Cải cách hành chính và định hướng đặt ra của ngành Ngân hàng
Nỗ lực cải cách hành chính của ngành Ngân hàng được thể hiện rõ thông qua kết quả xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (Par index) trong vài năm trở lại đây. Năm 2016, Chỉ số Par index của Ngân hàng Nhà nước tiếp tục dẫn đầu trong số các bộ, ngành. Với 2 năm liên tiếp giữ vị trí thứ nhất đã giúp Ngân hàng Nhà nước nâng tầm quản lý, điều hành hệ thống các tổ chức tín dụng, nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp tích cực hơn nữa cho sự phát triển của nền kinh tế.
Cải cách để nâng tầm trong quản lý điều hành
Quán triệt, nắm bắt đầy đủ quan điểm, định hướng trong chỉ đạo điều hành của Đảng và Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác định định hướng, mục tiêu và xây dựng kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) cụ thể cho từng giai đoạn 5 năm và hàng năm để chỉ đạo và tổ chức triển khai, đồng bộ trong toàn Ngành.
Cụ thể, căn cứ vào các Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ, NHNN đã ban hành Quyết định 1355/QĐ-NHNN ngày 28/6/2016 và Quyết định 259/QĐ-NHNN ngày 28/2/2017 về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, Thống đốc NHNN ban hành Chỉ thị 05/CT-NHNN chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành tích cực triển khai Kế hoạch hành động, đảm bảo triển khai tích cực, có kết quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với việc ban hành và tổ chức triển khai kế hoạch, NHNN còn thường xuyên theo dõi, đôn đốc và có nhiều hình thức kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các đơn vị trong toàn Ngành, nhằm đánh giá sát tình hình, kịp thời chỉ đạo, quán triệt nâng cao ý thức, trách nhiệm của các đơn vị về CCHC… Nhờ đó, trong 2 năm trở lại đây, NHNN luôn dẫn đầu trong bảng xếp Chỉ số Par index với nhiều kết quả nổi bật như:
- Về cải cách hoàn thiện thể chế: Chất lượng văn bản được nâng lên rõ rệt, đảm bảo tính đồng bộ với hệ thống pháp luật ngân hàng, đáp ứng kịp thời công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và hoạt động của hệ thống các TCTD. Tính chung trong năm 2016, NHNN đã ban hành 45 thông tư và riêng 6 tháng đầu năm 2017, ban hành 3 thông tư.
- Về cải cách TTHC: Theo kết quả rà soát năm 2016, NHNN đã bãi bỏ 06 TTHC, đơn giản hóa 10 thủ tục, đơn giản hóa và cắt giảm 26 thành phần hồ sơ, 50 điều kiện của các TTHC tại 8 thông tư NHNN. Đáng chú ý, chi phí tuân thủ năm 2016 cắt giảm vượt 10% so với mục tiêu đề ra.
- Về cải cách tổ chức bộ máy và xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức: NHNN đã tiến hành rà soát, sắp xếp tổ chức, bộ máy các đơn vị phù hợp với quy định mới. Mục tiêu đến năm 2021, giảm 10% biên chế được giao; đối với đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu, khuyến khích chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước.
- Về cải cách tài chính công: Công tác cải cách tài chính công của NHNN đạt được nhiều kết quả tích cực, đảm bảo tính ổn định, hiệu quả, an toàn về vốn và tài sản, theo đó, phân cấp mạnh hơn cho thủ trưởng đơn vị trong công tác đầu tư, mua sắm tài sản công; giao cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho 6/7 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc NHNN.
- Về hiện đại hóa nền hành chính: Cơ chế một cửa tại NHNN sớm được triển khai và từng bước hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn giải quyết TTHC tại NHNN. Kết quả sau 1 năm triển khai Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ, NHNN đã hoàn thành giải pháp thanh toán phí trực tuyến đối với TTHC; nâng cấp, đưa vào sử dụng 17 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4; hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã được nâng cấp, phục vụ nhu cầu nộp thuế, phí, lệ phí hải quan trực tuyến...
