Lạc quan giá vàng 6 tháng cuối năm
Theo chuyên gia, khả năng vàng đã xác lập đáy và từ nay đến cuối năm, giá vàng có thể quay về mốc 1.800-1.900 USD/oz khi nhu cầu thị trường tăng cao, cũng như căng thẳng địa chính trị leo thang.
Kênh trú ẩn an toàn
Thị trường vàng thế giới trong 6 tháng qua đã có sự sụt giảm mạnh sau khi đạt đỉnh ở mức 2.050 USD/oz vào đầu tháng 3. Theo đó, giá vàng liên tục chịu nhiều áp lực bởi sự bứt phá của đồng USD, được thúc đẩy bởi kỳ vọng tăng lãi suất và thắt chặt chính sách tiền tệ từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Chỉ số DXY đo lường sức mạnh đồng bạc xanh liên tục tìm kiếm đỉnh mới khi đã tăng lên mức 108,3 điểm - mức cao nhất trong hai thập kỷ qua.
Trong nước, giá vàng SJC sau khi đạt đỉnh 73 triệu đồng/lượng vào tháng 3, cũng có xu hướng đi ngang và dao động quanh mức 68 – 70 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao khoảng 17 triệu đồng/lượng, có thời điểm lên đến 19 triệu đồng. Giá vàng cao có thể tồn tại nhiều rủi ro khi Chính phủ có thể thay đổi chính sách nhằm kéo giá vàng miếng sát hơn so với thế giới. Vấn đề được quan tâm lúc này là thị trường vàng đến cuối năm sẽ ra sao và liệu chênh lệch có được thu hẹp.
Ông Nguyễn Thế Hưng, Phó Tổng giám đốc công ty Vàng Việt Nam nhận định, trong 6 tháng đầu năm vừa rồi, giá vàng thế giới đã sụt giảm khoảng 1%. Cùng thời gian đó, các tài sản khác như thị trường chứng khoán Mỹ gồm chỉ số S&P 500 giảm khoảng 20%, chỉ số Nasdaq giảm 30%, chỉ số Dow Jones giảm khoảng 15%. Thị trường chứng khoán trong nước cũng giảm tương tự khi VN-Index giảm khoảng 20%. Nếu nhìn chung cả thị trường thế giới, thì các tài sản đều giảm, cả tài sản tiền mã hóa cũng sụt giảm mạnh khi các biến động chính trị và dòng tiền được thu hẹp diễn ra, nhưng riêng vàng là giảm ít nhất.
“Từ đó để thấy, vàng là một kênh trú ẩn an toàn, hiệu quả trong giai đoạn vừa qua. Khi thị trường chứng khoán giảm điểm, thì vàng trong nước, đặc biệt là vàng SJC lại tăng xấp xỉ 9%”, ông Hưng nói.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital, chúng ta cần phải lưu ý ở đây là vàng thực sự giảm giá hay đang so sánh trong mối tương quan với đồng USD khi USD tăng giá. Từ đầu năm đến nay, USD cũng đã tăng gần 10% mà vàng chỉ giảm 1%. Thực tế, vàng là một tài sản được giao dịch ở toàn cầu, tuy nhiên, giá vàng lại định giá theo USD, nên việc đồng USD tăng ảnh hưởng không lớn đến sự sụt giảm của giá vàng trong thời gian vừa rồi. Vàng cũng là tài sản không mang lại lợi suất, nên khi đồng USD tăng giá, mọi người có xu hướng phòng thủ bằng vàng hoặc bằng trái phiếu.
“Từ đầu năm 2022, khi bắt đầu có xu hướng thắt chặt tiền tệ, thì lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã lên ở mức rất cao từ 1,4 -3,4%, chênh lệch khoảng 2%, tương đương mức tăng hơn 100%. Như vậy, xu hướng chung là tiền sẽ rút ra khỏi tài sản rủi ro và chuyển đến các tài sản phòng thủ như trái phiếu và vàng. Ở thị trường Việt Nam, vàng được tính theo giá VND nên cũng phải nhìn vào tỷ giá VND/USD, nhất là trong thời gian gần đây. Khi Fed tăng lãi suất, tôi đã nói rất nhiều đến yếu tố tỷ giá cần phải được quan tâm đặc biệt”, vị CEO nhắc lại.
Cùng quan điểm này, ông Hưng cho biết có hai vấn đề: Thứ nhất, Việt Nam là nước không sản xuất vàng mà phải nhập khẩu, nên khi USD tăng giá, thì vàng thường tăng giá theo. Thứ hai, là tâm lý của người dân lo sợ tiền đồng mất giá, nên khi dịch chuyển tài sản từ tiền đồng, họ sẽ dịch chuyển cả sang USD và vàng, dẫn đến USD tăng thì vàng cũng tăng.
Vàng đã xác lập đáy?
Vừa qua, có nhiều Đại biểu Quốc hội đã ý kiến về việc khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới quá cao và cần phải xem xét nhập khẩu vàng về để thu hẹp khoảng cách này lại.
