Lãi suất có thể tăng nhẹ và phân hóa giữa các ngân hàng
Gần đây, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục tăng nhẹ lãi suất huy động cùng với việc đẩy mạnh huy động vốn qua phát hành trái phiếu. Xu hướng tăng lãi suất được dự báo là sẽ tiếp diễn trong những tháng cuối năm, song mức độ tăng không đáng kể.
Khảo sát trên thị trường cho thấy, lãi suất huy động ngắn hạn và dài hạn đều nhích nhẹ so với tháng trước. Cụ thể, tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng có lãi suất từ 5% - 5,5%/năm, tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng - 11 tháng có lãi suất từ 5,5% - 7,8%/năm, tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên có lãi suất từ 6,8% - 8,9%/năm. Các ngân hàng có lãi suất huy động ở mức cao là Việt Á Bank (8,9%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 16 tháng lĩnh lãi cuối kỳ), VietCapital Bank với lãi suất 8,6%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 24 tháng trở lên và lĩnh lãi cuối kỳ.
Bên cạnh việc thu hút tiền gửi tiết kiệm, một số ngân hàng tăng huy động vốn dài hạn bằng cách phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất áp dụng gần 9%/năm hoặc lên đến 10%/năm.
Đánh giá về xu hướng lãi suất trên thị trường hiện nay, bộ phận nghiên cứu của Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI) cho biết, trong tuần từ 21 - 25/10, lãi suất đã nhích tăng trên thị trường liên ngân hàng và vẫn neo cao ở thị trường 1 (lãi suất các ngân hàng huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế).
Đáng chú ý, lãi suất liên ngân hàng đi ngang từ đầu tuần và bất ngờ bật tăng 35 điểm cơ bản trong phiên cuối tuần lên mức 2,12%/năm với kỳ hạn qua đêm và 2,36%/năm với kỳ hạn tuần.
Theo SSI, nhu cầu huy động cao để tài trợ tín dụng mùa cao điểm cuối năm và đáp ứng lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về 30% của Ngân hàng Nhà nước sẽ khiến cho lãi suất các kỳ hạn dài khó giảm. Đồng thời, sự phân hóa sẽ diễn ra mạnh hơn, nới rộng mức giãn cách lãi suất huy động giữa các nhóm ngân hàng.
Theo SSI, nhu cầu gia tăng thanh khoản tiền đồng giai đoạn chuyển tháng có thể khiến các NHTM lớn cắt giảm bớt nguồn cung, lãi suất liên ngân hàng có thể nhích tăng trong tuần này.
Cũng theo SSI, nhu cầu huy động cao để tài trợ tín dụng mùa cao điểm cuối năm và đáp ứng lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về 30% của Ngân hàng Nhà nước sẽ khiến cho lãi suất các kỳ hạn dài khó giảm. Đồng thời, sự phân hóa sẽ diễn ra mạnh hơn, nới rộng mức giãn cách lãi suất huy động giữa các nhóm ngân hàng.
Về diễn biến lãi suất huy động thời gian vừa qua, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng đánh giá: “Các ngân hàng đang rất cần vốn để cho vay dịp cuối năm, đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo lộ trình của các quy định mới. Do đó, lãi suất trong xu hướng tăng là đương nhiên. Tuy nhiên, biến động lãi suất không đồng đều giữa các ngân hàng do nhu cầu và năng lực tài chính khác nhau. Điều này có thể thấy qua quãng lãi suất huy động khá rộng giữa các ngân hàng với cùng một kỳ hạn”.
Bên cạnh việc tìm cách tăng huy động tiền gửi tiết kiệm, các ngân hàng cũng nỗ lực hút vốn bằng trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi. Bình luận về cách làm này, ông Hiếu cho rằng: “Khi nguồn lực tài chính vẫn còn chưa đủ đáp ứng yêu cầu, các ngân hàng phải tìm nhiều cách khác nhau để có thể cạnh tranh và hút vốn”.
Dự báo về xu hướng lãi suất từ nay đến cuối năm, theo vị chuyên gia này, đà tăng vẫn sẽ tiếp tục nhưng mức độ tăng không lớn. “Chính phủ chủ trương không để lãi suất tăng mạnh. Do đó, tôi dự đoán là cơ quan điều hành chính sách tiền tệ sẽ tìm nhiều cách kiềm chế đà tăng lãi suất như bơm thêm tiền vào thị trường liên ngân hàng, bơm tiền vào lưu thông hoặc tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất điều hành”, ông Hiếu nói.
Mặt khác, theo chuyên gia này, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã và sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Thậm chí, giới tài chính thế giới dự đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ đưa lãi suất điều hành về mức âm. Do đó, nhiều khả năng cơ quan điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam cũng phải tính toán để lãi suất trên thị trường ở mức phù hợp, qua đó giữ cho tỷ giá ở mức hợp lý và hiệu quả cho các hoạt động của nền kinh tế.