Lãi suất cho vay giảm gần 1,55% so với trước dịch
Theo thống kê của SSI, mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường đã giảm khoảng 0,55%/năm so với đầu năm và tổng cộng giảm 1,55%/năm so với trước dịch. Trong thời gian tới, NHNN được dự báo sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.
Nhận định về thị trường tiền tệ tuần qua, SSI cho biết không phát sinh giao dịch mới trong các hoạt động thị trường mở. Từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 3/2020 đến nay, NHNN hầu như không có hoạt động điều tiết nào trên thị trường mở. "Điều này thể hiện quan điểm duy trì thanh khoản trong hệ thống ngân hàng dồi dào của NHNN. Lãi suất liên ngân hàng hầu như đi ngang, kết tuần ở 0,69% cho kỳ hạn qua đêm và 0,8% cho kỳ hạn 1 tuần".
Theo NHNN, tính đến 31/8/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 9,87 triệu tỷ, tăng 7,42% so với cuối năm 2020 và tương đương với mức tăng 14,9% so với cùng kỳ 2020.
Trên thị trường dân cư, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 0,55%/năm so với đầu năm và tổng cộng giảm 1,55%/năm so với trước dịch. Lãi suất huy động cũng đã giảm khoảng 0,06 – 0,2% cho kỳ hạn 12 tháng trong 9 tháng đầu năm 2021.
SSI dự báo chính sách tiền tệ trong thời gian tới duy trì trạng thái nới lỏng để hỗ trợ sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch. Nhiều khả năng NHNN sẽ không cắt giảm lãi suất điều hành nhưng sẽ tăng hạn mức tín dụng để tạo điều kiện giúp các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, trong thời gian sắp tới, NHNN sẽ tăng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng và điều chỉnh phù hợp lãi suất theo đúng cam kết.
Tập hợp kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, địa phương trong hội nghị cho thấy, có đến 1/3 đề xuất là liên quan tới giảm lãi suất ngân hàng, giảm thủ tục, điều kiện cho vay và tái cơ cấu nợ cho doanh nghiệp. Điều này tiếp tục tạo áp lực giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp lên hệ thống ngân hàng.
Cụ thể, Sở KH&ĐT tỉnh Đồng Nai đề xuất giảm lãi suất cho vay xuống còn khoảng 4-5%/năm, đồng thời giãn thời hạn trả nợ gốc và lãi vay ngân hàng (bao gồm các khoản vay ngắn hạn và trung hạn) đến tháng 6/2022.
Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) đề xuất giảm lãi vay, lãi suất ưu đãi, cho gia hạn trả các khoản vay trung, dài hạn…; Thay đổi điều kiện khi xét hồ sơ tín dụng cho doanh nghiệp để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn ngân hàng hơn do tác động tiêu cực của dịch bệnh.