Lại nóng việc đối tác ngoại lừa doanh nghiệp Việt
Cuối tuần qua, Bộ Công Thương đã phát đi cảnh báo hiện tượng lừa đảo chiếm tiền đặt cọc của một số doanh nghiệp Thái Lan trong quá trình nhập khẩu. Đây tiếp tục là bài học cho các doanh nghiệp Việt Nam, không thể lơ mơ khi làm ăn với đối tác ngoại. Những “quả lừa” sẽ còn kéo dài ra nếu doanh nghiệp cứ non nớt trên thương trường quốc tế.
Một chủ doanh nghiệp ở Quảng Ngãi phải vất vả kiện tụng khi mua hàng hóa từ đối tác Thái Lan với trị giá lô hàng khoảng 5.700 USD, nhưng người bán đã không giao hàng như thỏa thuận và có dấu hiệu lừa đảo sau khi công ty hoàn tất chuyển tiền hàng.
Cả tin nên hứng “quả lừa”
Trong cảnh báo mới đây của Bộ Công Thương cho biết nhiều doanh nghiệp Việt tìm kiếm các nhà sản xuất, xuất khẩu (XK) Thái Lan trên mạng internet và tiến hành giao dịch trong khi chưa xác minh đầy đủ thông tin về đối tác.
Lợi dụng tâm lý chủ quan, ham rẻ và thiếu nghiệp vụ ngoại thương của một số doanh nghiệp Việt nên đã xảy ra nhiều vụ việc doanh nghiệp Thái Lan lừa tiền đặt cọc của các nhà nhập khẩu (NK) Việt Nam và không chịu giao hàng, nhiều nhất là đối với mặt hàng giấy A4.
Trong cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) với một số doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh vào tháng 12/2017 vừa qua, đại diện công ty TNHH Giấy Hải Tín (đang hoạt động xuất nhập khẩu giấy tại thị trường Trung Quốc), bày tỏ băn khoăn cần tìm cơ sở xác nhận độ uy tín ở phía đối tác Trung Quốc mà doanh nghiệp này định hợp tác làm ăn, và liệu VPPA có hỗ trợ được gì cho họ?
Khi đó, ông Vũ Ngọc Bảo, Tổng thư ký VPPA, trả lời rằng: “Việc này Hiệp hội đành chịu”. Nhưng theo ông Bảo, doanh nghiệp có thể chủ động liên hệ với Hiệp hội Giấy Trung Quốc để hỏi về độ tín nhiệm với phía đối tác. Còn VPPA không thể biết đối tác đó có uy tín trên thị trường Trung Quốc hay không.
Phải nói rằng không phải doanh nghiệp không cảnh giác, nhưng rốt cuộc vẫn có doanh nghiệp bị lừa khi làm ăn với đối tác ngoại.
Vì sao lại như vậy? Chẳng hạn như trong trường hợp những doanh nghiệp bị lừa bởi đối tác ở Thái Lan, Bộ Công Thương lưu ý doanh nghiệp phải xác minh rõ các đối tác. Đặc biệt là các đối tác lần đầu giao dịch, hạn chế tìm kiếm và giao dịch với các khách hàng trên các trang web không uy tín và không kiểm chứng thông tin doanh nghiệp .
Tốt nhất là doanh nghiệp nên trực tiếp sang Thái Lan để thẩm định (vì nước này gần Việt Nam, đường bay thuận tiện) để làm việc trực tiếp với đối tác hoặc có thể nhờ các kênh chính thống như Thương vụ Việt Nam xác minh thông tin.
Không chỉ bị lừa đảo từ nhà NK, ngay cả trong XK, không ít doanh nghiệp Việt cũng bị hứng “quả lừa” vì cả tin. Đầu năm ngoái, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết một số doanh nghiệp XK thủy sản có nguy cơ mất hàng trăm nghìn USD với khách hàng ECHOPACK INC, đại diện bởi người có tên Jason Brown (địa chỉ tại Quebec, Canada).
“Nắm luật” để tránh lừa
Trước đó là trường hợp điển hình như công ty Al-Reda ở Ai Cập có mua hàng cá tra phi lê đông lạnh của công ty Thủy sản Vĩnh Hoàn từ tháng 6/2015 với tổng trị giá đơn hàng 58.881,60 USD (sau khi đã trừ 10% đặt cọc). Tuy nhiên, sau đó, Vĩnh Hoàn đã nhiều lần gửi thư yêu cầu thanh toán trong suốt thời gian dài nhưng Al-Reda luôn tránh việc thanh toán với nhiều lý do.
Còn tại hội thảo kết nối khách hàng và nhà cung ứng nước ngoài cho doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh ngày 19/1, PGS.TS Nguyễn Xuân Minh, Giám đốc trường Đại học Ngoại thương – cơ sở TP. Hồ Chí Minh, nhấn mạnh việc phát sinh rất nhiều rủi ro mà doanh nghiệp Việt phải đối mặt khi giao dịch thương mại quốc tế.
Rủi ro phổ biến nhất đối với doanh nghiệp XK, theo ông Minh, đó là tình trạng lừa đảo chiếm dụng hàng hóa hoặc đối tác chậm thanh toán, không có khả năng thanh toán.
“Không ai mong đợi rằng rủi ro sẽ đến với bất kỳ doanh nghiệp nào với điều kiện là các doanh nghiệp phải có sự nghiên cứu và một sự chuẩn bị đầy đủ. Nếu chưa sẵn sàng thì cần có sự hỗ trợ về mặt chuyên môn, tư vấn để doanh nghiệp Việt vững vàng hơn khi tiếp cận thị trường nước ngoài”, ông Minh chia sẻ.
Được biết trong vài năm trở lại đây, số vụ kiện về hợp đồng mua bán với đối tác ngoại thường chiếm tỷ lệ hơn 60% trong hàng trăm vụ kiện được chuyển đến Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC). Tranh chấp không chỉ tăng về số lượng mà còn tăng về giá trị.
Trong câu chuyện bị đối tác ngoại lừa đảo này, luật sư Nguyễn Thị Diệu Hiền, Giám đốc công ty Luật DH Law, cho rằng kỹ năng đàm phán hợp đồng của nhiều doanh nghiệp Việt hiện vẫn còn yếu (nhất là tiếng Anh) và thiếu những điều khoản, cơ sở pháp lý cần thiết. Họ cũng ít có thói quen mời luật sư tham gia ngay từ khâu đầu tiên khi đàm phán và ký kết hợp đồng với phía đối tác ngoại.
Chính điều này làm doanh nghiệp Việt chịu nhiều thiệt thòi trong phương thức thanh toán, phương thức giao hàng. Nhất là có những hợp đồng cũng không quy định rõ điều khoản bồi thường và cơ quan giải quyết tranh chấp để làm cơ sở cho việc giải quyết khi tranh chấp phát sinh.
Khi ký hợp đồng với doanh nghiệp nước ngoài, bên cạnh việc chú ý đến luật của Việt Nam, luật của nước đối tác, doanh nghiệp Việt cũng cần chú ý đến các vấn đề thuộc về luật và các tập quán quốc tế, doanh nghiệp nên lưu ý nhiều điều khoản khi ký hợp đồng.
Hơn nữa, trong hợp đồng thương mại cần có thỏa thuận cụ thể về chế tài (phạt vi phạm). Nhất là nên cẩn trọng điều khoản thỏa thuận vi phạm có liên hệ trực tiếp đến nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi bên.