- Về kết quả cải cách TTHC của TCTD: Hệ thống các TCTD đã có nhiều cải tiến, đổi mới, tạo thuận lợi cho DN, người dân tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Điển hình như: Thời gian, số lần giao dịch, giấy tờ cần cung cấp của khách hàng đã giảm 20-40%.
Một số quy trình/sản phẩm dịch vụ đã giảm 42% số lượng bản gốc mẫu biểu, giảm 45% số lượng chữ ký khách hàng và 48% số lượng chữ ký cán bộ ngân hàng trên hồ sơ; Cải tiến, tối ưu hóa, quy trình cung cấp dịch vụ thông qua việc ứng dụng công nghệ hiện đại như internet banking, mobile banking…
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình cung cấp sản phẩm giúp khách hàng tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian chờ đợi; trong đó, giảm 70-75% thời gian đăng ký do khách hàng thực hiện trực tuyến, tiết kiệm chi phí khoảng 45.000-50.000 đồng…
Một số định hướng đặt ra
Theo kế hoạch CCHC giai đoạn 2016-2020, thời gian tới, NHNN tập trung vào những nội dung quan trọng như sau:
- Đối với các đơn vị trong hệ thống NHNN:
+ Các đơn vị tổ chức quán triệt sâu sắc Chỉ thị 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 35/NQ-CP theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng DN; Thực hiện có kết quả các nhiệm vụ theo kế hoạch CCHC và Kế hoạch hành động của NHNN.
+ Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về chủ trương, kết quả thực hiện công tác CCHC; Hoàn thiện hệ thống pháp lý quy định về thanh toán, dịch vụ tiền mặt; Xây dựng khung pháp lý đối với việc xếp hạng tín dụng...
+ Đơn giản hóa 10% chi phí tuân thủ TTHC của NHNN trong năm 2017. Hoàn thành phương án đơn giản hóa các TTHC theo Nghị quyết 25/NQ-CP và Nghị quyết 60/NQ-CP của Chính phủ.
+ Hoàn thành quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc NHNN; Tổ chức triển khai Đề án tinh giản biên chế đối với từng đơn vị thuộc NHNN (giai đoạn 2015 – 2021); Hoàn thành quy định về tiêu chuẩn công chức, viên chức ngành Ngân hàng thay thế Quyết định 61/2000/QĐ-NHNN.
+ Tiếp tục triển khai và phát huy hiệu quả các phần mềm, dự án công nghệ thông tin; Triển khai nâng cấp các TTHC theo hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, đảm bảo lộ trình thực hiện đến năm 2020...
- Đối với các các TCTD:
+ Tập trung triển khai tích cực các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 26/CT-TTg; Chủ động nghiên cứu, xây dựng các chương trình, gói tín dụng với lãi suất hợp lý, minh bạch và đơn giản thủ tục vay vốn, tăng khả năng tiếp cận vốn cho DN.
+ Xây dựng, triển khai kế hoạch thanh toán không dùng tiền mặt theo Quyết định 2545/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện Quyết định 259/QĐ-NHNN ngày 28/02/2017 của NHNN, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 thực hiện Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ; Triển khai Quyết định 1355/QĐ-NHNN ngày 28/6/2016 của NHNN, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển DN.
+ Đẩy mạnh áp dụng chuẩn mực Basel nhằm đánh giá các rủi ro, tăng cường hiệu quả hoạt động kinh doanh và quản lý nguồn vốn...
Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định 259/QĐ-NHNN ngày 28/2/2017 về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển DN năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020;
2. Chỉ thị 05/CT-NHNN chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành tích cực triển khai Kế hoạch hành động ban hành kèm theo Quyết định 1355/QĐ-NHNN;
3. Quyết định 1162/QĐ-NHNN về việc phê duyệt Đề án tinh giản biên chế của NHNN giai đoạn 2016-2021.