Lãi suất thấp không đủ giúp hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường
Nếu dịch bệnh không được kiểm soát hoàn toàn, chỉ dựa vào việc hạ lãi suất khó có thể giúp hoạt động kinh doanh sản xuất vốn đang chịu ảnh hưởng của COVID-19 quay trở lại bình thường.
Ngày 3/3 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED) đã không đợi đến cuộc họp thường kỳ tháng 3 mà nhanh chóng đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất khẩn cấp 50 điểm phần trăm. Đây cũng là lần giảm lãi suất bất thường đầu tiên kể từ khủng hoảng tài chính thế giới 2008, khẳng định các bước đi chính sách quyết liệt để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ trong giai đoạn khó khăn này.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn, HSBC Việt Nam mới đây đã đưa ra một số nhận định về quyết định hạ lãi suất lần này của FED. Dưới đây là nội dung nhận định của ông Ngô Đăng Khoa:
Diễn biến nhanh chóng của COVID-19 tại Mỹ là một trong những tác nhân chính cho quyết định lần này của FED. Mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh lên nền kinh tế Mỹ đã bắt đầu rõ rệt hơn khi chỉ số sản xuất ISM tháng 2 cho thấy hoạt động sản xuất bị gián đoạn ở một số lĩnh vực như thiết bị điện tử. Trong cuộc họp báo sau tuyên bố giảm lãi suất, chủ tịch FED Jerome Powell cũng mô tả một số quan ngại đến từ lĩnh vực du lịch, khách sạn và dịch vụ.
Việc FED đột ngột cắt giảm lãi suất cho thấy những quan ngại của nhà điều hành chính sách đối với tương lai của nền kinh tế và thị trường tài chính. Bên cạnh đó, chỉ số PMI gần đây nhất của đa số các quốc gia, trong đó có Việt Nam, là bằng chứng về mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh dịch đối với sức khỏe của nền kinh tế.
Diễn biến nghiêm trọng của COVID-19 đã gây ảnh hưởng rõ rệt đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhìn kĩ hơn vào số liệu đơn đặt hàng và đơn hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh, hoạt động thương mại trì trệ có khả năng còn kéo dài.
Việc khôi phục nền kinh tế vốn đã đang rơi vào giai đoạn suy yếu về nhu cầu không phải là nhiệm vụ đơn giản nếu chỉ thông qua hạ lãi suất cơ bản, và cú sốc về nguồn cung thậm chí ngược lại có thể gây áp lực lên giá cả và kì vọng về lạm phát.
Tuy nhiên, việc cắt giảm lãi suất điều hành một cách quyết liệt lần này đáp ứng những mong mỏi của thị trường và nhà đầu tư. Trong ngắn hạn tuyên bố này sẽ củng cố niềm tin nhà đầu tư, giúp thị trường tài chính tránh được những cú sốc, đảm bảo nền kinh tế không bị tác động quá tiêu cực.
Tuy nhiên, trong trung hạn, khi đối mặt với cú sốc về sự sụt giảm nguồn cung thì thuần túy nới lỏng chính sách tiền tệ không phải là giải pháp toàn diện. Nếu dịch bệnh không được kiểm soát hoàn toàn, chỉ dựa vào việc hạ lãi suất khó có thể giúp hoạt động kinh doanh sản xuất vốn đang chịu ảnh hưởng của COVID-19 quay trở lại bình thường.
Trong bối cảnh đó, với việc rủi ro ngày càng leo thang, cơ quan điều hành chính sách đã và đang đưa ra một loạt các giải pháp cả về chính sách tiền tệ lẫn tài khóa để tạo bước đệm và kích thích tăng trưởng kinh tế.
Trong đó chính sách tiền tệ có thể đến từ hai hướng: một là bơm thanh khoản cho thị trường thông qua bơm cung tiền và các gói tín dụng để đảm bảo tính ổn định cho thị trường tài chính; hai là điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng để kích cầu nói chung.
Tuy nhiên áp lực lạm phát là một yếu tố cần phải theo dõi. Nếu hạ lãi suất quá nhanh có thể gây áp lực lên lạm phát vốn dĩ đã có mặt bằng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, chính sách tài khóa cũng đóng vai trò không kém quan trọng, đặc biệt trong ngắn hạn. Các giải pháp cụ thể như miễn giảm thuế cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng, hoãn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc tăng cường giải ngân đầu tư công cũng là những biện pháp thiết thực có thể cân nhắc.
Phản ứng của FED và các NHTƯ khu vực sẽ có tầm ảnh hưởng lớn hơn đối với diễn biến của tỷ giá và lãi suất trong thời gian tới đây. Với việc đồng bạc xanh suy yếu sau khi FED phát thông điệp hạ lãi suất có thể đồng nghĩa với nhiều đồng tiền khác trong khu vực châu Á trở nên mạnh hơn.
Nhìn kỹ hơn ở thị trường trong nước, việc cắt giảm lãi suất của FED đã nằm trong suy đoán của nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường. Việc cắt giảm có phần đột ngột có lẽ gây bất ngờ cho thị trường, tuy nhiên thị trường tài chính Việt Nam vẫn tiếp tục vận động theo xu hướng bình ổn, chủ động nhờ vào chính sách điều hành linh hoạt và bám sát các mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) như ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Cặp tỷ giá USD/VND hạ nhiệt theo xu hướng chung của thế giới, trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục được duy trì ổn định ở mặt bằng tương đối thấp nhờ thanh khoản thị trường dồi dào.
Theo NHNN, trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, ngành Ngân hàng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạm thời cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xây dựng kế hoạch hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch COVID-19, áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất cho vay, miễn giảm phí dịch vụ.
Về phía Bộ Tài chính, Thủ tướng đã yêu cầu cùng các bộ, ngành rà soát, khẩn trương đề xuất phương án miễn, giảm, giãn, hoãn, chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí, trong đó có việc giảm thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội. Đây là một trong số những biện pháp hết sức thiết thực với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.