Lãi suất cho vay có thể giảm tiếp
Sau một tháng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, nhiều doanh nghiệp (DN) đủ điều kiện đã nhanh chóng tiếp cận cơ hội vay vốn rẻ hơn. Tuy nhiên xu hướng giảm lãi suất có thể chưa dừng lại. Báo cáo vĩ mô và thị trường chứng khoán Việt Nam tháng 8 của Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định, không loại trừ khả năng về một đợt giảm lãi suất tiếp khoảng 0,25% và kéo dài đến giữa năm 2018.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, việc hạ lãi suất cho vay cũng tác động đến ngân hàng thương mại. Ở khía cạnh tích cực, đây là cơ hội để các ngân hàng tăng dư nợ tín dụng, có điều kiện tăng tính cạnh tranh và giành thị phần, thị trường. Tuy nhiên, việc các ngân hàng giảm lãi suất cho vay trong khi lãi suất huy động chưa giảm sẽ ảnh hưởng tới thu nhập ròng của ngân hàng.
“Khi ngân hàng có lợi nhuận cao thì việc “hy sinh” chút lợi nhuận để giúp DN là điều đáng mừng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ. Dù vậy, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, sự hỗ trợ của ngân hàng với DN có một giới hạn, đó là quản trị rủi ro. “Ngân hàng chỉ có thể áp dụng lãi suất ưu đãi và giảm lãi suất cho những DN đạt tiêu chuẩn về tình hình tài chính, nguồn trả nợ và hoạt động kinh doanh tốt.
Điều này có nghĩa khi rủi ro giảm thì ngân hàng có thể cho vay với lãi suất thấp. Ngược lại, đối với các DN có mức rủi ro cao và không đủ tài sản bảo đảm thì ngân hàng không thể giảm lãi suất mà thậm chí còn tăng lãi suất để bù trừ cho việc rủi ro tăng”.
Hoan nghênh ngân hàng giảm lãi suất cho vay đối với DN, song chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế TƯ (CIEM) đặt vấn đề, trong bối cảnh lạm phát thấp và nợ xấu đã giảm phần nào, các ngân hàng có thể xem xét giảm thêm lãi suất hay không? Theo ông, DN nước ta vẫn đang phải chịu lãi suất cao hơn so với các nước trong khu vực.
Ở Thái Lan, lãi suất chỉ khoảng 4,5%/năm, ở Trung Quốc chỉ 3,2%/năm, trong khi lãi suất ngân hàng ở Việt Nam cho DN khoảng 8 - 9%/năm. Nếu tính cả các chi phí khác để tiếp cận tín dụng ngân hàng, chi phí vốn vay còn cao hơn nữa.
Liên quan đến đề xuất này, Báo cáo vĩ mô và thị trường chứng khoán Việt Nam tháng 8 của Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam dự đoán khả năng sẽ có thêm một đợt giảm lãi suất cho vay. Theo KIS Việt Nam, quyết định cắt giảm lãi suất hồi tháng 7 của NHNN mang tính thăm dò phản ứng thị trường do tâm lý thận trọng của NHNN.
Do đó, cần thời gian để đánh giá tác động của chính sách này. Trong trường hợp tích cực, không loại trừ khả năng về một đợt giảm tiếp khoảng 0,25% và kéo dài đến giữa năm 2018.
Ở góc độ khác, các chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ lo ngại tình trạng DN lợi dụng chính sách này để “ăn theo” các ưu tiên hưởng lãi suất. Chẳng hạn, DN không nằm trong lĩnh vực ưu tiên “câu kết” với DN trong lĩnh vực ưu tiên để được hưởng mức lãi suất ưu đãi.
Để ngăn chặn tình trạng này, cần thanh tra, giám sát thật kỹ trong quá trình cho vay, đặc biệt là giám sát sau cho vay, đồng thời xử phạt nghiêm minh những ngân hàng thực hiện không đúng chính sách của Nhà nước.