vì thế sản lượng dưa tăng cao.
Theo thống kê, diện tích trồng dưa của xã gần 95 ha (trong khi sức tiêu thụ tại TP. Cà Mau chỉ từ 40-50 ha), vì thế gây khó cho việc tìm đầu ra, khó nắm bắt, dự đoán tình hình.
“Trước diễn biến trên, với vai trò Hội Nông dân, chúng tôi tiếp tục hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc, theo dõi ruộng dưa. Bên cạnh đó còn chủ động liên lạc, kết nối sớm với những vùng tiêu thụ khác trong và ngoài tỉnh, sớm bao tiêu sản phẩm trước khi thu hoạch, tránh tình trạng bị động, sản phẩm khó tiêu thụ, hoặc mất giá. Dự kiến trong 10 ngày tới sẽ tiến hành liên kết nhằm định hướng giá cả, sản lượng, để hộ trồng ký hợp đồng giao dịch”, ông Truyền cho biết thêm.