Làm gì để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn?

PV.

Ngành công nghiệp Du lịch xác lập và nâng cao vai trò, vị thế hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng và Nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

5 năm đóng góp cho đất nước 15,4 tỷ USD

Thống kê cho thấy, trong 5 năm qua, ngành du lịch Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng - 9,5%/năm, gấp khoảng 1,5 lần tốc độ tăng trưởng chung cả nước. Tổng thu nhập toàn Ngành lên tới 15,4 tỷ USD, đóng góp trực tiếp 6,6% và đóng góp chung 13% trong tỷ lệ GDP của đất nước.


Du lịch muốn thành ngành kinh tế mũi nhọn, trước tiên cần tái cơ cấu ngành du lịch và đặt nó trong tổng thể tái cơ cấu để vừa phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, vừa bảo đảm sự phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ
Số liệu điều tra của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, tỷ lệ khách quốc tế đến Việt Nam lần đầu và khách đến từ hai lần trở lên không biến động lớn qua các năm và duy trì ở mức độ khá hài hòa, lần lượt là: 56,3% và 43,7% (năm 2006); 60,4% và 39,6% (năm 2009); 61,1% và 38,9% (năm 2011); 66,1% và 33,9% (năm 2013).

Theo nhiều chuyên gia du lịch quốc tế, ngành du lịch Việt Nam có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển như: Tình hình chính trị xã hội ổn định; Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao; Chính sách ngoại giao rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa với các đối tác nước ngoài...

Năm 2014, Việt Nam cũng được Tạp chí du lịch Travel & Leisure của Mỹ bình chọn đứng thứ 6 trong số 20 điểm đến tốt nhất dựa trên độ an toàn và thân thiện của người dân dành cho khách du lịch lẻ.

Hang Sơn Đoòng được Tạp chí du lịch Business Insider của Mỹ bình chọn là 1 trong 12 hang động ấn tượng nhất thế giới và Tạp chí National Geographic phiên bản tiếng Nga bình chọn là tour du lịch mạo hiểm đẳng cấp nhất thế giới năm 2014...

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy ngành du lịch Việt Nam hiện vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như: Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch còn yếu; Nhận thức, kiến thức quản lý và phát triển du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu; Tài nguyên có nguy cơ bị tàn phá, suy thoái nhanh và môi trường du lịch bị xâm hại; Kết cấu hạ tầng du lịch yếu kém, lạc hậu...

Theo nhận định của Tổng cục Du lịch, tiềm năng du lịch Việt Nam rất lớn; phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn là cả một quá trình, không thể phát triển du lịch bền vững, hiệu quả nếu thực hiện các biện pháp theo "kiểu phong trào và khoán trắng", đạt mục đích trước mắt, không tính chuyện lâu dài.

Do vậy, theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, để ngành Du lịch Việt Nam phát huy những tiềm năng sẵn có và khắc phục những khó khăn hiện tại, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, trong thời gian tới cần nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút khách, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của khách.

Đặc biệt, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan truyền thông, báo chí trong việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch đất nước tới du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, thông qua báo chí có thể phát hiện những bất cập cần khắc phục để du lịch Việt Nam trở thành một thương hiệu được bạn bè quốc tế biết đến.

Về dài hạn, Việt Nam cần phải có Chiến lược phát triển du lịch với quan điểm phát triển đột phá, đáp ứng được những yêu cầu mới của thời đại về tính chuyên nghiệp, tính hiện đại, hội nhập, hiệu quả và bền vững tương xứng với tiềm năng của đất nước, đủ sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

Trên thế giới, du lịch là một trong những ngành kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất, đóng góp 9% GDP, chiếm 8% lao động và khoảng 30% xuất khẩu toàn thế giới (bao gồm cả vận chuyển hành khách).