Tính theo tỷ giá liên ngân hàng gần đây, chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá vàng thế giới sẽ ở khoảng mức 18,5 triệu đồng/lượng; nếu tính theo tỷ giá mua bán tự do, USD đã vượt mức 24.000 VND/USD thì mức chênh lệch là khoảng 17,5 triệu đồng; còn giữa giá vàng nhẫn và giá vàng thế giới hiện nay đang đâu đó chênh lệch khoảng 1,5 triệu đồng.
Ông Nguyễn Thế Hưng phân tích, chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá vàng thế giới cao như vậy là do nguồn cung hạn hẹp, đồng thời từ khoảng năm 2013 trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã không tổ chức đấu thầu trong khi nhu cầu tích trữ vàng của người dân là có và do nhiều yếu tố như giá vàng thế giới tăng, các vấn đề bất ổn tăng dẫn đến chênh lệch bị kéo giãn.
Nếu chênh lệch mà được thu hẹp lại thì sẽ có lợi hơn cho những người muốn mua giá vàng tốt bám sát theo giá thế giới. Tuy nhiên, theo đánh giá của tôi, chính sách của NHNN từ nay đến cuối năm sẽ chưa có những phiên đấu thầu nào, bởi vì dù nhu cầu là có nhưng chưa đủ cao và chưa đủ đột biến để NHNN phải tổ chức những phiên đấu thầu nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước.
Bên cạnh đó, Thống đốc NHNN cũng đã trả lời rất rõ ràng trước các phương tiện truyền thông rằng, NHNN có đủ công cụ cần thiết để điều hành thị trường khi có nhu cầu đột biến, trong khi đó, giá vàng lên cao thì xu hướng người dân lại bán ra nhiều hơn là mua vào, nên ở thời điểm này, NHNN sẽ chưa có chính sách nhập khẩu vàng.
Bổ sung thêm quan điểm của mình, ông Nguyễn Minh Tuấn cho rằng có hai góc độ đó là: Đầu tiên, khi nói đến chênh lệch giá vàng SJC so với giá vàng thế giới quy đổi, thì phải nhìn cả ở chiều mua và chiều bán, quan trọng nhất ở một thị trường là chênh lệch giữa giá mua và giá bán được thu hẹp. “Mà theo tôi quan sát, chênh lệch giữa giá mua và giá bán hiện đang rất sát nhau, nghĩa là thị trường vẫn đang vận động hiệu quả. Góc độ thứ hai là đứng ở vĩ mô, khi chúng ta nhập khẩu vàng về thì lại phải sử dụng dự trữ ngoại hối, mà vừa qua NHNN đã phải bán ra ngoài thị trường một lượng ngoại hối để ổn định tỷ giá. Do đó, việc sử dụng nguồn lực này để nhập vàng phục vụ cho một số nhu cầu mua vàng tích trữ là không thuận lợi về mặt vĩ mô”.
Nhìn về giai đoạn cuối năm, ông Hưng nhận định có những yếu tố hỗ trợ cho vàng như nhu cầu tích trữ và căng thẳng địa chính trị; còn những yếu tố không hỗ trợ như lãi suất tăng và sức mạnh của USD tăng.
“Chúng ta đều nhìn thấy chu kỳ tăng lãi suất của Mỹ từ nay đến cuối năm dự kiến tăng, gần nhất là trong tháng 7 này, Fed dự kiến tiếp tục tăng thêm 0,75%. Sau thời điểm này, lãi suất điều hành ở Mỹ sẽ rơi vào mức 2,5% và trong biên bản cũng như cuộc họp của Fed trong tháng 6 đã chỉ ra, mức lãi suất Mỹ hướng tới sẽ trong khoảng 3,5 - 3,75%, nghĩa là sau tháng 7 này, nếu Fed tăng 0,75% lãi suất thì dư địa để tăng lãi suất tiếp theo sẽ chỉ còn 1%. Như vậy, Fed sẽ bắt đầu tăng lãi suất một cách từ tốn hơn, đồng thời áp lực về việc tăng lãi suất với các tài sản kể cả chứng khoán cũng giảm bớt đi.
Về yếu tố hỗ trợ, khả năng vào cuối năm, nay yếu tố địa chính trị có thể sẽ tiếp tục căng thẳng, khi nhu cầu về năng lượng quay trở lại, vì châu Âu bước vào mùa thu đông. Vừa qua, châu Âu và Mỹ đã có lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga và họ đang rất quyết liệt trong vấn đề này. Ngoài ra, Thụy Điển và Phần Lan cũng đang xin gia nhập NATO và đã được đồng ý, vì thế cuối năm nay, căng thẳng địa chính trị phần nào sẽ quay lại.
Nhìn vào giá vàng thế giới giảm từ đỉnh của năm nay đến thời điểm này ở khoảng 1.737 USD/oz, tương đương với mức thấp của năm ngoái. Khả năng, đáy của giá vàng đã xuất hiện, tôi kỳ vọng giá vàng có thể quay về mốc 1.800-1.900 USD vào cuối năm nay. Đồng thời, đáy của giá vàng thường rơi vào mùa hè và tăng trở lại vào tháng 10-11 khi nhu cầu vật chất tăng lên, nhất là ở các thị trường như Ấn Độ, Trung Quốc, kể cả Việt Nam bước vào mùa cưới”, ông Hưng nhận định.