Làm gì để chống cơn buồn ngủ, tránh xảy ra tai nạn khi lái xe?
Khi lái xe vào ban đêm, nhiều tài xế thường cảm thấy buồn ngủ, mất tập trung, gây ra nhiều vụ tai nạn đáng tiếc.
Vào khoảng 2h15 ngày 30/7, xe khách BKS 75B 000.52 16 chỗ chở theo đoàn người đi rước dâu lưu thông trên QL1 theo hướng Bắc - Nam. Đến Km 950+700 bất ngờ xảy ra tai nạn với xe đầu kéo BKS 51D - 411.21 kéo theo rơmóc 51R - 215.75 lưu thông theo chiều ngược lại.
Cú va chạm mạnh khiến phần đầu chiếc xe khách nát vụn, 14 người tử vong. Nguyên nhân được xác định là tài xế buồn ngủ, đang đi bị tạt ngang qua làn ngược chiều.
Không chỉ riêng vụ tai nạn thảm khốc này, mà đã có rất nhiều tai nạn thương tâm xuất phát từ tình trạng buồn ngủ của lái xe.
Trên diễn đàn Oto Fun, tài xế Nguyễn Bá Long, chuyên chở khách du lịch góp ý: "Vụ tai nạn này theo em nghĩ là do lái xe buồn ngủ vì đi giờ đêm khuya. Em là lái xe nếu phải đi giờ này em chỉ ước có người ngồi trên nói chuyện với lái xe để không bị buồn ngủ. Nhưng có nhiều người không hiểu điều này, thường để người được kính trọng ngồi trên (thường là người già) khi xảy ra va chạm hậu quả sẽ nặng hơn do phản ứng chậm và sức chịu đựng kém hơn trẻ. Bên cạnh đó là việc nhiều phụ nữ hay bị say xe nên họ thường chọn ghế trước, lên xe là ngủ luôn. Các cụ mà đi đường dài hay đêm khuya đừng mặc lái xe một mình nhé, cả đang trưa sau bữa ăn. Để kìm hãm được cơn buồn ngủ của lái xe, cần nhất có người để nói chuyện, kể cả cafe nước chè, thuốc chống buồn ngủ, hay xuống rửa mặt đều chỉ được một lúc. Người lái xe là người vai vế thấp nhất trên xe nhưng là người quan trọng nhất. Xin đừng bỏ qua điều đó".
Dưới đây là những cách có thể giúp các tài xế phá tan cơn buồn ngủ, giúp tài xế lái xe an toàn và xử lý tình huống một cách tốt nhất.
1. Ngủ đủ và sâu giấc trước khi lái xe
“Cách tốt nhất để chống ngủ gật là phải ngủ đủ”. Người lớn cần giấc ngủ sâu trong khoảng thời gian 7 tiếng mỗi ngày. Nếu thiếu một trong hai yếu tố trên, có thể coi là thiếu ngủ.
2. Tấp vào lề, ngủ 15 phút
15 phút là thời gian tối thiểu của một giấc ngủ trưa. Chỉ cần chợp mắt thoáng qua 15 phút, não bộ sẽ được nghỉ ngơi, và sau khi tỉnh dậy bạn sẽ thấy cơ thể đã được “sạc” lại ít nhất 50% pin, tiếp tục cuộc hành trình.
3. Xuống xe, uống nước, rửa mặt
Khi mệt mỏi, tự bản thân cơ thể sẽ đòi hỏi được nghỉ ngơi. Sau 2 tiếng chạy xe liên tục, tài xế nên dừng và xuống xe, rồi mới tiếp tục lái. Theo một số chuyên gia về sức khỏe, không nên lái xe liên tục trong 4 giờ đồng hồ. Vì khi đó não bộ đã làm việc quá sức, cơ thể không còn khả năng tập trung. Trong tình huống lái xe một mình, các chuyên gia khuyến cáo khi cảm thấy buồn ngủ, tài xế nên xuống xe rửa mặt đi vệ sinh có thể làm cho bạn tỉnh ngủ đến không ngờ, rất hiệu quả khi mệt mỏi.
4. Duỗi chân
Ngồi nhiều trong khoang lái sẽ làm cho bạn cảm thấy chật hẹp, tù túng và mệt mỏi. Vì vậy, hãy ra khỏi buồng lái, và duỗi dài đôi chân của bạn, hay tập một số động tác đơn giản sẽ giúp lưu thông máu và tâm trí trở nên tỉnh táo.
5. Giữ cabin mát mẻ
Giữ cho buồng lái được thông thoáng, mát mẻ sẽ giúp các tài xế thoải mái hơn và tránh những cơn buồn ngủ. Mở cửa sổ của xe để không khí lọt vào. Điều này đặc biệt tốt nếu cabin nóng còn bên ngoài lại lạnh. Giống như lặn vào trong nước lạnh, không khí lạnh sẽ giúp bạn tỉnh táo hơn.
6. Uống một tách cà phê
Vốn là loại thức uống mang lại sự tỉnh táo khi làm việc, cà phê và trà cũng là một giải pháp chống ngủ gật hữu hiệu. Tuy nhiên, sử dụng liên tục trong hành trình dài có thể làm cơ thể mệt mỏi quá mức, dù không ngủ gật, nhưng lái xe vẫn không thể tập trung dẫn đến tai nạn.
7. Nhai kẹo cao su
Sự vận động của cơ hàm sẽ giúp bạn rất ít khi thấy mệt mỏi. Kết hợp với nhai kẹo, hãy ngồi thẳng lưng và cố gắng chuyển động mắt nhiều hơn.
8. Tập một vài động tác thể dục đơn giản
Tại mỗi khoảng nghỉ, tay lái nên tập một vài động tác giãn cơ đơn giản trong vòng 10-15 phút. Điều này có tác dụng giúp tinh thần thoải mái và cơ thể khỏe mạnh hơn, hạn chế một số bệnh về khớp tay, chân và cổ… Việc tài xế ý thức được sức khỏe của mình là vô cùng quan trọng, những thói quen tốt dần dần sẽ hình thành nên những tay lái tốt hơn.
9. Tránh sử dụng các loại thuốc an thần, rượu, bia
Có lẽ, đây là điều luôn được đặc biệt lưu ý. Việc sử dụng thuốc chống buồn ngủ hiện đã bị cấm. Rượu, bia cũng là những chất kích thích gây ức chế thần kinh trung ương, người uống rượu thường không đủ tỉnh táo. Vì vậy, cần triệt để không uống rượu, bia trước khi lái xe.