Lộ diện "6 - 8 ngân hàng" sẽ bị xử lý
(Tài chính) Một số ngân hàng đã chậm trễ công bố thông tin tài chính năm 2014 và có kết quả kinh doanh "bết bát", nợ xấu tăng cao vượt ngưỡng an toàn… Vậy những cái tên nào sẽ bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xử lý theo hướng sáp nhập hoặc bị mua lại với giá 0 đồng?
Đến hết tháng 3/2015, phần lớn các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính và báo cáo được kiểm toán xong. Từ đây, đã hé lộ một số ngân hàng có kết quả kinh doanh sa sút, nợ xấu lớn…
Nợ xấu vượt "đèn đỏ"
Ngân hàng TMCP Phương Nam (SouthernBank) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2014 với kết quả gây "sốc". Trong đó, tổng tài sản chỉ tăng 5,82%, đạt 82.068 tỷ đồng, huy động vốn tăng 5,71%, chỉ đạt 76.636 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 43.329 tỷ đồng, chỉ tăng 0,08% so với đầu năm 2014.
Thế nhưng, tỷ lệ nợ xấu của SouthernBank bất ngờ tăng vọt, lên tới 2.553 tỷ đồng (tăng thêm 948 tỷ đồng) và chiếm 5,89% tổng dư nợ. Trong đó, ngân hàng đã bán cho công ty VAMC được 619 tỷ đồng.
Tín dụng gần như không tăng và nợ xấu quá cao khiến cho lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 17,12 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận chỉ còn lại 1,2 tỷ đồng nên HĐQT đề xuất giữ lại, không chia cổ tức.
Với tình hình nợ xấu vượt quá cao, SouthernBank cũng dự tính khả năng khó xử lý được ngay, nên năm 2015, nhà băng này chỉ đặt mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới mức 5%. Đây vẫn là tỷ lệ nợ xấu quá cao, vượt giới hạn an toàn 3% dư nợ. Hiện nay, SouthernBank có khả năng sẽ sáp nhập vào Sacombank và đang trình NHNN chấp thuận đề án sáp nhập.
Thời gian qua, tình hình kinh doanh của DongABank cũng bị sa sút, nợ xấu tăng cao. Đến thời điểm này, ngân hàng vẫn chưa công bố báo cáo tài chính năm 2014, mà mới chỉ có Báo cáo tài chính quý III/2014. Theo đó, tín dụng vẫn tăng trưởng âm 0,54%, nợ quá hạn chiếm tới 13% dư nợ. Kết quả, DongAbank đã bị lỗ tới 76 tỷ đồng trong quý III. Lũy kế 9 tháng năm 2014, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 220 tỷ đồng và sau thuế 149 tỷ đồng, chưa bằng một nửa cùng kỳ năm 2013.
Gần đây, thị trường cũng râm ran đồn đoán DongABank sẽ sáp nhập với AnBinh Bank của doanh nhân Vũ Văn Tiền. Việc sáp nhập ngân hàng có lẽ sẽ sáng tỏ hơn tại kỳ Đại hội cổ đông năm 2015 tới đây.
Cái tên thứ 3 được nhắc tới là Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) hiện được thuộc diện bị kiểm soát đặc biệt bởi NHNN sau các sai phạm, bắt giữ hàng loạt lãnh đạo cấp cao. Các thông tin về hoạt động kinh doanh, tài chính của Oceanbank gần như "đóng kín".
Do Oceanbank chưa chốt được kết quả kinh doanh nên Tập đoàn Đại Dương (OceanGroup) – cổ đông lớn nắm 20% cổ phần ngân hàng đã phải xin hoãn công bố báo cáo tài chính đến lần thứ 2. Đến ngày 2/4, báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2014 của OceanGroup được công bố cũng không có số liệu tài chính của ngân hàng.
Cổ đông lớn Tập đoàn Dầu khí cũng chưa công bố thông tin tài chính có lẽ cũng vì chờ số liệu từ OceanBank. Trước đó, năm 2013, lợi nhuận sau thuế của OceanBank đã bị giảm xuống còn 188 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 2,97% và còn khoảng 689 tỷ đồng nợ quá hạn từ nhóm khách hàng Vinashin. Ngoài ra, hiện vẫn còn một số nhà băng đang trong diện phải xử lý theo hướng có 3 ngân hàng lớn tham gia hỗ trợ tái cơ cấu, hoặc phải buộc sáp nhập như: GPbank, VNCB, MekongBank…
Thận trọng sáp nhập
Trong số này, MekongBank đã được định đoạt sẽ sáp nhập vào MaritimeBank và sẽ biến mất khỏi thị trường. Toàn bộ tài sản, quyền lợi, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh của MekongBank sẽ được chuyển giao sang MaritimeBank khi thực hiện sáp nhập. Quyền lợi của cổ đông MekongBank vẫn được đảm bảo khi MaritimeBank phát hành thêm cổ phiếu để hoán đổi với tỷ lệ 1:1.
Còn trường hợp GPBank, sau thời gian dài tự tìm kiếm, tiếp xúc các nhà đầu tư ngoại và có thông tin bán 100% cho ngân hàng nước ngoài, thì nay, nhà băng này lại "án binh bất động".
Hiện, chưa rõ GPBank sẽ sáp nhập với ngân hàng nào. Vì hiện, 3 ngân hàng lớn là Vietinbank, BIDV, Vietcombank đang phải gánh nhiệm vụ xử lý, hỗ trợ tái cơ cấu một số ngân hàng nhỏ, yếu kém như: Saigonbank, MHB, VNCB, Oceanbank…
Những khó khăn từ hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, nợ xấu lớn, cho vay sai phạm… đã khiến một số ngân hàng khó có thể trụ vững. Nhưng do yếu tố "nhạy cảm" và lo ngại gây bất ổn thị trường nên NHNN rất thận trọng tái cơ cấu nhóm 6-8 ngân hàng yếu kém.
Việc mua lại ngân hàng với giá 0 đồng như đã làm với Ngân hàng VNCB là nhằm đảm bảo an toàn hệ thống, giữ ổn định thị trường. Hơn thế, cũng là biện pháp cảnh báo các cổ đông ngân hàng.
Với ngân hàng yếu kém như Southernbank, kế hoạch sáp nhập đã được khởi động từ lâu, nhưng đến cuối năm 2014, mới có thông tin chính thức sáp nhập vào Sacombank. Hiện, đề án sáp nhập vẫn chưa được NHNN chấp thuận.
Về phía cổ đông, hiện họ cũng đang phải chịu nhiều thiệt thòi. Khi ngân hàng làm ăn kém hiệu quả, lợi nhuận giảm sút thì khó có thể chia cổ tức cao cho cổ đông được. Ngân hàng mới sau sáp nhập cũng chưa thể xử lý hết nợ xấu, kết quả kinh doanh có thể bị kéo giảm vài năm… Do đó, lợi ích của cổ đông sẽ bị thiệt hại trong ngắn hạn.