Lãi suất gửi tiết kiệm tiếp tục tăng do đâu?
Từ đầu quý II/2024 cho đến nay, lãi suất gửi tiết kiệm liên tục được các ngân hàng điều chỉnh theo xu hướng tăng. Chuyên gia cho rằng, động thái này nhằm cân bằng lại lợi suất sinh lời của các kênh đầu tư khác.
Trong báo cáo phân tích mới nhất, Công ty cổ phần chứng khoán An Bình (ABS) cho biết, trong quý I năm nay, lãi suất huy động được các ngân hàng điều chỉnh xuống mức thấp nhất lịch sử.
Tuy nhiên, bước sang quý II, xu hướng này đã đảo chiều, nhiều ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động theo hướng tăng.
Theo ABS, biên độ tăng lớn nhất thuộc về các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước mức tăng khiêm tốn hơn, tập trung ở một số kỳ hạn dài với số tiền gửi lớn.
Còn theo khảo sát của Vnexpress cho thấy, từ cuối tháng 5 đến nay có ít nhất 15 ngân hàng tăng lãi suất. Đợt tăng này cũng chỉ đang dừng lại ở nhóm ngân hàng tư nhân, gồm: MB, VPBank, Techcombank, TPBank, MSB, Eximbank, SeABank, ABBank, BVBank, NamABank, NCB, BacABank, OCB, Oceanbank, VietBank, GPBank.
Đáng chú ý, ABBank là nhà băng có mức tăng mạnh nhất, từ 0,4 đến 1,7 điểm phần trăm. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại nhà băng này thêm 1,7 điểm phần trăm, lên 5,4% một năm.
BVBank cũng thay đổi biểu lãi suất từ 0,3 đến 0,8 điểm phần trăm, ghi nhận mức tăng cao nhất ở kỳ hạn 12 tháng, từ 4,85% lên 5,6%. Để hút tiền gửi từ dân cư, nhà băng này cũng quay lại phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất 5,4% với khoản tiền từ 10 triệu đồng.
Bên cạnh đó, hai "ông lớn" tư nhân MB và Techcombank cũng tham gia vào đợt tăng lãi suất, với mức điều chỉnh 0,1- 0,7 điểm phần trăm trong tháng qua, chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn.
Hiện ba nhà băng BVBank, ABBank và BacABank trả mức lãi cao nhất hệ thống - 5,6% một năm cho khoản tiền gửi 12 tháng tối đa 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều ngân hàng trả lãi suất từ 5% trở lên cho người gửi tiền so với tháng trước.
Theo ABS, việc một số ngân hàng tăng lãi suất gần đây có thể đến từ một vài lý do. Cụ thể, trong bối cảnh thị trường vàng và tỷ giá nóng lên, lượng tiền gửi ngân hàng của người dân có thể chuyển hướng và sụt giảm khiến các ngân hàng phải tăng lãi suất để tăng hấp dẫn cho kênh đầu tư này.
Ngoài ra, lãi suất tiết kiệm tăng có thể là tín hiệu pha trộn giữa tích cực và tiêu cực. Khi lãi suất tăng có thể do hoạt động kinh tế mạnh mẽ hơn, cá nhân và doanh nghiệp vay nhiều hơn có nhu cầu tín dụng nhiều hơn, khiến các ngân hàng có xu hướng tăng lãi suất để thu hút tiền gửi, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng.
ABS nhận định, mức tăng của lãi suất sẽ còn phụ thuộc vào các hoạt động kinh tế.
Trường hợp các doanh nghiệp đi vay nhiều thì lãi suất sẽ tăng mạnh hơn còn trường hợp sức khỏe doanh nghiệp vẫn ở mức lưng chừng như năm 2023, có thể lãi suất sẽ chỉ tăng đôi chút.
Trong đại hội đồng cổ đông vừa qua, nhiều lãnh đạo ngân hàng thương mại thừa nhận, lãi suất đang trong xu hướng đảo chiều tăng trở lại.
"Chúng tôi cho rằng lãi suất huy động khó có thể duy trì như những tháng đầu năm. Khả năng lãi suất sẽ đi ngang hoặc tăng từ nay đến cuối năm", ông Lưu Trung Thái - Chủ tịch Hội đồng quản trị MB nhận định.
Ông Nguyễn Hoàng Linh - Tổng Giám đốc MSB cũng dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp tục có xu hướng tăng từ nay đến cuối năm, khi nền kinh tế bước qua giai đoạn khó khăn và cầu tín dụng tăng trở lại.
TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính - Học viện Tài chính đánh giá, mặt bằng lãi suất hiện đã ở mức thấp của nhiều năm. Xu hướng lãi suất huy động "ấm" lên cũng là tín hiệu giúp kênh đầu tư này lấy lại sự hấp dẫn với dòng tiền nhàn rỗi.
Tuy nhiên, có 1 số chuyên gia kinh tế cho rằng, tuy lãi suất tăng nhưng lượng tiền quay trở lại kênh tiền gửi sẽ nhỏ giọt bởi tâm lý của nhiều người dân Việt là đầu cơ. Trong khi đó, vàng đang là kênh có biên độ tăng giảm lớn, hấp dẫn nhà đầu tư "lướt sóng".
Bất động sản đang hút dòng tiền sớm quay trở lại khi sự phục hồi ngày càng rõ nét. Kênh đầu tư chứng khoán cũng đang khởi sắc. Thế nên, dòng tiền có xu hướng tìm đến kênh vàng, bất động sản, chứng khoán hơn là gửi tiết kiệm.