Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng:
Lại “nóng” việc mua bán, sáp nhập ngân hàng
(Taichinh) - Sau Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB), gần đây thêm Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại đã khiến không ít người băn khoăn về "sức khỏe" của hệ thống ngân hàng. Câu hỏi được đặt ra là liệu thời gian tới có còn ngân hàng "được" mua nữa không?
Không còn ở thời kỳ "đỉnh cao", với việc thành lập mới một loạt ngân hàng, mấy năm gần đây, nhiều ngân hàng lâm vào tình trạng khó khăn. Để tránh đổ vỡ hệ thống, NHNN phải mua lại các ngân hàng này. Ngay từ đầu năm, NHNN trở thành chủ sở hữu của VNCB, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách của các cổ đông hiện hữu bằng việc mua lại toàn bộ vốn cổ phần của ngân hàng này với giá 0 đồng.
Theo lãnh đạo của NHNN, với động thái này, VNCB có điều kiện thuận lợi hơn trong việc triển khai phương án tái cơ cấu được duyệt và phát triển hoạt động kinh doanh theo hướng an toàn, hiệu quả hơn. Cùng với đó, các quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại VNCB sẽ được bảo đảm. VNCB tiền thân là Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trust Bank) đã hoạt động hơn 20 năm. Vào thời điểm tái cấu trúc và đổi tên (tháng 5-2013), Trust Bank có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 28.000 tỷ đồng. Tập đoàn Thiên Thanh đã cùng một số cổ đông tham gia góp vốn và tái cấu trúc Trust Bank, đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng.
Mặc dù đã có dự đoán trước về quyết định này của NHNN, song vì đây là việc chưa từng có tiền lệ, nên động thái trên khiến nhiều người lo ngại cho bức tranh của hệ thống ngân hàng. Nhưng theo các chuyên gia, đây là hệ quả của thời kỳ ngân hàng phát triển quá "nóng", với tăng trưởng tín dụng có năm đạt hơn 35%. Cùng với đó, việc cho phép quá nhiều ngân hàng được thành lập, trong khi nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, doanh nghiệp lao đao nên ngân hàng không dễ tồn tại nếu có quy mô quá nhỏ, hoặc mô hình quản trị không phù hợp.
Tuy nhiên, VNCB không phải là ngân hàng duy nhất bị mua lại với giá 0 đồng, gần đây NHNN đã mua thêm Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) cũng với giá 0 đồng. Với việc này, NHNN đã chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông của các cổ đông hiện hữu ở OceanBank. Ngân hàng này cũng được chuyển đổi từ Ngân hàng TMCP sang Công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu với tên gọi là Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương, vốn điều lệ hơn 4.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo NHNN thừa nhận, thời gian qua hoạt động của OceanBank bộc lộ nhiều tồn tại và vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật. Trước tình hình đó, để kiểm soát rủi ro, giảm tổn thất tài sản của ngân hàng, NHNN đã quyết định đặt OceanBank vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Ngân hàng này có nhiều khó khăn về tài chính, trong khi đó đại hội cổ đông của ngân hàng này không thông qua phương án tăng vốn điều lệ để bảo đảm giá trị thực của vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định theo yêu cầu của NHNN.
Do vậy, để chủ động trong việc tái cơ cấu OceanBank, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người gửi tiền, tránh tác động lây lan, gây mất ổn định hệ thống, NHNN đã quyết định trở thành chủ sở hữu 100% vốn điều lệ của OceanBank và chỉ định VietinBank tham gia quản trị, điều hành ngân hàng. Dưới sự chỉ đạo của NHNN, VietinBank đang khẩn trương hoàn thiện phương án tái cơ cấu OceanBank với định hướng khắc phục, xử lý những tồn tại, yếu kém, sai phạm, củng cố lại công tác quản trị, điều hành, đưa ngân hàng vào hoạt động bình thường và tiếp tục phát triển an toàn, bền vững hơn.
Với hai ngân hàng bị mua lại, cũng như những cái tên đang trong quá trình bị sáp nhập, có vẻ như trong năm 2015, NHNN khá quyết liệt trong việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng… Mặc dù đang trong quá trình thực hiện, nhưng với những tuyên bố của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) cùng Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) tại đại hội cổ đông của các ngân hàng này, việc sáp nhập ngân hàng sẽ sớm diễn ra. Nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB), lãnh đạo BIDV khẳng định sẽ không gây xáo trộn về hoạt động kinh doanh cũng như biến động sau khi sáp nhập.
Việc sáp nhập MHB vào BIDV không chỉ giúp BIDV mở rộng mạng lưới, khách hàng, mà còn tăng cường năng lực của BIDV trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, nâng cao vai trò của BIDV để trở thành định chế tài chính mạnh, có chất lượng hoạt động, quản trị rủi ro theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế, đủ năng lực cạnh tranh, hội nhập với các ngân hàng trong khu vực và thế giới. BIDV đã đặt mục tiêu cho năm 2015 là tăng trưởng nguồn vốn 16,5%, dư nợ tín dụng tăng 16%, lợi nhuận trước thuế 7.500 tỷ đồng, nợ xấu dưới 3%, tỷ lệ chi trả cổ tức trên 9%.
Còn với việc VietinBank "kết hôn" với Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank), lãnh đạo VietinBank cũng khẳng định, với định hướng xây dựng VietinBank trở thành ngân hàng hàng đầu, có quy mô, năng lực xứng tầm khu vực, sau một thời gian nghiên cứu, nhận thấy PGBank là tổ chức tín dụng tiềm năng để sáp nhập vào VietinBank. Việc sáp nhập PGBank vào VietinBank sẽ giúp ngân hàng này có cơ hội phát triển mới, hướng đến mối quan hệ hợp tác chiến lược lâu dài giữa Petrolimex và VietinBank. HĐQT VietinBank đã đàm phán với HĐQT PGBank nhằm chuẩn bị tiền đề cho các giao dịch sáp nhập, đồng thời thuê đơn vị tài chính độc lập xây dựng dự thảo đề án sáp nhập và hợp đồng sáp nhập.